QĐND - Thượng tá Đoàn Văn Thư, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Nhân, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam xúc động nói: Cuối tháng 11-2012, lúc nửa đêm đông gió rét như cắt vào da thịt, tôi bất ngờ lên cơn đau sỏi mật, sốt cao, gia đình lại ở xa các trung tâm y tế của tỉnh và Trung ương. Nhận được tin, không quản ngại vất vả khó khăn, Thượng tá Nguyễn Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Nam vùng dậy tự lái xe ô tô của gia đình mình đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội. Đến bệnh viện, anh còn thay người nhà làm thủ tục nhập viện, chăm sóc tôi. Nếu không có anh Văn giúp đỡ kịp thời, bệnh tình của tôi chưa biết sẽ xấu đến mức nào...
Đang trên đường cơ động cùng cán bộ, chiến sĩ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam năm 2013, chúng tôi gặp bà Vũ Thị Thuần, gia đình chính sách có con là thương binh, ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Mặc dù đã 78 tuổi, bà vẫn chống gậy xem bộ đội diễn tập. Bà đưa tay vẫy vẫy ngăn dòng người hỏi: “ Chú Văn của mẹ hôm nay có về đây không? Mẹ ra gặp để cảm ơn nó”.
 |
Vợ chồng Thượng tá Nguyễn Hồng Văn.
|
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, bà Thuần kinh tế khó khăn, lại bị bệnh tim thường xuyên đau yếu. Hôm cuối tháng 2-2013, cơn đau tim của bà tái phát. Nhận được tin, dù đã nửa đêm, đồng chí Văn bật dậy tức tốc lái xe kịp chở bà đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Khi nhân viên y tế hỏi người nhà, anh Văn tự nhận mình là người thân và tự làm thủ tục nhập viện, tạm ứng viện phí cho bà. Nhờ vận chuyển nhanh, cấp cứu kịp thời, bà Thuần qua khỏi cơn nguy kịch
Đó chỉ là một trong số gần 50 lần, đồng chí Văn trực tiếp lái xe ô tô của gia đình mình cấp cứu, chuyển viện cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn từ năm 2007 đến nay. Việc làm của anh được đồng đội, nhân dân trên địa bàn hết sức khen ngợi quý mến.
Không chỉ giúp đồng đội, Thượng tá Nguyễn Hồng Văn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, liên tục từ 2004 đến nay, năm nào anh cũng được khen thưởng. Mới đây, tháng 5-2013, anh là một trong những tấm gương tiêu biểu của tỉnh Hà Nam dự báo công dâng Bác tại Hà Nội. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh, ở phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ anh trải lòng:
- Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, éo le nên cũng từng nếm trải những đau khổ, bần cùng trong cuộc sống. Bởi thế khi gặp những hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo, gia đình tôi tự thấy mình cần có trách nhiệm.
Được biết, bố chị Vân mất năm chị mới 10 tuổi. Chị từng là học sinh giỏi toán của trường THPT chuyên Biên Hòa (TP Phủ Lý) và đã đoạt giải trong kỳ thi toán tỉnh Hà Nam năm 1985, 1986. Song do hoàn cảnh, chị phải nghỉ học sớm giúp mẹ lo việc nhà. Cơ hội học tập không đến được với chị, song chị cùng mẹ nuôi 3 em ăn học chu đáo, đều trở thành bác sĩ, kỹ sư. Năm 1991, chị lập gia đình với anh Văn. Là bộ đội, chồng luôn vắng nhà, việc làm không có, chị phải thức khuya, dậy sớm xuôi ngược kinh doanh, chăn nuôi thêm lợn, gà để tăng thu nhập. Nhờ sự chăm chỉ, năng động trong phát triển kinh tế gia đình của vợ, đến năm 2007, anh chị tiết kiệm sắm được xe ô tô, làm được nhà. Để giúp đồng đội và người dân, anh chị công khai số điện thoại, địa chỉ để mọi người tiện liên hệ. Cũng vì đó mà gia đình nào có việc hệ trọng, cần giúp đỡ đều không ngần ngại nhấc máy gọi cho anh.
Tâm sự với chúng tôi trước lúc chia tay, Thượng tá Nguyễn Hồng Văn chân thành:
Những chuyến xe đêm cứu người tuy vất vả, nhưng tôi và cả gia đình, ai cũng cảm thấy vui, hạnh phúc, vì đã làm được những việc tốt giúp người bệnh hiểm nghèo.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN