Giản dị và tiết kiệm trong cuộc sống là một trong những nội dung mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế còn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền vẫn sống hoang phí. Vẫn tồn tại những bữa tiệc, những cuộc liên hoan lãng phí mà nguồn kinh phí được lấy ra từ tiền của công quỹ, của Nhà nước. Đã có không ít lễ cưới con em cán bộ, đảng viên với hàng trăm mâm cỗ, các cuộc đón các danh hiệu, phần thưởng, kỷ niệm ngày truyền thống gây bức xúc trong dư luận nhân dân bởi sự lãng phí, tốn kém. Đó là chưa kể tình trạng khi thủ trưởng (hay thậm chí chỉ là người thân của thủ trưởng) cơ quan, đơn vị ốm, mệt, thì xe cơ quan đưa rước, cán bộ, nhân viên quà cáp, biếu xén… mất bao tiền của, thời gian. Trong khi đó sự nghiệp xây dựng đất nước đang đòi hỏi chúng ta phải hết sức tiết kiệm công sức, tiền bạc; cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người nghèo, nạn nhân của thiên tai, bão lũ, tai nạn rủi ro vẫn từng ngày, từng giờ chờ đợi bát cơm, manh áo hỗ trợ của cộng đồng. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ ngày 1-6-2006, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hiệu quả thu được chưa như mong muốn.

Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung xây dựng lối sống giản dị, tiết kiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Bác Hồ là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, nhưng không bao giờ Người dùng cương vị ấy để mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình. Trong lần trả lời các nhà báo ngày 21-1-1946, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Bao giờ Bác cũng luôn giản dị, tiết kiệm và gương mẫu, kể cả trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đồng chí Dương Thùy Liên, cán bộ văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1949 đến 1954, kể lại: Tại Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Anh Kháng (đồng chí Hoàng Hữu Kháng, trực tiếp bảo vệ Bác từ năm 1945 đến năm 1951) nói với tôi:

- Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.

Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhổm dậy bảo tôi:

- Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

Tôi lặng người đi thương Bác vô cùng. Đã mệt không ăn được cơm mà lại nấu cháo bằng cơm nguội. Cháo bằng cơm nguội rời rạc, ăn không ngon nhưng không biết làm thế nào, tôi đành phải chấp hành. Nếu không làm theo lời Bác dặn sẽ bị phê bình.

Câu chuyện cảm động trên thật là bài học thấm thía, có giá trị sâu sắc trong việc xây dựng lối sống giản dị, tiết kiệm của cán bộ, đảng viên chúng ta hôm nay. Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, trước hết phải học ngay từ Bác chuyện ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Tiết kiệm, giản dị chính là yếu tố quan trọng để chúng ta xây đắp nhân cách của người cán bộ, đảng viên, để gần gũi dân, gương mẫu trước dân và từ đó xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

PHẠM VĂN