Tôi nhắc lại chuyện buổi sáng vào quán cà phê ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) hỏi tốp thanh niên người Thái đường đến nhà ông Lô Khánh Xuyên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện, tất cả đều lắc đầu. Nhưng khi tôi chú thêm biệt danh “ông già dạy chữ Thái ấy mà”, thì có tới 3 thanh niên tranh làm xe ôm đưa đến bản Dốn, xã Mường Noọc để gặp ông.
 |
Ông Lô Khánh Xuyên (ngồi giữa).
|
Một đời gắn với chữ Thái
Nghe xong ông Xuyên cười bảo: Đừng gọi dạy, chỉ nên gọi là người già biết thì truyền cho người trẻ, bởi dạy phải có lớp có trường, có giáo khoa giáo trình hẳn hoi, đằng này ông tự nguyện giúp một số thanh thiếu niên dân tộc Thái cùng quê biết đọc biết viết thứ chữ của tổ tiên thôi.
Từ chỗ thế hệ ông số người biết đọc biết viết chữ Thái chỉ đếm đầu ngón tay, nếu không truyền lại cho lớp trẻ thì vài chục năm nữa dễ chừng cả vùng này bói không ra người biết đọc biết viết chữ Thái. Sinh năm 1936, từ nhỏ mồ côi bố mẹ, bé Xuyên được vợ chồng chị gái cưu mang. Sau năm 1945, Đảng tăng cường cán bộ dưới xuôi lên xây dựng cơ sở tại Quế Phong, chính quyền địa phương cử thiếu niên Lô Khánh Xuyên làm liên lạc, đưa đón cán bộ người Kinh đến từng bản làng, gặp gỡ từng người dân. Các bác các chú bày cho cậu học tiếng Kinh, dần dà Xuyên trở thành phiên dịch từ tiếng Thái sang tiếng Việt và ngược lại cho các cán bộ.
Năm 17 tuổi, cậu được cử đi học Trường Sư phạm miền núi Trung ương tại Việt Bắc. Hồi đó Bác Hồ và Chính phủ chuẩn bị chiến lược phát triển giáo dục cho con em các dân tộc thiểu số, Trường Sư phạm miền núi thành lập Tổ ngôn ngữ văn tự các dân tộc, học viên Lô Khánh Xuyên được chọn vào nhóm ngôn ngữ Thái do ông Cầm Cường phụ trách. Hồi đó cũng có ý kiến định hợp nhất chữ Thái với chữ Việt, nhưng nhà trường vẫn để hai thứ chữ cùng tồn tại.
Từ 1959 công tác tại Phòng giáo dục huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, năm 1963 Nghệ An thành lập huyện Quế Phong, thầy Xuyên xin chuyển về làm việc tại Phòng Giáo dục huyện rẻo cao này cho đến khi nghỉ hưu. Ngày ấy, gần 100% đồng bào Thái ở Quế Phong không biết tiếng Kinh, bà con dân tộc Thái dùng chữ Thái là chủ yếu; nhiều cán bộ huyện, xã chưa đọc được chữ Việt, những văn bản hành chính như giấy đăng ký kết hôn, mua bán nhà cửa, trâu bò v.v.. vẫn phải dùng chữ Thái. Cuộc sống cần chữ Thái và chữ Việt cùng tồn tại để người Thái làm công cụ giao tiếp xã hội, trong các cuộc mít tinh hội họp ở Ban miền Tây Nghệ An vẫn dùng khẩu hiệu viết bằng chữ Thái. Từ ngày đó với tư cách Trưởng phòng Giáo dục huyện, ông tự nguyện dịch sách giáo khoa tiếng Việt ra tiếng Thái để giúp các giáo viên người dân tộc Thái dùng tiếng Thái làm cầu nối truyền thụ kiến thức giáo khoa cho con em người Thái.
Nhưng vì không được bảo quản phát triển một cách chính thống trong môi trường giáo dục, tiếng Thái hiện nay đã pha trộn khá nhiều tiếng Việt, giờ chỉ một ít người già đọc được truyện Khủn tinh viết bằng chữ Thái cổ. Đọc được nhưng số người này cũng chỉ hiểu khoảng 30-40% nội dung mà thôi, còn lớp tuổi trung niên trở xuống thì coi Khủn tinh của tổ tiên mình viết bằng chữ Ả-rập! Ông thấy tiếng Thái và chữ Thái cổ diễn đạt văn từ cũ rất chuẩn, tính văn học khá cao, thủ pháp ví von bóng bẩy về tình yêu, tình người, về quan hệ xã hội bằng tiếng Thái rất hay, ví như: Yêu nhau tay chẳng dám chạm tay/Chỉ đưa mắt liếc lòng say đắm tình.
So với chữ Thái vùng Tây Bắc, chữ Thái vùng Nghệ An nguyên sơ cổ xưa hơn. Vì ban đầu cũng là chữ Thái cổ ấy, nhưng về sau Tây Bắc thành một Khu tự trị hành chính nên phải cải biên chữ viết, trong khi chữ Thái ở Nghệ An vẫn sử dụng theo các sách cổ mà tổ tiên họ mang đến từ ngày đầu, do đó tính nguyên sơ vẫn còn nhiều, lối viết dọc từ trên xuống như cách thể hiện chữ Hán.
 |
Sách chữ Thái cổ.
|
Vừa chém, vừa vác
Ông trăn trở, có biết chữ Thái thì mới đọc được truyện Khủn tưởng-Khủn tinh-Nàng Ni, những ca dao tục ngữ, những bài hát giao duyên của tổ tiên để lại cho hậu sinh. Nghĩ sao làm vậy, năm 1992 về hưu, ông tranh thủ truyền chữ Thái cho những trẻ làng. Ban đầu chỉ truyền cho mấy đứa ở gần nhà đang học phổ thông, trước là để có người kế tục thế hệ ông giữ gìn chữ Thái, sau nữa cảnh “lão giả an chi” ngày nào cũng có trẻ đến càng thêm vui cửa vui nhà.
Hữu xạ tự nhiên hương, một số anh chị em người Thái làm cán bộ huyện, xã, bản mường, cũng đến nhờ ông truyền cho ít chữ Thái để có thêm phương tiện phục vụ tốt việc công việc tư. Vất vả thiếu thốn hết nói, bù lại cứ 3 tháng một khóa, các lứa đệ tử của ông lần lượt “ra lò” đã đọc thông viết thạo chữ Thái.
Điều ông băn khoăn là, theo nguyên tắc quản lý Nhà nước về giáo dục, muốn phổ biến chữ Thái dù chỉ phổ biến cho một số người Thái trong bản, cũng phải có giáo khoa được cấp thẩm quyền về giáo dục phê chuẩn ông mới được dạy. Ông mang bộ giáo trình chữ Thái do mình biên soạn về nhờ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thẩm định. Ông tin là một tỉnh với riêng đồng bào thuộc 5 dân tộc thiểu số lên tới 1,5 triệu người, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An sẽ nhanh chóng phê chuẩn để sớm có cho ông chiếc gậy pháp lý. Nào ngờ, đốt đuốc tìm khắp các phòng, ban của Sở vẫn không có một chuyên gia để thẩm định chữ Thái, mà không có chuyên gia thẩm định thì Sở và UBND tỉnh cũng không thể phê duyệt!
Ôm bộ giáo trình đi lại phải ôm về. Bỏ thì thương các cháu, mà vương thì dễ vạ vào thân. Biết vậy, song đã ngồi trên lưng hổ thì ông phải đi đến cùng, lại tiếp tục vừa chém vừa vác để bảo tồn giữ gìn chữ Thái ngay trên vùng đất nó được sinh ra. Việc làm của ông là hoàn toàn tự nguyện, ông luôn nghĩ việc gì có lợi cho dân dù khó vẫn cứ mạnh dạn làm.
Nhưng bảo hiểm cho ông đang bị kẹt giữa hợp pháp và “bất hợp pháp” là sức sống trường tồn của một dân tộc, một cộng đồng, một vùng miền văn hóa. Là dòng chảy thao thiết của kho tàng truyện kể, ca dao, tục ngữ, hát giao duyên… của tổ tiên người Thái để lại trong tâm thức cộng đồng. Vì vậy ông đang dành những năm tháng cuối đời để cố gắng truyền giữ chữ Thái cho con cháu, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo ông, một Ngôn ngữ “sống khỏe” là đủ cả tiếng nói và chữ viết được một hoặc nhiều cộng đồng đang sử dụng. Không chỉ là chất liệu hình thành nhân cách cá nhân, phát triển văn hoá cộng đồng, chữ Thái còn là vũ khí trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc Thái. Tiếng Việt đóng vai trò quốc ngữ sẽ càng thêm phong phú với sự đa dạng của các ngôn ngữ bộ phận, trong đó có tiếng nói chữ viết của người Thái, để cùng tồn tại phát triển dưới một mái nhà chung.
Giao Hưởng