Vùng quê ấy, xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà, Bắc Giang không phải là đất chèo truyền thống nhưng Đào Văn Lê lại là nghệ sỹ Chèo… thứ thiệt. Bây giờ nhớ lại, anh vẫn ngỡ như hôm qua. Đang học cấp 3 trường huyện, Trường Nghệ thuật sân khấu (Nay là Đại học SKĐA về tuyển học sinh cho khoa chèo. Chỉ mấy câu lới lơ, đường trường, sa lệch, trong một trích đoạn nhỏ, học trò Đào Văn Lê đã được các thầy nhận vào học. Dạo ấy là tháng chạp 1972, B52 giặc Mỹ đang ném bom rải thảm ở Hà Nội .Bố đèo Đào Văn Lê Trên chiếc xe đạp qua phố Khâm Thiên để vảo trường sân khấu đang sơ tán ở La Phù, Hoài Đức, Hà Tây. Sau 4 năm học anh báo cáo tốt nghiệp bằng nhân vật Háp trong vở chèo "Đôi mắt", đạt điểm xuất sắc. Ngồi dưới hàng ghế người xem, trưởng đoàn chèo Tổng cục Hậu cần Nguyễn Văn Thuyên rất yêu cậu học trò đóng vai Háp. Đây chính là tấm giấy "giới thiệu" để Đào Văn Lê về với chiếu chèo người lính.
Về Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần, Đào Văn Lê góp phần cùng các anh chị nâng cao vở "Đôi mắt". Háp - chàng y tá trách nhiệm với người thương binh, hóm hỉnh, yêu đời ấy vẫn được anh thể hiện. "Đôi mắt" cùng với Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần vào Nam ra Bắc, sang biểu diễn cả Lào,
Cam-pu-chia. Đến phục vụ bộ đội và nhân dân, sau khi diễn xong các tác phẩm. anh lại hát các trích đoạn chèo cổ. Chất giọng ấm, vang ấy đã đưa những làn điệu chèo của ông cha ta đến với người nghe thật hấp dẫn. Những năm tháng ấy cùng với các “liền anh, liền chị” Thanh Hải, BảoQuý, Xuân Theo, Thu Hoà, giọng hát chèo của Đào Văn Lê đã góp phần làm nên một sắc thái riêng của Đoàn Nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần.
Một tư chất có tính bắt buộc đối với nghệ sĩ là tính sáng tạo, luôn làm mới mình. Đào Lê cũng vậy, anh quyết dấn thân thêm một bước. Từ đây, chữ đệm "văn" của anh được lược bỏ, chỉ còn Đào Lê của sự thăng hoa trên sân khấu kịch hát truyền thống.
Bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" của NSND Tào Mạt là đỉnh cao của Đoàn Nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu Cần. Trong 3 tập ấy, chàng trai 22 tuổi Đào Lê vào vai Thái uý Lý Thường Kiệt và nhà vua Lý Nhân Tông.Trong tập 3, ông vua con thuở trước đã thành ông vua ngoài ba chục tuổi, với bản lĩnh sâu sát , vẫn học…làm vua .Ông học ở chung quanh, đặc biệt là trong đám dân dã, nơi có nguồn trí khôn vô tận. Vua Lý Nhân Tông khi đi ra ngoài nội, được tận mắt thấy cảnh làm ăn vất vả của dân, được nghe hát những bài hát dân gian dạt dào xúc động. Qua người cung nữ, ông biết được những mối tình trắc trở, yêu nhau không lấy được nhau, nhiều chàng trai cô gái phải ngậm hờn nuốt tủi suốt đời. Như bao ông vua khác, Lý Nhân Tông sống giữa bao cung tần , mỹ nữ, không thể hiểu được tình cảnh ấy. Ông bùi ngùi trứơc tâm trạng vò xé của họ. “Em như quả ớt trên cây/Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng”. Những tình tiết sân khấu đó của vị vua đáng kính đã được Đào Lê lột tả với nhiều sáng tạo. Năm 1980 - 1985, tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, "Bài ca giữ nước" đạt điểm vàng tuyệt đối.
Được đào tạo chèo có bài bản, lại là học trò cưng của các thầy Hoàng Kiều, Năm Ngũ, Cô Lệ Hiền, Dịu Hương… Khi về đoàn, Đào Lê còn học được nhiều ở các nghệ sỹ đàn anh. Đặc biệt là khi làm bộ ba "Bài ca giữ nước", anh đã được NSND Tào Mạt truyền dạy những tinh tuý trong nghệ thuật chèo truyền thống. Anh học được ở người nghệ sỹ bậc thầy Tào Mạt về xử lý các làn điệu hát, đặc biệt là sự đắm say với nghệ thuật chèo. Kiến thức, vốn sống, sự trải nghiệm đã giúp anh thể hiện thành công các vai diễn bằng nội tâm. Các nhân vật như Thưởng trong "Người trong bóng tối", Trịnh Lang trong "Chiếc bóng oan khiên", Tiến trong "Người về từ thiên đường"… đã được nghệ sỹ Đào Lê thể hiện rất thành công.
Đào Lê là người yêu say nghệ thuật chèo, 14 năm nay trên cương vị phó trưởng đoàn chuyên môn và hai năm nay là trưởng đoàn, anh đã cùng với tập thể cán bộ, diễn viên đưa Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần lên bục vinh quang. NSƯT Đào Lê còn là đạo diễn của nhiều tác phẩm chèo được đánh giá tốt và đáng chú ý như "Nước mắt nàng sơn nữ", "Người đi đòi nợ phật". Mới đây, anh đã có công khôi phục bộ ba "Bài ca giữ nước" cho đoàn NT chèo Tổng cục Hậu cần và Đoàn chèo Hà Tây được giới chuyên môn đánh giá cao.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình Phượng