QĐND - Phạm Trần Canh, người thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, là nghệ nhân làm nón lá cổ truyền nổi tiếng nhất làng Chuông. Trước khi trở thành người khai sinh lần thứ hai cho nghề làm nón thúng quai thao tưởng đã thất truyền, thương binh Phạm Trần Canh đã có những ngày tháng chiến đấu mưu trí và quả cảm giữa lòng Thủ đô cuối năm 1946. Hơn 80 năm cuộc đời, tưởng như bao nhiêu sóng gió buồn vui của nhân thế ông cũng từng nếm trải.
Thời trai trẻ – Làm lính Cụ Hồ
Đón tiếp chúng tôi cũng như bao vị khách xa gần, vẫn là một đôi tay không ngừng nghỉ khâu trên những nếp lá cọ trắng, người thương binh già ấy chưa bao giờ thôi khâu nón. Giây phút hiếm hoi giải lao giữa câu chuyện, ông lại hát vang những ca khúc hùng tráng một thời với cây đàn ghi-ta xỉn màu.
Sinh năm 1931 trong gia đình nghèo, 10 tuổi Phạm Trần Canh đã mồ côi cha mẹ sau một trận đói trước Cách mạng Tháng Tám. Vốn tính nhanh nhẹn tháo vát, ông Canh được người ta giới thiệu đi ở cho các quan Pháp, quan Nhật. Trong mấy năm làm phận thằng nhỏ con sen, ông đã đi ở cho 24 chủ. Kẻ tốt người xấu, bất công giữa một đời sống xa hoa quá chênh lệch với sự lầm than của dân nghèo đã khiến ông Canh càng căm thù giặc sâu sắc.
 |
Cựu chiến binh - nghệ nhân Phạm Trần Canh. |
Nhờ những tháng ngày đi ở, ông Canh có khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật. Bên cạnh đó, ông cũng thông thuộc nhiều ngõ ngách tư thất của những tên quan giặc, thuộc mặt từng tên đầu sỏ. Bởi vậy, ngay khi ông bắt liên lạc với tổ chức kháng chiến của Vệ quốc đoàn, được các anh giao nhiệm vụ trinh sát liên lạc, dẫn đường cho các đồng chí mình trừ khử những tên quan Pháp ngay tại giường ngủ của chúng. Đầu năm 1946, ông chính thức trở thành chiến sĩ của Đại đội 27, Tiểu đoàn Đống Đa (thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) khi mới 15 tuổi.
Trong những ngày làm nhiệm vụ công tác trong lòng địch, ông Canh nhiều lần cải trang thành người đi bán kem dạo, người đánh giày để thu thập thông tin. Ông kể, có lần ông chít khăn mỏ quạ giả gái bán bún ven đường thì có hai tên da đen đi đến. Những toán nhỏ lẻ này thường mò vào các làng hãm hiếp phụ nữ. Thấy khuôn mặt trắng trẻo của ông, một tên kéo ông vào bụi ngô ven đường định hãm hiếp. Lưỡi dao thọc giữa yết hầu từ tay “cô bán bún” đã khiến tên giặc gục ngay tại trận. Lúc đó, tên còn lại đang xé váy cô chủ gánh bún cũng nhận ngay một đòn chí tử giữa gáy và giãy chết bởi “anh lính mặc váy đụp” Phạm Trần Canh.
Ông Canh đã cùng đồng đội tiến hành nhiều trận đánh khác như trận cướp súng giặc ở đồn Do Lộ (Hà Đông), tham gia chống càn thành công tại các xã Thanh Mai, Đỗ Lộng (Thanh Oai). Đặc biệt là trận phục kích bắt sống cả một đại đội Âu Phi hơn 120 tên tại khu vực Cống Áng (Thanh Oai) bên bờ sông Đáy. Về trận đánh này, ông kể: “Khi đã bắt sống được đám lính đánh thuê, không có cách nào trói chúng được, bởi lính ta đứng chưa đến cổ địch, tôi liền bày cho anh em bắt địch lội xuống ruộng, còn lính ta thì đứng trên bờ dùng thừng trói”.
 |
Ông Canh luôn miệt mài khâu nón. |
Đầu năm 1950, ông Canh bị địch bắt và giam tại Hỏa Lò, chúng tra tấn hết sức dã man. Ông không khai một lời. Hơn chục ngày sau, ông cùng các đồng chí của mình đã tổ chức vượt ngục và trốn thoát ra ngoài. Hai tháng sau đó, địch lại bắt được ông. Lần này, chúng giam ông ở Căng 41 (Căng là tên thường gọi của nhân dân ta chỉ các Khu trại tập trung tù chính trị do thực dân Pháp dựng lên trong quá trình đô hộ). Tại đây, ông Canh tổ chức vượt ngục và dẫn dắt 96 đồng chí của ta vượt qua các hàng rào an ninh dày đặc của địch và trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Cuối năm 1952, ông Canh bị thương và mất đi chân phải trong trận đánh địch tại bốt Lạc Đạo, giải phóng khu Cháy gần ga Tía (nay là ga Thường Tín, Hà Nội). Ông được chuyển vào điều trị tại trại A4 thuộc Ty thương binh Nghệ An (Thanh Chương - Nghệ An). Trong quá trình điều trị tại đây, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ trong ban tuyên giáo của trại thương binh A4. Giữa thời kỳ này, Đảng ta có chính sách cưới vợ cho anh em thương binh. Ông Canh trở thành “bà mai” tốt duyên tốt phúc, làm chủ hôn cho hơn 40 đôi thương binh và các cô dân quân du kích địa phương, đôi nào cũng nghĩa tình, chung thủy.
Trong một lần biểu diễn văn nghệ phục vụ anh em thương binh, ông Canh đã gặp cô gái Nguyễn Thị Cẩm của đoàn văn công thị xã Vinh, người sau này trở thành bạn đời của ông. Về kỷ niệm ngày bà nhận lời làm vợ ông, ông Canh vẫn còn nhớ như in từng lời bà nói. Bà bảo với ông: “Anh đã chiến đấu hy sinh như bố em, đã để lại một phần cơ thể vì Tổ quốc, vì cách mạng, em sẽ chăm sóc và lo lắng cho anh đến hết cuộc đời”. Bà trở thành vợ ông sau một đám cưới giản dị.
Về quê cũ với chế độ thương binh hạng 2/4, ông Canh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng tại địa phương và được nhân dân, tổ chức tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, Bí thư chi bộ, rồi Phó bí thư Đảng ủy xã Phương Trung. Còn vợ ông, bà Cẩm làm cô giáo trường làng. Thời gian này, ký ức xa xưa về nghề làm nón quai thao cổ truyền của làng Chuông đã cho ông quyết tâm khôi phục lại nghề xưa.
Về già - Phục hồi nón cổ thất truyền
“Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón đẹp thì về làng Chuông”, câu ca lưu truyền trong dân gian kể về làng nghề làm nón cổ cách đây hơn 300 năm và cực thịnh vào 3 thập niên đầu thế kỷ XX. Ở thời hoàng kim của mình, nón lá do các nghệ nhân làng Chuông quê ông Canh làm ra được chọn làm quà biếu cho các hoàng hậu, công chúa trong cung. Tiếc thay, những kỹ thuật làm nón ấy đã bị thất truyền.
Vào năm 1997, có đoàn văn công địa phương nghe danh nón cổ làng Chuông đã tìm về làng đặt hàng làm nón ba tầm. Thời gian này, các nghệ nhân già trong làng biết đến kỹ thuật làm nón ba tầm đều đã mất. Ông Canh mạnh dạn nhận đơn đặt hàng khi trong tay chẳng có một chiếc khuôn, không một tài liệu ghi chép kỹ thuật, và ông cũng chưa từng làm nón. Vợ ông lo lắng thay cho chồng. Ông Canh đi các gia đình trong làng để mong tìm một chiếc khuôn, chiếc nón cổ làm mẫu mà không có. Chợt nhớ, nón làng Chuông từng được các thương gia từ Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh về nhận hàng, ông liền khăn gói và lên đường làm cuộc phiêu lưu đi tìm mẫu nón cổ khắp các xứ chèo.
 |
Một số sản phẩm nón của nghệ nhân Canh. |
Chuyến độc hành của ông Canh đã kinh qua nhiều khó khăn với chiếc ba-bét-ta và một bên chân cụt tận đùi. Hơn một tháng trời, ông rong ruổi qua Hà Nam, Hưng Yên, rồi Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình… Sau bao vất vả, cuối cùng ông Canh cũng “thỉnh” được một chiếc nón quai thao cổ.
Có nón mẫu, ông liền tháo tung hết ra, cố gắng ghi nhớ từng chi tiết kỹ thuật, từng công đoạn một, nào là cách ghép lá, lợp lá, cách vào vành, móc khâu... Cùng với đó, ký ức của cậu bé 9 tuổi ngồi vuốt lá cho bà nội khâu nón khi xưa cứ lần lượt hiện về dẫn dắt ông qua 5 công đoạn làm chiếc nón quai thao, từ làm lá, vào khuôn, lợp lá vòng trong vòng ngoài, khâu nức... Chỉ sau một hai chiếc nón đầu bỏ đi, ông Canh đã thành công. Dưới bàn tay của thương binh Phạm Trần Canh, nón quai thao cổ truyền làng Chuông đã hồi sinh.
Từ sự thành công với nón ba tầm, ông Canh tiếp tục tìm hiểu và khôi phục thành công nhiều kiểu nón cổ truyền khác. 11 kiểu nón cổ và cách điệu là con số nói lên những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông. Nào là nón dâu, nón cụp, nón ba tầm, nào là nón chân tượng, nón lòng chảo… Đường kính các loại nón cũng đa dạng, từ những chiếc nhỏ 25cm cho đến chiếc nón kỷ lục có đường kính 2m.
Đôi nón quai thao có đường kính 2m được ông làm vào năm 2001. Đó là đơn đặt hàng của khách sạn Liên Hoa nhằm mang nón cổ xuất ngoại đến triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại thủ đô Pra-ha (Cộng hòa Séc) và Béc-lin (Đức). Ông kể rằng, bởi nón quá to nên làm chay chứ không dùng khuôn. Riêng chiếc vành nón có chu vi 7m, ông mua tre và nhờ các cựu binh đến uốn giúp. Tiếp đó, ông treo nón lên xà nhà, hai ông bà, mỗi người một bên, ông khâu thì bà đón kim và ngược lại. Sau 20 ngày đêm miệt mài, hai chiếc nón được hoàn thành.
Tiền thưởng của hai chiếc nón có đường kính kỷ lục đó là 1,3 triệu đồng, ông chia cho 6 đứa cháu của mình hết ba trăm nghìn. Số còn lại ông bảo bà mang sang ủng hộ nhà mẫu giáo của đội 5, thôn Mã Kiều, mong muốn trường có kinh phí tu sửa phòng học cho các cháu sau đợt bão. Ông tâm tình: “Tuổi thơ mình đã không được học, đó là điều thiệt thòi lớn, nay chỉ mong sao các cháu đều được học hành đến nơi đến chốn”.
Ngày ngày, bà vẫn giúp ông hoàn thành những chiếc nón lá cổ để bán cho khách thập phương. Mỗi khi ai đó hỏi về động lực để ông có thể vượt qua những khó khăn của cuộc đời, Phạm Trần Canh cười khiêm tốn: “Thì mình là lính Cụ Hồ mà!”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CƯỜNG