QĐND - “Hỡi em dũng sĩ mười lăm/Tuổi thơ mà đã ngang tầm nước non” - câu thơ trong bài “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu chúng tôi vẫn thuộc từ hồi học cấp 1, cấp 2 nhưng hoàn toàn mơ hồ không biết nhân vật ông muốn nói đến là ai. Mãi sau này khi trưởng thành, tìm đọc các tài liệu mới biết, cậu bé “dũng sĩ mười lăm” ấy là Nguyễn Hữu Lỳ, một người con của vùng đất Quảng Nam anh hùng.

Nhiều cụ già ở thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung vẫn còn nhớ cậu bé Lỳ dù đã 65 năm trôi qua. Nhà bà Hà Thị Nỳ con đông, chồng đi hoạt động cách mạng, bà vừa dệt vải, làm ruộng, nuôi đàn con 7 đứa. Là con thứ hai, Nguyễn Hữu Lỳ hiểu nỗi vất vả của gia đình nên hằng ngày vẫn xuống sông mò hến, bắt cua và làm tất cả mọi việc có khả năng để phụ giúp gia đình. Vốn là người lanh lẹ, việc gì Lỳ làm cũng cừ. Đặc biệt, Lỳ có tài đá bóng. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Điện Bàn, chúng đem một lực lượng lớn đóng tại Trường Giang, Thanh Quýt và liên tục thực hiện những cuộc truy bức, đánh phá các lực lượng cách mạng. Khoảng giữa năm 1947, 15 tuổi, Nguyễn Hữu Lỳ xin gia nhập đội công an xung phong Điện Bàn, biệt hiệu Q.3. Biết tài đá bóng của Lỳ, bọn lính trong đồn Hương Sen rất thích cậu tham gia. Lỳ lách bóng khéo léo, nhiều lúc giành bóng hăng đến mức đá tung những mô đất ngoài sân, tài liệu Việt Minh bay tá lỏa, làm bọn chúng hoảng hốt mà không ngờ rằng cầu thủ Lỳ đã cố ý giấu truyền đơn, chỉ có dịp là đá vào sân.

Ông Nguyễn Hữu Bì bên tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của anh trai Nguyễn Hữu Lỳ. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Tham gia đội công an xung phong Điện Bàn, Nguyễn Hữu Lỳ hăng hái làm liên lạc. Địch vây ráp, cán bộ hoạt động khó khăn, chính vóc dáng bé nhỏ giúp cậu nhiều lần qua mắt kẻ thù. Lần đó, nghe các anh ở huyện bàn phương án phá lễ đón rước Bảo Đại về nước tại Vĩnh Điện vào ngày 2-5-1948, Lỳ xin một quả lựu đạn với quyết tâm tiêu diệt tên vua bán nước. Tuy nhiên, địch canh giữ sít sao, cậu không qua được cầu Vĩnh Điện. Trên đường trở về, Lỳ bị địch bắt, bên hông có giắt lựu đạn. Chúng giam cầm cậu, một lúc ba thằng ác ôn đánh đập dã man nhưng Lỳ vẫn kiên quyết không khai, trước sau tự cho mình làm, không ai xui khiến. Trong xà lim, xung quanh cậu viết những dòng chữ “Bác Hồ muôn năm” làm địch càng thêm tức tối.

Sau nhiều lần tra tấn, biết không thể nào khuất phục được Nguyễn Hữu Lỳ, cuối cùng địch đưa cậu đi chém ở bến Vân Ly (Điện Phước ngày nay), rồi bêu đầu trên cầu. Ông Nguyễn Hữu Bì, người em của Nguyễn Hữu Lỳ, cũng là một người cộng sản gan góc, nổi tiếng là tù nhân chính trị đấu tranh chống chế độ cấm cố khắc nghiệt và đàn áp đẫm máu ở Côn Đảo. Ông từng làm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Điện Thắng, nay dù đã gần tuổi 80, sức khỏe yếu nhiều do những năm tháng tù đày ở Côn Đảo vẫn nhớ như in hình ảnh anh mình: “Ba tháng chúng giam cầm anh Lỳ, cũng là ngần ấy thời gian tôi và bà nội mang cơm cho anh. Chúng tôi không được gặp trực tiếp mà đưa qua lính cai. Thi thoảng nhìn thấy anh từ xa khi chúng đưa tù nhân ra sông Vĩnh Điện tắm, đôi tay bị còng. Anh nhỏ nhất trong đoàn người. Sáng hôm ấy, tên lính không nhận cơm nữa, nói rằng anh Lỳ đã bị đem đi bắn tối qua. Hai bà cháu òa khóc. Về nhà báo gia đình. Mẹ tôi, ông nội và các dượng đi tìm. Bà con trong vùng kể rằng, tối hôm đó, cậu thiếu niên không chịu đi mà đòi bắn ngay trên sông Vĩnh Điện để có chết cũng trôi về làng, cha mẹ chôn cất. Khi chúng đẩy đi thì miệng vẫn hô to nhiều câu khẩu hiệu đả đảo Bảo Đại, ủng hộ Việt Minh. Gia đình chỉ biết hương khói trên mộ của anh, chứ không thể đưa hài cốt về được vì địch phong tỏa. Một thời gian sau thì trận lụt lớn, làm lở bờ sông, mộ anh cũng bị cuốn trôi…”.

Năm Lỳ hy sinh cũng là năm người cha hoạt động cách mạng ở Điện Ngọc ngã xuống, chị gái Tư Mỳ cũng bị bắt, nhà bị địch đốt đi đốt lại 2 lần. Bà Hà Thị Nỳ mỗi lần nhắc đến chồng con, người lại co giật, phải điều trị một thời gian dài mới hết. Muốn những người con còn lại luôn ở bên mình, nhưng rồi chính bà lần lượt tiễn từng đứa đi làm cách mạng. 4 người con cùng chồng đã không về. Người con trai cả Nguyễn Hữu Thông đánh giặc từ tuổi 15, vào bộ đội chiến đấu ngoan cường, tham gia hàng loạt trận đánh, phá hủy hàng chục đồn bốt, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên giặc, hy sinh như một anh hùng.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ: Cách nhau 100m, xóm nhỏ Thanh Quýt có hai người con với cái chết trở thành bất tử. Nếu Nguyễn Hữu Lỳ dùng lựu đạn để diệt tên vua Bảo Đại “cõng rắn cắn gà nhà”, thì năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn trên cầu Công Lý mưu sát tên tướng Mắc Na-ma-ra của Mỹ. Và giờ đây, tại nghĩa trang Điện Bàn, dù chỉ là mộ gió, nhưng cái tên Nguyễn Hữu Lỳ trên tấm bia vẫn sáng rõ giữa đất trời. 

HỒNG VÂN