QĐND - “Thời gian tác chiến 5 giờ ngày N1, lực lượng trinh sát của tiểu đoàn báo cáo phát hiện một tốp địch cơ động theo hướng vật chuẩn 2… Lệnh của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 1… Hoàn thành nhiệm vụ kịp thời báo cáo…”-Đại tá, Tiến sĩ Mai Xuân Quyết, Trưởng khoa Chiến thuật Trường Đại học Nguyễn Huệ, đang trực tiếp chỉ đạo tình huống diễn tập thực binh cho học viên cuối khóa. Cắt tình huống, ông nhắc nhở đơn vị: “Phát hiện sớm, nổ súng chặn địch từ xa không những giữ vững thế chủ động mà còn làm cho địch không thể phán đoán được lực lượng của ta nhiều hay ít”. Bài học ấy được rút ra từ thực tiễn những năm tháng chiến đấu của ông trên chiến trường Cam-pu-chia 28 năm trước.
Ký ức đồi Tròn...
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Mai Xuân Quyết trưởng thành từ khói lửa chiến trường trong những năm tháng ác liệt làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Cam-pu-chia. Trận chiến đấu không cân sức, diễn ra vô cùng ác liệt cuối năm 1984 khi ông đang làm Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 339, tham gia chiến đấu tại tỉnh Pô Xát (Cam-pu-chia), là một trong những dấu ấn để đời. Những kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu trên chiến trường chính là chất liệu thực tiễn hết sức quan trọng để sau này, trên cương vị một nhà giáo, ông đã đúc kết, biên soạn thành tài liệu giáo khoa quân sự truyền thụ cho các thế hệ sĩ quan trẻ. Ông kể:
 |
Đại tá Mai Xuân Quyết (thứ hai, từ phải sang) tại buổi giao lưu kể chuyện chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia.
|
- Giáp Tết Ất Sửu (1985), đại đội tôi nhận lệnh phòng ngự kết hợp chốt tại khu vực đồi Tròn. Vì phải giữ bí mật đội hình để chuẩn bị tiến công giai đoạn 2 của chiến dịch mùa khô năm 1984-1985, nên mặc dù nằm trong đội hình tiểu đoàn nhưng chỉ riêng Đại đội 1 đảm nhiệm phòng ngự độc lập bên bờ tây sông Cơ-lung, chủ động đánh địch bảo vệ trận địa. Ngày 26 Tết, đơn vị triển khai đội hình phòng ngự. Sáng sớm 27 Tết, chiến sĩ cảnh giới phát hiện một tốp 3 tên lính Pôn Pốt bám đường mòn tiến vào khu vực phòng ngự, liền nổ súng tiêu diệt một tên. Bọn chúng rút chạy. Ngay trưa hôm đó, hỏa lực cối của địch nã dồn dập, liên tiếp vào trận địa chúng tôi suốt 18 tiếng đồng hồ. Cánh rừng phía trước cháy trơ trụi, nhiều công sự của ta bị hư hỏng. Sáng sớm ngày 28, khoảng hai đại đội địch tiến công lên đồi Tròn. Quân số của chúng đông gấp 6 lần đơn vị chúng tôi. Trước tình thế nguy cấp, tôi triển khai cho anh em bố trí sẵn tất cả các loại súng tại bệ, mỗi người đảm nhiệm 3 khẩu, cơ động các vị trí chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời, để nghi binh không cho chúng phát hiện lực lượng của ta quá mỏng, tôi hạ lệnh nổ súng ngăn chặn địch từ xa không cho chúng tiến sát trận địa phòng ngự.
Thời điểm đó, toàn bộ đội hình Trung đoàn 10 bố trí bên này sông, phải tuyệt đối giữ bí mật không để địch phát hiện ý định tiến công giai đoạn 2 của chiến dịch. Cho nên, dù rất lo lắng cho Đại đội 1 nhưng nếu chi viện hỏa lực và bổ sung quân số sẽ bị lộ hết, nên chỉ huy trung đoàn yêu cầu bằng mọi giá Đại đội 1 phải giữ được đồi Tròn. Đại tá Quyết nhớ lại:
- Các chiến sĩ liên tục cơ động sử dụng nhiều loại súng khác nhau, ai cũng mệt nhoài nhưng bù lại quân địch bị thiệt hại nhiều, tinh thần hoang mang không biết ta phòng ngự đông hay ít nên chúng không dám ồ ạt tiến công trận địa.
Mấy ngày liền chiến đấu căng thẳng, ác liệt trong điều kiện thiếu cơm ăn, nước uống bởi lực lượng hậu cần của cấp trên không thể vượt sông tiếp tế, cả đại đội chỉ ăn cơm sấy, cơm cháy, uống nước sông nên bộ đội gần như kiệt sức. Đại đội trưởng Mai Xuân Quyết chạy đi chạy lại xử trí tình huống, động viên anh em kiên trì bám trụ. Quần áo anh vướng các gốc cây cháy, rách bươm, mặt mũi nhọ nhem, chầy xước. Ông kể tiếp:
- Lúc ngơi tiếng súng, tôi mệt mỏi rã rời bước về hầm chỉ huy. Nhìn thấy tôi, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Văn Tiến òa khóc. Tưởng cậu ta sợ hãi, mất tinh thần, tôi sẵng giọng: “Không được khóc! Lính chiến thấy bom đạn mà rơi nước mắt là hèn nhát, hiểu chưa!”. Nghe vậy, cậu ta gạt nước mắt, mặt đanh lại: “Em không sợ, chỉ vì nhìn quần áo anh rách hết, chân tay, mặt mũi nhem nhuốc em thấy thương quá thôi. Anh lấy tạm chiếc quần của em mà mặc”. Tự nhiên, tôi thấy lòng mình ấm lại. Một cảm giác thân thương, gần gũi bất chợt trào dâng. Như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tôi cầm vội mấy miếng cơm cháy, vụt chạy tới chỗ các chiến sĩ đang nín thở, căng mắt quan sát địch, động viên anh em “còn sống còn trận địa”, dốc toàn lực bảo vệ điểm tựa. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên chiến trường, cán bộ, chiến sĩ chia nhau từng miếng cháy, từng ngụm nước sông nhưng ai cũng hừng hực quyết tâm chiến thắng.
Suốt 5 ngày kiên cường bám trận địa, mỗi ngày đẩy lui 5, 6 đợt tiến công của địch, Đại đội 1 đã giữ vững khu vực đồi Tròn tạo thuận lợi cho cấp trên bí mật ém quân triển khai đội hình bước vào chiến dịch quy mô lớn.
Lửa nhiệt huyết của người thầy
Cuối năm 1985, Trung úy Mai Xuân Quyết được điều về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ). Từ đó đến nay, gần 30 năm đứng trên bục giảng, bằng kinh nghiệm thực tiễn và trách nhiệm của một người thầy, ông đã cùng đồng đội “truyền lửa” cho bao thế hệ sĩ quan trẻ, hun đúc ý chí, niềm tin cho lớp lớp học viên khôn lớn, trưởng thành. Những bài học từ thực tiễn chiến đấu như kinh nghiệm đánh địch từ xa, một người sử dụng nhiều loại súng được ông truyền lại cho thế hệ tương lai một cách tự hào. Đặc biệt, một trong những kinh nghiệm khiến đồng đội và học trò tâm đắc là phương pháp cơ động một bước chân để tránh giẫm phải mìn. Đại tá Quyết giải thích:
- Trên chiến trường Cam-pu-chia, bọn Pôn Pốt gài mìn khắp nơi với đủ loại khác nhau như K58, KP2, 562A, B…, chỉ nghe “uỳnh” một cái là chiến sĩ ta đã bị tiện đứt một bàn chân hoặc thủng bụng, toác đùi. Bởi vậy, khi hành quân chúng tôi phải rất thận trọng giẫm vào đúng dấu chân người đi trước để tránh dính mìn. Cả đội hình gần như chỉ cơ động một bước chân. Bài học đó phải được trang bị cho học viên để anh em tích lũy kiến thức thực tế giúp ích cho công tác sau này.
 |
Trưởng khoa Chiến thuật Mai Xuân Quyết thống nhất phương án diễn tập chiến thuật cho cán bộ, giảng viên nhà trường.
|
Trên cương vị giảng viên, rồi Trưởng khoa Chiến thuật của nhà trường, Đại tá Mai Xuân Quyết luôn tâm niệm, gắn giảng dạy lý thuyết với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu trong từng bài giảng. Từ thực tiễn chiến trường Cam-pu-chia, người Đại đội trưởng năm ấy đã rút ra kinh nghiệm: Đối với địa hình tác chiến rừng dày, nhiều cành lá đan xen phải sử dụng đạn nổ 2 lần và không dùng súng B41 bắn đạn cánh đuôi. Bài học này vô cùng bổ ích cho học viên khi gặp điều kiện tác chiến tương tự, vừa bảo đảm an toàn, vừa tăng hiệu quả sát thương địch. Ngoài ra, khi huấn luyện ở địa hình sông nước, ông không quên giới thiệu cho học trò phương pháp nghỉ giải lao trong quá trình hành quân qua đầm lầy bằng cách người nọ ngồi lên đầu gối người kia để không bị ướt; hay phương pháp dựng lán ở địa hình sình lầy sử dụng cành cây buộc lại với nhau, đặt nằm xuống bùn rồi mới dựng cọc lên trên… Những phương pháp này được ông tìm hiểu từ thực tiễn chiến tranh chống Mỹ mà Bộ đội Đặc công rừng Sác sáng tạo nên… Tất cả những kinh nghiệm quý ấy được thầy Quyết gửi gắm vào nội dung bài giảng một cách khéo léo, sinh động, làm tăng tính thuyết phục và lòng tin cho học viên về nghệ thuật quân sự, cách đánh của ta.
Những năm trước, mỗi lần nhà trường tổ chức diễn tập, các giảng viên đạo diễn thường đánh giá kết quả, bình tập theo từng giai đoạn, nhưng hiện nay với mục đích bảo đảm tính liên hoàn, thống nhất, Trưởng khoa Chiến thuật đã yêu cầu đạo diễn khung tập phát tình huống lô-gích, không để thời gian ngắt quãng, tiến hành nhịp nhàng công việc của chỉ huy và phân đội. Đồng thời, để thay đổi phương pháp tổ chức diễn tập, ngay từ khâu huấn luyện dã ngoại sông nước, ông đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo thay thế hình thức huấn luyện đội ngũ chiến thuật bằng hình thức tập chiến thuật, vừa phù hợp với đặc điểm địa hình sông nước, vừa bảo đảm sát thực tiễn chiến đấu và nâng cao kỹ năng hiệp đồng tác chiến của phân đội. Đây chính là những nét mới đang được Trường Đại học Nguyễn Huệ triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng “thực tế hóa” công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Thành công ấy có một phần đóng góp không nhỏ của Trưởng khoa Chiến thuật Mai Xuân Quyết-người góp nhặt từng kinh nghiệm để “truyền lửa” cho thế hệ tương lai.
Bài và ảnh: YẾN LONG