Năm 1964, tròn 15 tuổi, Lê Thanh Nghị xung phong vào đội du kích xã Bình Dương, sau đó làm Xã đội trưởng, kiêm Chính trị viên xã đội. Suốt thời gian bám trụ, chiến đấu giải phóng quê hương, ông đã 13 lần bị thương. Ông kể: "Tôi nhớ nhất là trận đánh chống càn ác liệt năm 1967, khoảng 2 giờ chiều, tại chợ Cẩm Khê (Kỳ Thịnh, Tam Kỳ), địch tập trung 3 tiểu đoàn, với 30 xe tăng, tấn công vào chiến hào Kỳ An. Tôi cùng các đồng chí: Hồ Văn Đoàn, Nguyễn Xuân Miễn (đã hy sinh) kiên cường bám trụ. Trận này, tôi bị trúng đạn bên hông trái, cố gắng bò lên đồi tranh, rồi nằm bất tỉnh. Tối hôm đó, tôi được bộ đội đưa về băng bó vết thương".

Năm 1972, trên cương vị Xã đội trưởng, Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ huy tổ du kích tiêu diệt trung đội bảo an của địch; diệt gọn một trung đội gồm 32 tên địch, thu 32 súng và một máy gọi truyền tin RC25.

 Cựu chiến binh Lê Thanh Nghị.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, quân dân Bình Dương quyết tâm giành lại đất. Ông Nghị cùng đồng chí Nguyễn Lạc (trợ lý Ban CHQS huyện) đang ở Xuyên Tân (Duy Xuyên) lội sông sang cắm cờ giành đất tại 4 thôn trong đêm. Mờ sáng, địch kéo ra một trung đội, chúng quát tháo: “Giải phóng ở đâu cho chúng tôi gặp!”. Nghe vậy, ông Nghị vọt từ dưới hầm lên, đứng cách địch 10m, hô to: “Nếu muốn gặp thì bỏ súng xuống để thỏa thuận. Đây là khu vực giải phóng thuộc địa phận của chúng tôi!”.

Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất phần đất được cắm cờ là đất của quân dân Bình Dương. Thỏa thuận xong, địch rút về đồn, nhưng đến khoảng 9 giờ, chúng lại kéo quân tới thực hiện âm mưu giao chiến với ta để cướp cờ giải phóng, thế nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của cán bộ, nhân dân địa phương. Chúng điều thêm 3 xe tăng từ Bình Đào chạy ra đồi Ông Giáp (thôn 4, Bình Dương) bắn xối xả, khiến một số đồng chí của ta bị thương. Lực lượng ta không có súng chống tăng nên bí mật rút lui. Ông Nghị cùng ông Nguyễn Thơ (du kích) cơ động theo bờ sông lấy cờ qua vùng Xuyên Tân bám trụ tại đó, gây dựng lại cơ sở cách mạng và hoạt động cho đến năm 1975.

Sau ngày giải phóng, ruộng vườn hoang hóa, làng xóm tiêu điều, người dân Bình Dương lại chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách. Không cam chịu đói nghèo, biến khó khăn thành lợi thế, với cương vị Chi hội trưởng Chi hội CCB, ông Nghị chủ động đề xuất và vận động các hội viên góp vốn xoay vòng hằng tháng khai hoang trồng sắn, đậu... để tăng thu nhập... Giờ đây, tuy đã ở tuổi “lục tuần” nhưng ông vẫn “áo vợ cơm nhà lo việc xã”, ngược xuôi kêu gọi những tấm lòng nhân ái, gây quỹ từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó; vận động bà con xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư, tham gia bảo vệ trật tự an toàn thôn xóm, chung sức xây dựng quê hương. Ông vẫn thường đến các trường học kể chuyện truyền thống cho thanh-thiếu niên, học sinh.

Chiều Bình Dương bình yên như bao miền quê khác của xứ Quảng. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc hiện rõ trên từng gương mặt, nụ cười của người dân. Phút chia tay, CCB Lê Thanh Nghị tâm sự: “Là đảng viên thì phải gương mẫu, làm việc và cống hiến hết mình cho quê hương, gia đình”.

Bài và ảnh: KIM NGÂN