QĐND - Đó là người phụ nữ bình thường như bao bà mẹ Việt Nam thời kỳ đất nước còn dưới ách ngoại xâm. Và bà không giữ trọng trách gì trong tổ chức Đảng, đoàn thể. Song sinh thời bà luôn được quần chúng, cùng các vị lãnh đạo cấp cao yêu mến, kính trọng. Bà tên là Đặng Quỳnh Anh…

Bà Đặng Quỳnh Anh quê làng Lương Điền, tổng Bích Triều, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nho học, có nhiều người đỗ đạt, họ tộc lại giàu truyền thống yêu nước. Năm 1885, vua Hàm Nghi “bá thiên” chiếu Cần Vương. Cha bà, cụ Đặng Thái Văn theo Đề Định phò vua chống Pháp. Anh con ông bác ruột là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn đang là Đốc học Nghệ An liền treo ấn từ quan, cùng các sĩ phu Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… khởi xướng phong trào Đông Du, sau bị Pháp bắt lưu đày 13 năm ở Côn Đảo. Anh ruột Đặng Thúc Hứa đỗ Tú tài, cũng tìm cách xuất dương, gây dựng phong trào từ hải ngoại. Anh thứ Đặng Thái Xương, một yếu nhân của Việt Nam Quang phục Hội vùng Thanh Chương. Bà lớn lên trong một gia đình văn thân, có lòng yêu nước nhiệt thành như thế, nên khi còn rất trẻ đã đi làm cách mạng. Ban đầu bà làm giao thông cho Quang phục Hội. Trong một chuyến giao liên, bà đã quen với con gái cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc- bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ. Bà có ấn tượng với bà Thanh, một người tinh thông chữ Hán, biết làm thơ và tháo vát, quen nhiều nhân vật “cứng đầu” của xứ Nghệ ngày đó. Một hôm, bà nhận được lời nhắn từ Xiêm của người anh ruột, giờ đã có bí danh là Tú Đi: O (tiếng Nghệ Tĩnh nghĩa là cô) sang Xiêm (Thái Lan) gấp, mang theo quỹ Hội (200 đồng Đông Dương) để mua súng. Bắt đầu một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của bà.

Bà Đặng Quỳnh Anh (1885-1973).

Tại Pạc Nậm Phô đất bạn, bà được ông anh giao hai việc “quan trọng”: Nuôi dạy các thanh, thiếu niên được tuyển chọn từ trong nước và làm ruộng để có lúa gạo nuôi anh em, góp vào quỹ mua súng đạn. Ông Tú Đi sợ cô em chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc đoàn thể, còn căn dặn: “Công việc này o đừng tưởng là nhỏ mọn. Một con dế có thể đào lở thành trì!”. Thế là chỉ vài năm trên đất khách, bà Quỳnh Anh đã cùng hai ông Đặng Tử Kính và Hồng Chung gây dựng được hai trại trồng lúa, gọi là “Trại cày” và một trại nuôi các em nhỏ gọi là “Trại các em”. Có thời kỳ bà đã dựng được trại cày đủ điều kiện để làm ra nhiều lúa gạo, lại vui vẻ bàn giao cho người đến sau để đi mở trại mới. Bà dành nhiều thì giờ hơn cho việc coi sóc các em và thực sự trở thành người chị, người mẹ hiền nuôi dạy các em từ nhỏ đến tuổi trưởng thành, đủ điều kiện là “hạt giống đỏ” gieo vào “mùa tranh đấu”.

Độ ấy, trong số những “học sinh” của bà có cậu Doãn và cậu Cháu được chọn đi Trung Quốc hoạt động, hai người đổi tên mới là Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái. Hôm tiễn hai em lên đường, nhận từ tay chị Sáu (tên chồng bà Quỳnh Anh) tiền lộ phí, cậu Doãn (Lê Hồng Phong) cảm động nói: “Cảm ơn chị Sáu, chúng tôi hứa trên dọc đường sẽ chỉ dùng tiền của chị một cách có ý nghĩa”. Thế rồi ít lâu sau, vang vọng sang đất Xiêm một “tiếng nổ” chấn động từ xứ Đông Dương thuộc Pháp do Phạm Hồng Thái thực hiện. Còn Lê Hồng Phong, sau những năm gây dựng phong trào, anh được cử đi học Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Tháng 3-1935, tại Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao, anh đã được bầu Tổng bí thư. Rồi hai lần bị địch bắt, lưu đày ngoài Côn Đảo, dù hoàn cảnh nào anh vẫn giữ vững khí tiết. Chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn dã man, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6-9-1942, cũng là sinh nhật lần thứ 41 của người chiến sĩ cộng sản kiên cường ấy. 

Bà Quỳnh Anh trước ảnh Bác Hồ (năm 1972). Ảnh do tác giả cung cấp.

Ở vùng Đông Bắc Thái Lan nơi bà Quỳnh Anh dựng trại, có hơn 3 vạn Việt kiều sinh sống, họ đã chủ động tập hợp trong các hợp tác xã nghề nghiệp để cùng làm ăn, hỗ trợ nhau. Những năm cuối thập niên 1920, dưới sự chỉ đạo của ông Tú Đi (Đặng Thúc Hứa) và ông Ích (Hồ Tùng Mậu), đã tuyển các hội viên có tinh thần yêu nước trong các hội nghề nghiệp vào một hội có mục tiêu chung là đấu tranh giành độc lập cho đất nước: Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Và căn nhà sàn của ông bà Sáu trở thành “đại bản doanh” của Hội. Thời kỳ này, ông Sáu Tùng chồng bà đảm nhiệm bí thư Hội. Một hôm, ông Ích đưa cho bà quyển vở và bảo: “Chị Sáu chép vào đây bài Quốc tế ca để học thuộc. Nguyên bài ca bằng tiếng Pháp, các nhà cách mạng mỗi nước đều đã dịch ra tiếng nước họ. Ở ta, ông Nguyễn Ái Quốc đã dịch thành thể lục bát cho mọi người dễ nhớ, dễ thuộc”. Rồi ông Ích chậm rãi đọc cho bà chép bản dịch đó: Những ai nô lệ trên đời/ Những ai cực khổ đồng thời đứng lên/ Bất bình này chịu sao nên… Sau lần ấy ông Ích có việc đi U Đon ngay, bà chưa kịp hỏi người dịch bản Quốc tế ca là ai. Đến giữa năm 1928, nhà bà Quỳnh Anh đón một vị khách tên là Chín, mà như chồng bà giới thiệu, là bạn thân từ hồi ở Quảng Đông, anh ấy là thư ký một hãng buôn, sang đây tìm mối hàng. Vị khách dáng cao gày, trắng trẻo, có đôi mắt to, sáng, giọng xứ Nghệ từ tốn, ấm áp. Bà Quỳnh Anh luôn cảm thấy như đã gặp ông Chín ở đâu rồi. Sáng ra ông Chín dậy sớm luyện võ, rồi đi dọn dẹp vệ sinh nhà cửa trước sau. Đến cuộc họp toàn bộ anh em do chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội bản Đông triệu tập. Ông Chín nói chuyện, phân tích đâu ra đấy tình hình trong nước, thế giới và đặt ra nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài cho thanh niên Việt Nam. Tối hôm đó, bà Quỳnh Anh bảo nhỏ với chồng: “Ông Chín là con cụ Phó bảng Sắc!”. Chồng bà ngạc nhiên hỏi lại: “Do đâu Quỳnh Anh nói vậy?”. Bà cười: “Ông ấy có nhiều nét giống bà Thanh.” Sau khi ông Chín đi rồi, chồng bà mới cười tủm tỉm khen vợ có đôi mắt tinh đời, bảo ông ấy đúng là con cụ Phó bảng Sắc và cũng là người đã dịch bài Quốc tế ca.

Anh trai bà, ông Tú Đi đã cùng ông Chín đi được nhiều ngày, nhiều nơi trên đất Xiêm, đã lâu không thấy hai người trở lại. Một ngày giữa tháng 3-1931, tin dữ đưa về: ông Tú Đi bị bệnh mất đột ngột tại Noỏng Bùa. Bà Quỳnh Anh nén đau thương tiếp tục đi trên con đường của người anh đã chỉ ra. Tháng 4-1934, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khỏi Kèn. Những hoạt động của bà cùng anh em Trại cày luôn bị mật thám Pháp theo dõi. Đầu năm 1934, nước sở tại đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Thực dân Pháp cấu kết với chính quyền Thái tăng cường khủng bố những gia đình Việt kiều mà chúng nghi có hoạt động cách mạng. Bà Quỳnh Anh bị bắt khi vừa sinh con trai thứ ba được mấy tháng. Từ đó bà chịu cảnh tù đày trong 10 năm liền, đến cuối năm 1944 mới được thả.

Đầu tháng 8-1945, bà Quỳnh Anh trong số các đại biểu Việt kiều Thái Lan được Trung ương triệu tập về nước họp Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Sau bao năm xa quê trở về, ở tuổi 60, vẻ bề ngoài bà vẫn giống như mọi bà mẹ thôn quê Việt Nam: Mặc áo cánh nâusồng, đầu cuốn khăn, nhai trầu bỏm bẻm. Tại “thủ đô kháng chiến”, bà đã gặp lại một số vị lãnh đạo, có người từng sống ở Trại cày. Sáng hôm đó, bà đến một căn nhà tranh tre nơi làm việc của chính phủ, một người cao, gày, da ngăm đen chạy ra, ôm lấy bà lắc lắc, nói: “Đồng đây, Đồng đây! Bác mới về”. Bà hơi ngỡ ngàng, hỏi lại: “Anh Phạm Văn Đồng phải không?” Rồi, đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đón bà. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, đồng chí muốn bà tĩnh dưỡng một thời gian, khi khỏe có thể nhận một việc gì đó “thật nhẹ nhàng” cho vừa sức. Đồng chí cũng cho biết hôm nay Bác Hồ đi công tác vắng. Sau  đó không lâu, có một hội nghị của phụ nữ kháng chiến. Bác đến dự. Bà rất hồi hộp, không biết Bác có khác nhiều so với ông Chín ngày xưa bên Xiêm không? Kia rồi! Mọi người ùa ra đón Bác. Người xuống ngựa, bỏ mũ. Sau hơn 25 năm gặp lại, Bác có già đi, tóc bạc, râu dài, gầy hơn, chỉ đôi mắt vẫn sáng rực. Bác lo trăm công nghìn việc, trải qua bao biến cố, chắc gì đã nhớ mình, bà thầm nghĩ vậy. Nhưng Bác nhận ra bà ngay, nhanh nhẹn đến bên hỏi: “O đã về. O có được khỏe không?”. Bà nghẹn lời, nước mắt ứa ra. Bác lại hỏi: “O vẫn nhớ tiếng mẹ đẻ chứ?”. Bà nói: “Thưa, còn nhớ cả răng, rứa, mô, tê nữa”. Bác gật đầu vui vẻ. Rồi Bác nói với mọi người, đang đứng xung quanh: “Lão đồng chí Quỳnh Anh đã có công lao nuôi dưỡng nhiều lớp cán bộ, đặc biệt lớp tuổi măng non, bổ sung cho đội ngũ cán bộ nước ta. Nhiều đồng chí cán bộ cao cấp từng được lão đồng chí Quỳnh Anh nuôi nấng hoặc chăm sóc, giúp đỡ lúc hoạt động ở Thái Lan, trong đó có cả Bác nữa. Nay lão đồng chí không quản tuổi già sức yếu về nước công tác, các cô phải hết lòng giúp đỡ, săn sóc lão đồng chí cho chu đáo”. Đến đây, Người hạ giọng nói như chỉ để mình bà nghe: “O về nước lúc này là vất vả đấy. Cánh già chúng mình, chưa mấy ai nghĩ đến chuyện vào trại dưỡng lão đâu nhỉ”.

Bà Đặng Quỳnh Anh lại nhận công việc bình thường mà trước bên Thái đã làm. Trên chiến khu, bà trông nom các cháu ở trại trẻ của Hội Liên hiệp phụ nữ đóng tại Khau Khe, Bắc Kạn; sau ngày hòa bình, trở về Thủ đô, bà phụ trách Vườn trẻ trung ương…

Bà qua đời năm 1973, hưởng thọ 88 tuổi.

Nhà văn Đặng Thai Mai (1902-1984), con trai nhà cách mạng Đặng Nguyên Cẩn, gọi bà Quỳnh Anh là cô, trong một bài viết sau ngày bà qua đời, đã hình tượng hóa con đường mòn mà “Bà O” của mình cùng bao chiến sĩ tiền bối đã khai phá, và có lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay: “Tôi còn nhớ một vài hình tượng những ngày o tôi và những người cùng thế hệ đi trên bao nhiêu nẻo đường rừng, đường rú từ miền Tây Nghệ An lên Lào, rồi từ Lào qua Xiêm. Các bạn thanh niên chúng ta ngày nay có thể tự hào là trên thế giới có một con đường mòn lúc đầu rất nhỏ nhưng giờ đây nó đã dài hơn, lớn hơn bất kỳ một con đường đại lộ lịch sử nào trên mặt đất: Đường mòn Hồ Chí Minh!”.

PHẠM QUANG ĐẨU