QĐND - Trong không gian trang trọng của lễ tiếp nhận hiện vật do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, bên cạnh những kỷ vật của mình, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì đã khiến nhiều người rưng rưng khi ông kể lại kỷ niệm những ngày đối mặt giữa sự sống và cái chết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở tuổi thất thập lại mang trên mình nhiều vết thương nhưng ông vẫn giữ tác phong nhà binh và sự minh mẫn khi kể chuyện xưa...
Từ trận đánh trên vùng đồi H3Q6...
Anh hùng Đỗ Văn Trì sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 2-1964, 18 tuổi, Đỗ Văn Trì xung phong nhập ngũ. Do yêu cầu của chiến trường, mới qua một tháng huấn luyện ông được cử vào lực lượng Quân tình nguyện đi làm nhiệm vụ vận tải, tiếp tế rồi tiễu phỉ bên nước bạn Lào. Gần 6 tháng sau ông được điều về đơn vị chiến đấu, trở thành xạ thủ trung liên thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì giới thiệu kỷ vật chiếc võng dù do chính tay ông đan từ dây dù thu được của Mỹ-ngụy. Chiếc võng đó được ông và đồng đội sử dụng cáng thương trong những trận đánh của đơn vị. Ảnh Song Thanh. |
Tháng 7-1965, đơn vị của Đỗ Văn Trì nhận nhiệm vụ phòng ngự vùng đồi H3Q6 (thuộc khu vực Tháp Xưa và Hứa Mường, Lào). Đại tá Đỗ Văn Trì kể: "Trước khi vào vị trí chiến đấu, đơn vị tôi được đón Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đến thăm và động viên. Hoàng thân cảm ơn sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam và mong rằng quân đội Việt - Lào sẽ hoàn thành nhiệm vụ, giữ H3Q6, khống chế toàn bộ đường vào sân bay Hứa Mường. Tôi ngồi ở xa nên không được bắt tay ngài, nhưng vẫn nghe rất rõ từng lời. Tất cả chúng tôi đều hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Chiến đấu dai dẳng với địch suốt từ ngày 5-7, các lực lượng của đơn vị luân phiên nhau vào vị trí chiến đấu. Đến sáng 21-7, tổ trung liên của Đỗ Văn Trì được điều ra thay cho một tổ của đơn vị bạn làm hỏa lực chủ yếu của mũi chính diện, chốt giữ một đầu trận địa phòng ngự H3, tiêu diệt địch từ phía Q6 và đồi Gỗ đánh vào. Sau khi cho máy bay và pháo binh bắn phá dữ dội, địch cho 3 tiểu đoàn tiến vào vùng yên ngựa giữa H3 và Q6. Khi địch tiến vào gần trận địa, bất ngờ một khẩu trung liên không bắn được. Đỗ Văn Trì liền nhảy sang giúp đỡ. Ông bình tĩnh lấy thước ngắm, bắn từng loạt ngắn, chính xác vào giữa đội hình địch. Bị thương vong nhiều, nhưng ỷ vào số đông và hỏa lực mạnh, địch vẫn tràn lên. Một quả đạn cối nổ gần hất Đỗ Văn Trì ngã xuống. Tuy bị thương vào đầu, vào tay, xương tay lộ cả ra ngoài, ông vẫn bình tĩnh giao trung liên cho đồng đội, nhờ đồng chí bên cạnh băng bó vết thương rồi dùng lựu đạn tiếp tục chiến đấu. Đại tá Đỗ Văn Trì kể: "Trưa hôm đó, địch đổ thêm một tiểu đoàn nữa, cố đánh chiếm đồi H3. Tôi đang chiến đấu bỗng thấy nhói đau ở phía bụng dưới, nhìn xuống thấy ruột lòi ra mới biết mình bị thương lần hai. Lại nhờ đồng đội úp bát lên rồi cuốn vải màn xung quanh để chiến đấu tiếp. Nhưng máu vẫn chảy nhiều, không chiến đấu được, tôi phải vào trong hầm. Dù vậy tôi vẫn động viên những anh em thương binh nhẹ tiếp tục ra chiến đấu. Thế rồi lại gặp phải tình thế gay go. Đạn đã gần hết, chính trị viên động viên anh em thương binh đi gom đạn, tiếp tế cho các xạ thủ chiến đấu. Lúc đó tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao. Bản thân tôi, với cánh tay còn lại và hai chân cũng lắp được ba băng đạn, chuyển lên cho anh em chiến đấu”.
Sau trận đánh hôm đó, trận địa được giữ vững. Đơn vị cử lực lượng phía sau lên thay và chuyển thương binh ra ngoài. Vì số người khiêng thiếu, Đỗ Văn Trì đã nhường cáng cho đồng đội, còn mình cố đi bộ chờ cáng trở lại đón sau. Câu chuyện này năm 2002, sau 35 năm gặp lại, bác sĩ Lê Nguyên Sơn, người cấp cứu cho ông ở Bệnh viện Sầm Nưa hồi ấy vẫn không giấu nổi sự khâm phục về sức chịu đựng phi thường của ông. Đại tá Đỗ Văn Trì thì nhớ lúc phân loại thương binh, có nghe bác sĩ bảo: “Ca này sắp chết rồi”. Còn bác sĩ Sơn thì đưa mảnh đạn năm xưa lấy được trong người ông ra và nói: “Lúc đó tình huống khẩn cấp phải tiến hành mổ gấp. Lấy được mảnh đạn chúng tôi buộc phải cắt bỏ hai thùy gan của thương binh. Ca mổ kéo dài 12 giờ, chỉ gây tê mà anh Trì không hề kêu la. Sau này, chúng tôi còn được biết anh Trì đã đi bộ suốt hai ngày trời trong tình trạng bị thương nặng như vậy để đến được bệnh viện”.
...đến người anh hùng của trung đoàn anh hùng
Sau lần đó, Đỗ Văn Trì phải trở về nước điều trị tại Bệnh viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Vì tỷ lệ thương tật cao, ông buộc phải phục viên. Trở về quê hương Thái Bình trong tâm trạng phần thì nhớ đồng đội, phần thì chưa thỏa khát vọng cống hiến cho đất nước, ông đứng ngồi không yên. Hai tháng sau, bất ngờ đồng chí Hoàng Văn Thái-lúc bấy giờ là Phó tổng Tham mưu trưởng cử người về quê thông báo quyết định gọi ông trở lại quân đội. “Không còn niềm vui nào hơn thế, tôi về nói với gia đình rồi vơ vội mấy bộ quần áo là đi luôn. Trong lòng chỉ sợ cấp trên thay đổi quyết định”-Đại tá Đỗ Văn Trì kể. Bất ngờ hơn, ông lại được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 1-1-1967 vì thành tích đặc biệt trong chiến đấu tại vùng đồi H3Q6.
Trở lại Sư đoàn 316, ông luôn khát khao được ra chiến trường phục vụ chiến đấu dù cấp trên động viên ông ở lại làm việc tại cơ quan Sư đoàn Bộ vì điều kiện sức khỏe. Thế nhưng ngày nào ông cũng lên gặp chỉ huy sư đoàn đề đạt nguyện vọng. Cuối cùng cấp trên cũng đồng ý cho ông về Trung đoàn 174, trở lại chiến trường Lào. Gần 6 năm chiến đấu trên đất bạn, cuối năm 1973, đang là Tham mưu trưởng Trung đoàn 174 ông nhận lệnh cùng đơn vị trở về nước. Lúc này tình hình chiến trường miền Nam đang rất sôi động, ai cũng hiểu ta đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Anh hùng Đỗ Văn Trì kể: "Là cán bộ trung đoàn, tôi đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ thì bất ngờ được đồng chí Hà Quốc Toản-Chính ủy Sư đoàn thông báo, tỉnh Thái Bình muốn xin tôi về làm bí thư tỉnh đoàn. Tôi liền báo cáo ngay, nếu muốn về hậu phương làm cho nhàn nhã thì còn gì là tôi nữa. Các anh cứ cho tôi đi, tôi bị thương như thế này mà còn theo sư đoàn vào Nam chiến đấu thì hơn một vạn quân của sư đoàn có ai không đi”.
Một lần nữa ông được toại nguyện. Trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 mới thành lập, cuối năm 1974-đầu năm 1975, Đỗ Văn Trì và đơn vị chính thức vào Nam. Cùng đi có Đại tá Đàm Văn Ngụy-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 vào Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, gặp Đại tá, Chính ủy Đặng Vũ Hiệp và Tư lệnh Vũ Lăng nhận nhiệm vụ. Được tặng một chiếc khăn len, chiếc bút và đồng hồ với lời dặn: “Giao Trung đoàn 148 cho một anh hùng, mong rằng trung đoàn cũng sẽ chiến đấu anh hùng”, Đỗ Văn Trì không khỏi xúc động, hạ quyết tâm xứng đáng với sự tin tưởng của trên.
Bước vào Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn 148 nằm trong đội hình Sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ xe tăng của địch ở tây Buôn Ma Thuột để ngăn chặn sự chi viện của chúng, tạo điều kiện cho các hướng của mặt trận tiêu diệt địch. Lúc này, từ vị trí đóng quân cách địch khoảng 25km, các lực lượng phối hợp đã sẵn sàng. Khoảng 5 giờ sáng 10-3, trung đoàn được lệnh nổ súng đánh vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. 11 giờ trưa, hướng pháo binh cơ bản hoàn thành nhưng hướng xe tăng có 84 đồng chí bị thương và hy sinh. Đột phá khẩu chưa mở được. Đại tá Đỗ Văn Trì nhớ lại: “Nghe báo cáo xong, tôi lập tức lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Lân, tham mưu phó trung đoàn xuống thay Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 đã bị thương; đồng chí Nguyễn Văn Tình, tham mưu trưởng xuống chỉ huy tiểu đoàn xe tăng. Trên đường đi lại nhận được điện báo một xe tăng bị thụt ngầm. Nếu cố kéo xe lên có thể sẽ bỏ mất thời cơ, tôi liền lệnh cho anh em chuyển hướng sang phương án hai, đi đường vòng nhanh chóng tiến vào mở khẩu”.
Kết thúc trận đánh, Trung đoàn 148 hoàn thành nhiệm vụ, phá hủy 9 xe tăng, bắt sống 7 chiếc và 1.700 tên địch, được tuyên dương anh hùng ngay tại mặt trận. Tuy nhiên, lúc bấy giờ đang đà tiến công không thể dừng lại nhận tuyên dương, ông báo cáo cấp trên xin hoãn để tiếp tục hành tiến. Ngày 16-4, Trung đoàn 148 đã có mặt ở Tây Ninh ngăn đường rút của Trung đoàn 42, Sư đoàn 25 ngụy. Gần mười ngày giằng co, đến ngày 24-4 địch đề nghị được nói chuyện với chỉ huy cao nhất trước khi ra hàng. “Nghi ngại thái độ của địch, một vài đồng chí đề nghị đi thay nhưng tôi quyết định trực tiếp ra gặp, trong bụng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Tuy nhiên cuộc trao đổi diễn ra suôn sẻ, Trung đoàn 42 ngụy chấp nhận đầu hàng cách mạng vô điều kiện và không có sự phản kháng tiếp theo nào”-Ông kể.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn 148 đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Người anh hùng chỉ huy đơn vị lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 313, rồi Tham mưu phó Quân khu 2 đến khi nghỉ hưu năm 2003. Dù phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật thập tử nhất sinh với nhiều mảnh đạn còn trên người nhưng ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời và truyền nhiệt huyết ấy cho các con, cháu.
BÍCH TRANG