Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm

QĐND Online - Sáng 14-5, báo Quân đội nhân dân phối hợp với Bệnh viện 5 (Cục Hậu Cần, Quân khu 3) đã tổ chức buổi toạ đàm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Chiến sĩ quân y học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2008).

Tới dự cuộc toạ đàm có Thiếu tướng Chu Tiến Cường, Cục trưởng Cục Quân y; Thiếu tướng, Phó chính uỷ Quân khu 3 Nguyễn Công Tranh; Đại tá Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, thầy thuốc Bệnh viện 5 và đại diện các bệnh viện quân y phía Bắc.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, đồng chí Đại tá Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân đã nêu rõ mục đích của buổi toạ đàm nhằm phổ biến những kinh nghiệm hay, biện pháp tốt và cả những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Bệnh viện 5, làm cơ sở để các bệnh viện Quân đội học tập nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tích cực hưởng ứng cuộc vận động và đẩy mạnh phong trào “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy” và xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”.

Thay mặt Bệnh viện Quân y 5, Đại tá Vũ Hữu Dũng, Giám đốc Bệnh viện đã báo cáo về những điều bệnh viện 5 đã làm được qua 1 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mặc dù thời gian thực hiện chưa dài nhưng cuộc vận động đã làm chuyển biến nhận thức thành ý thức tự giác của toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhân viên bệnh viện. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được biểu hiện sinh động qua những việc làm cụ thể thiết thực hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ quân y bệnh viện nhằm phấn đấu không ngừng nâng cao y đức, trình độ y thuật, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân, giảm phiền hà cho người bệnh và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong bệnh viện.

Bệnh nhân Hoàng Văn Uy phát biểu tại buổi toạ đàm

Từ lời gợi mở của lãnh đạo hai cơ quan, các đại biểu, bác sĩ, chiến sĩ đã đem đến cho buổi toạ đàm những báo cáo và cũng là những tâm sự chân thành về những điều mình đã làm được qua 1 năm thực hiện cuộc vận động, đặc biệt là trong phát huy tinh thần sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tá, bác sĩ Hồ Văn Thân, chủ nhiệm khoa khám bệnh, tâm sự: “Phòng khám bệnh như “mặt tiền” của bệnh viện. Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám bệnh, mỗi người mỗi bệnh, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Dù vất vả nhưng các thầy thuốc trong bệnh viện vẫn ngày đêm khám bệnh với tinh thần vô tư trong sáng. Tinh thần ấy có được từ khi thực hiện chủ trương cuộc vận động 3 Không (không gây phiền hà, không vòi vĩnh người bệnh; không bán thuốc, thu lệ phí ngoài quy định; không đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị) và 3 Nên (nên coi người bệnh như người thân của mình; nên đoàn kết giúp đỡ nhau; nên tự học tập nâng cao trình độ). Từ đó người bệnh đến với viện ngày càng đông hơn”.

Bác sĩ Trần Đức Thuỷ, khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, cho biết: “Tâm lý chung của người dân khi vào bệnh viện là để được khám bệnh nhanh, được chăm sóc tận tình, chu đáo phụ thuộc nhiều vào điều kiện “lót tay”, đặc biệt đối với các bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng, khi cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc”. Trước thực tế đó, bác sĩ Thuỷ đã trăn trở làm thế nào để người bệnh thay đổi suy nghĩ và có ấn tượng tốt khi đến khám? Theo anh, đó là phải giải quyết 3 vấn đề: cơ sở điều trị, chất lượng điều trị và thái độ điều trị. Anh kể: Tại khoa anh chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng mà tới “1 phần sống, 9 phần chết”, nếu như người thầy thuốc chỉ vì đồng tiền thì số phận của người bệnh sẽ ra sao?

Câu chuyện thực tế của bệnh nhân Hoàng Văn Uy, quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu được chính anh kể lại là một minh chứng hết sức sinh động cho tinh thần làm việc, thái độ tận tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện 5. Anh Uy làm máy gạch ở Nam Định, không may bị cụt mất 1 chân phải vào Bệnh viện 5 cấp cứu. Lúc đó, gia đình anh không có ai ở bên. Nếu không có sự giúp đỡ “không tư lợi” của các y, bác sĩ bệnh viện thì không biết giờ này anh có còn tiếp tục tự tin đi lại với chiếc chân trái còn lại? Anh sẽ khó có thể quên được những gì các bác sĩ bệnh viện 5 đã làm để kéo anh từ cõi chết trở về.

3 điều Không và 3 điều Nên đã có sức sống thực sự tại Bệnh viện 5. Không chỉ có anh Uy, mà chị Trần Tuyết Mai, quê Nam Định, công tác tại Vũng Tàu, mẹ của bệnh nhân Hoàng Quốc Tuấn bị tai nạn giao thông đa chấn thương, dập não đang điều trị tại bệnh viện, cũng rất biết ơn đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện 5. Chị kể: “Con trai tôi bị tai nạn lúc nửa đêm, trong tình trạng nguy kịch và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Vì chỉ có mình cháu, gia đình khá giả, nên tôi đã đưa phong bì cho các bác sĩ, y tá của bệnh viện nhưng đều được trả lại. Tôi thấy thật sự bất ngờ trước hành động của những lương y này và xấu hổ vì đã làm việc sai trái đó”.

Thượng tá Nguyễn Vân Giang, chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu thì cho rằng, vật chất ai cũng cần. “Bác sĩ, y tá, hộ lý đều là con người nhưng nếu thoả mãn đầy đủ về vật chất thuần tuý là sai lầm. Ở khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC), các bệnh nhân đều thập tử nhất sinh, điều kiện làm việc vất vả. Các y, bác sĩ phải chịu sức ép về tâm lý trước nhu cầu bức xúc của người bệnh, người nhà bệnh nhân. Nếu làm ở khoa HSCC vì tiền thì chắc không thể trụ nổi. Bản thân chiếc phong bì hay sự cám ơn về vật chất của ai đó không có tội, thậm chí nó còn là một phần đạo lý trả ơn của người Việt Nam. Song nếu không phân định rõ ranh giới sẽ bị lu mờ bản thân người thầy thuốc. Thực tế cuộc đấu tranh này không hề dễ, mà phải trải qua một quá trình đấu tranh của cả tập thể bệnh viện”, thượng tá Giang giãi bày.

“Bản thân các y tá điều dưỡng chúng tôi cũng hiểu chữa bệnh không chỉ bằng y thuật, kỹ thuật mà bằng cả liệu pháp tâm lý, tình cảm. Người bệnh luôn muốn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của thầy thuốc nên nhiều khi một lời động viên cũng có giá trị như một lần tiêm thuốc. Trong khi người bệnh đau, mỗi mũi tiêm cũng có thể gây đau về thể xác thì mình phải có những lời động viên, an ủi. Thực tế anh chị em luôn biết cách giải thích động viên thương binh, động viên theo đúng tinh thần “không vòi vĩnh” và thực sự “coi người bệnh như người thân của mình”, y tá trưởng Hoà tâm sự.

Đúng như chủ đề của buổi toạ đàm, “Chiến sĩ quân y học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tất cả các ý kiến đưa ra đều rất chân tình, cởi mở, tự hào vì các thầy thuốc ở đây đã và đang học hỏi, noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

“Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bệnh viện 5 luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”. Có thể nói đây là tư tưởng, đạo đức, cốt lõi Hồ Chí Minh, là nội dung cơ bản xây dựng đội ngũ, cán bộ nhân viên Quân y “vừa hồng, vừa chuyên””, giám đốc Bệnh viện 5 kết luận buổi toạ đàm.

Bài, ảnh: Vương Thúy