Ấm áp tiếng đàn già Chi
Ngôi nhà nhỏ của già Siu Chi nằm dưới bóng cây sung già, đầu làng Gran. Khi nghe chúng tôi bày tỏ mong ước được thưởng thức tiếng đàn t’rưng, già Chi cười vui rồi đồng ý ngay. Không để khách đợi lâu, ông đem bộ đàn t’rưng duy nhất của mình ra cho khách chiêm ngưỡng. Cây đàn được già Chi cất giữ cẩn thận ở gian nhà trên. Nhẹ nhàng đặt đàn lên giàn đỡ, già bắt đầu đánh những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc “Mừng lúa mới”. Lắng nghe những thanh âm trong trẻo, thánh thót trong nhà nhưng chúng tôi ngỡ như mình đang đi trên đồng lúa non xanh, theo gió gợn sóng và tắm mình dưới ánh mặt trời buổi sáng. Mỗi nốt nhạc vang lên, rung đưa, như âm thanh của gió giữa đại ngàn, của nắng cao nguyên và của hương lúa đang thì con gái...
 |
Già Siu Chi bên cây đàn t’rưng. |
Kết thúc bản nhạc, lướt nhẹ ngón tay trên từng phím đàn, già Chi giới thiệu: “Một cây đàn T’rưng truyền thống của dân tộc Giơ Rai gồm 14 ống tre, lồ ô hay nứa được xếp thành hàng, kết cấu từ ống lớn đến nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn. Tuy nhiên, hiện nhiều người đã biến tấu cây đàn t’rưng có từ 12 đến 16 ống, để hòa âm được nhiều bản nhạc hơn". 50 năm gắn bó với cây đàn t’rưng, đến nay, già Chi đã làm hàng chục bộ đàn t’rưng, từ loại đàn truyền thống đến loại đàn biến tấu. Đầu năm 2017, hai bộ đàn được già Chi tặng chính quyền địa phương trưng bày ở nhà văn hóa tỉnh.
Theo già Chi, nếu bảo quản tốt, trung bình một cây đàn t’rưng có thể sử dụng khoảng 3-4 năm. Để làm nên một cây đàn t’rưng cần trải qua nhiều công đoạn, vật liệu chính là cây nứa hoặc cây tre, lồ ô. Già Chi cho biết: “Phải là cây già, thân ống có đường kính từ 3 đến 4cm, dài từ 30 đến 70cm. Lựa được vật liệu, người thợ sẽ đem phơi khô (khoảng 3-4 ngày), sau đó tiến hành vạt (vót) từng ống, theo thứ tự từ ống to, dài đến ống nhỏ, ngắn. Điều quan trọng nhất là khi vạt ống, phải vừa vạt vừa gõ vào ống để chỉnh âm, phải thật khéo cho đến khi nghe được âm hoàn chỉnh”. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành trường độ âm thanh cao thấp khác nhau. Những ống to và dài phát ra âm trầm, những ống nhỏ và ngắn có âm cao, tất cả theo một trường âm hoàn chỉnh.
Đối với những người mới chế tạo đàn t’rưng, cần mất vài ngày để hoàn thiện một cây đàn. Nhưng với già Chi, sau các khâu chuẩn bị vật liệu để làm, già chỉ mất một buổi để hoàn thành một cây đàn t’rưng truyền thống. Như để minh chứng, người nghệ sĩ của làng Gran lại đứng lên bên cây đàn “sản phẩm độc đáo của mình” và tiếp tục thể hiện thêm bài nhạc “Đón khách”. Trầm mình vào âm thanh của tiếng đàn t’rưng, gương mặt già bừng sáng, nụ cười tươi vui như mời gọi, níu kéo tình cảm trong sáng đậm chất mộc mạc, thân tình của bà con dân tộc người Giơ Rai trên đất Tây Nguyên.
Đam mê đàn T’rưng, khi mới 6 tuổi, già Chi đã nghe, đi theo và học đàn từ người chú ruột Siu Sang ở làng Á (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Thấy cháu đam mê, lại có khiếu chơi đàn, làm đàn, đặc biệt là đã biết độc thoại về đàn, nên ông Siu Sang dạy cháu tất cả những cái mình có, hướng dẫn và truyền thụ cho cháu cách làm đàn, đánh đàn, đặc biệt là các bài khó, như: "Đón khách", "Mừng lúa mới", "Chiến thắng"… Thầy dạy nhiệt tình nhưng trò học còn nhiệt tình hơn, nên chẳng bao lâu sau cậu bé Siu Chi đã biết cách đánh đàn, rồi làm đàn t’rưng. “Đàn t’rưng thường được đánh vào dịp làng có lễ hội, những lúc ấy bà con dân làng quây quần bên lửa trại, uống rượu cần, nhảy Xoang và cùng thưởng thức tiếng đàn t’rưng từ bàn tay điêu luyện của các nghệ sĩ. "Ngày nay, dân làng không còn tổ chức những lễ hội đó nữa nên cây đàn cũng không có cơ hội đem ra biểu diễn. Già buồn lắm! Thế hệ của già ngày trước nhờ những điệu múa, bài nhạc ấy mà mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và cũng là dịp để người dân trong làng cùng nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, nuôi trồng, nương rẫy”, già Chi bày tỏ.
Nỗ lực bảo tồn tiếng đàn t’rưng
Được biết, hiện làng Gran chỉ còn ba người biết đánh đàn và đều đã hơn 60 tuổi. Những năm gần đây, làng vắng bóng dần những lễ hội truyền thống. Với mong muốn tiếng đàn t’rưng sẽ còn vang mãi, già Chi đã nhiều lần kêu gọi các em nhỏ trong làng đến nhà học đàn, nhưng số theo học rất ít. Nhiều em học được dăm ba bữa đã bỏ giữa chừng vì không đủ kiên trì, cái bụng không ưng. Già ngậm ngùi: “Tụi nhỏ bây giờ có nhiều thứ để lo hơn mình hồi xưa, đứa lo học, đứa lo đi làm kiếm tiền để sống nên chúng không còn mặn mà với cây đàn t’rưng nữa. Buồn nhưng không biết làm sao vì chính mình cũng còn phải lo cái ăn, cái mặc mà”.
Cuộc sống hiện đại dần tràn về buôn làng, hệ thống điện, nước được kéo về tận nhà mỗi hộ, con trẻ đến tuổi được ăn học tới nơi tới chốn, kinh tế phát triển, những hủ tục lạc hậu cũng được loại bỏ. Tuy nhiên, theo đó một số phong tục, lễ hội văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số nói chung, người Gia Rai nói riêng cũng đang dần mai một. Nhưng với “Già Chi nghệ sĩ” vẫn đang nỗ lực trên hành trình tìm kiếm con đường bảo tồn, phát triển văn hóa âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.
Chia tay “Già Chi nghệ sĩ” lúc nắng chiều đã tắt, tôi không khỏi chạnh lòng khi mượn lời tâm sự của ông trước lúc tạm xa: “Không biết sau này, khi tuổi cao sức yếu, già về với Atâu (ông bà), liệu tiếng đàn t’rưng có còn vang lên trong ngôi làng này nữa hay không? Liệu dân làng Gran bao đời nay vui buồn đều gắn với tiếng đàn t’rưng, nay còn ai nhớ đến?...”.
Bài và ảnh: LÊ PHÚC