QĐND - Là Bộ đội Hải quân, hơn ai hết, Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Bá Độ, nhân viên Kho 707, Phòng Hậu cần, Vùng 1 Hải quân thấu hiểu những khó khăn, vất vả, nhất là thiếu rau xanh trong bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng cảm và khát khao chia sẻ với đồng đội, Độ đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm, để rồi bước đầu thành công trong việc bảo quản nấm sò tươi dài ngày nhằm đưa ra Trường Sa, góp phần làm phong phú thêm bữa ăn của bộ đội.
Thương hiệu “nấm sò hải quân”
Một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Bá Độ là hôm nhận được kết quả phân tích chất lượng nấm sò sau thời gian bảo quản 4 tháng, do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng cấp. “Đây là ngày mà tôi không bao giờ quên vì được Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng “chứng thực” chất lượng nấm sau bảo quản về mặt khoa học. Trước đó về mặt cảm quan, tôi đã biết chất lượng nấm vẫn rất tốt và bản thân đã ăn thử nhiều lần. Đặc biệt, điều này khẳng định ước mơ bảo quản nấm để đưa ra Trường Sa phục vụ bộ đội mà tôi ấp ủ bấy lâu sẽ thành hiện thực” - Lê Bá Độ chia sẻ với tôi trong lúc vẫn mải mê tưới nước cho “trang trại” nấm trong đơn vị giữa trưa hè nắng gắt.
Nhiều lần đến công tác tại Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân, tôi được thưởng thức món “nấm sò hải quân” rất ngon. Nghe “thương hiệu” là lạ và được biết đây là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của đơn vị, sản phẩm “nấm sò hải quân” cũng đã có mặt trên thị trường thành phố và được nhiều hộ gia đình ưa thích do có chất lượng cao, nhưng thú thực, lúc đầu tôi cũng không để ý vì hiện nay, việc các đơn vị quân đội tăng gia sản xuất ở mức độ “khủng” cũng là “chuyện thường ngày”. Thế nhưng khi biết rằng, đây chỉ là sản phẩm “trung gian” trong “chiến lược” dài hơi tự trồng, tự chế biến, bảo quản nấm tươi để đưa ra Trường Sa của “tác giả” Lê Bá Độ - người được anh em trong đơn vị gọi bằng cái tên trìu mến “Độ nấm”, thì tôi thực sự bất ngờ và không thể không bị thu hút…
Con đường đến với… nấm
Bây giờ thì việc trồng nấm sò ở đơn vị của Lê Bá Độ đã vào nền nếp và thu được hiệu quả cao. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2013, “cơ sở” trồng nấm do Độ làm “tổng phụ trách” đã thu được hơn 1,2 tấn nấm tươi, cung cấp cho các bếp ăn trong Vùng 1. Nhưng mỗi khi nhớ lại con đường đến với nấm, chàng Thiếu úy có dáng người mảnh khảnh lại không khỏi bồi hồi…
Bố đẻ của Độ là thương binh, là một cán bộ kỹ thuật năng nổ của Nhà máy X46 (Quân chủng Hải quân)-một cơ sở kỹ thuật có nhiều thành tích trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Có lẽ vì thế mà như anh tâm sự: “Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã mơ ước được mang trên mình màu xanh áo lính, đi theo bước chân của bố tôi. Những lời kể của bố về những con tàu và những chuyến đi biển đã làm tôi say mê. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ”.
Vào bộ đội, Lê Bá Độ được điều về công tác tại tàu HQ 201 thuộc Hải đội 7, Lữ đoàn 170. Những năm tháng cùng đồng đội đi công tác dài ngày trên biển đã khiến chàng lính trẻ suy nghĩ rất nhiều về công tác bảo đảm hậu cần, bảo đảm bữa ăn cho thủy thủ. Trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, rau xanh chỉ có thể bảo quản được vài ba ngày là thối. Bộ đội lại phải “làm bạn” với đồ hộp, đồ đông lạnh… Làm thế nào để sau những giờ làm việc vất vả, căng thẳng, những người lính biển lại được quây quần bên mâm cơm với những món rau xanh ngon, sạch, dễ chế biến, hợp khẩu vị? “Câu hỏi này cứ bám lấy tôi và tôi thầm hứa sẽ quyết tâm tìm ra câu trả lời như một cách sẻ chia với đồng đội” - Độ nhớ lại.
Nhân một chuyến đi phép, Độ vô tình được biết ở quê anh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) chuẩn bị tổ chức một lớp học về kỹ thuật trồng các loại nấm. Qua sách báo, Độ biết nấm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ trồng, dễ chế biến, giá thành rẻ. “Đây rất có thể sẽ là gợi ý để giải “bài toán” rau xanh cho lính biển”-Độ nghĩ. Và nghĩ là làm, Độ liền “hy sinh” mấy ngày phép ngắn ngủi, tạm xa vợ con để khăn gói lên huyện đăng ký theo học lớp kỹ thuật trồng nấm. Quá trình học và tham quan nhiều mô hình trồng nấm khác nhau, anh xác định tập trung vào loại nấm sò. Theo anh, đây là loại nấm dễ trồng, dễ thu hái, năng suất cao, giá rẻ, đặc biệt là khoảng chịu nhiệt của nấm rộng hơn so với các loại nấm khác, phù hợp với điều kiện biển, đảo.
 |
Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Bá Độ đang chăm sóc nấm. Ảnh: Phương Hiền
|
Nắm được kỹ thuật trồng nấm, Độ không mang về làm “của riêng” mà xác định sẽ trồng tại đơn vị, trước mắt nhằm góp phần thúc đẩy phong trào tăng gia sản xuất, “dài hơi” hơn, sẽ nghiên cứu bảo quản để đưa nấm ra đảo. Khi nhận công tác tại Kho 707, nhận thấy điều kiện ở đây rất phù hợp cho việc trồng nấm vì có nguồn nước sạch, có điều kiện đất đai. Độ liền đề xuất và được lãnh đạo, chỉ huy Vùng 1; lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho trồng thử nghiệm. Việc trồng nấm lúc đầu không hề đơn giản. “Lúc đó, lương tháng của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng, vợ chưa có việc làm, hai con đứa 3 tuổi, đứa 4 tuổi, nhà vẫn phải đi thuê nhưng tôi vẫn động viên vợ và quyết định đi vay 10 triệu đồng đầu tư sửa sang nhà trồng nấm, mua nấm giống… để thử nghiệm mẻ nấm đầu tiên”-Độ nhớ lại. Thật không may, mẻ đầu nấm chết nhiều, năng suất rất thấp và coi như thất bại. “Lúc ấy, Độ có nản không?”. “Chưa bao giờ tôi nản vì luôn tin mình sẽ thành công. Hơn nữa, cứ nghĩ đến một ngày đem được nấm ra đảo, bộ đội có những bữa ăn ngon với món nấm tươi là tôi lại quên hết mệt nhọc!”-Độ trả lời tôi. Sau vụ đầu thất bại, Lê Bá Độ tập trung “phân tích” lại quá trình trồng, chăm sóc nấm của mình rồi tham khảo ý kiến các chuyên gia để tìm nguyên nhân. Cuối cùng, nguyên nhân thất bại cũng được chỉ ra, đó là do chưa xác định được độ ẩm phù hợp; chưa chú ý che chắn gió mùa cho nấm; việc vệ sinh khi thu hái nấm chưa sạch, khiến các gốc nấm còn sót sau khi hái bị thối và sinh bệnh cho các cây nấm còn lại...
Tìm ra nguyên nhân, Độ lại thuyết phục vợ rồi mạnh dạn vay thêm 36 triệu đồng của Vùng để tiếp tục đầu tư trồng nấm. Hằng ngày, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bất kể sớm khuya, mưa nắng, cứ rảnh là anh lại có mặt bên những “người bạn nấm” của mình. Đơn vị cũng tạo điều kiện bằng cách thành lập một “tổ trồng nấm” và cử anh làm tổ trưởng. Chẳng phụ lòng người, những cây nấm cứ sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch đều đều. Sản phẩm nấm sò được cung cấp tới các bếp ăn tập trung của các đơn vị thuộc Vùng và nhân dân địa phương với giá rẻ hơn 20% so với thị trường. Cũng nhờ nấm mà quỹ vốn của đơn vị có thêm “đồng ra, đồng vào”, góp phần cải thiện đời sống của anh em…
Nấm sò tươi sẽ… ra đảo!
Khi đã thành công trong việc trồng đại trà nấm sò với số lượng lớn cũng là lúc Lê Bá Độ tìm cách hiện thực hóa ước mơ bảo quản và đưa nấm ra biển, đảo phục vụ bữa ăn của bộ đội. Nhưng làm thế nào để bảo quản được nấm trong một thời gian dài mà chất lượng vẫn bảo đảm? Đây thực sự là bài toán hóc búa, nhất là hầu như chưa có những nghiên cứu tương tự. Giống nấm sò ăn ngon, giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, thế nhưng chúng thật “đỏng đảnh”: Thời gian bảo quản rất ngắn, trong điều kiện từ 5 đến 8 độ C, chỉ bảo quản được khoảng 3-5 ngày là chất lượng nấm đã giảm… Độ lại bỏ công sức, tiền bạc tìm mua sách, mua tài liệu kỹ thuật để tham khảo, nghiên cứu, đồng thời ngày đêm mày mò, thử nghiệm. Lúc đầu, thất bại cứ nối tiếp… thất bại, khiến anh “thiệt hại” không nhỏ về kinh tế. Nhưng có điều đặc biệt là Độ chưa bao giờ nản chí. Mỗi lần nấm hỏng là một lần anh rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân và tiếp tục thử nghiệm…
“Xét về mặt khoa học, chất lượng nấm bảo quản dài ngày theo phương pháp của Lê Bá Độ gần tương đương với nấm tươi. Đặc biệt, công nghệ bảo quản nấm khá đơn giản, phù hợp với điều kiện biển, đảo. Dự án được thực hiện không chỉ cung cấp thực phẩm tươi cho bộ đội Trường Sa mà ngư dân, đồng bào ở vùng cao… cũng có thể được ăn nấm bảo quản với chất lượng tốt”-Ông Đinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), khẳng định.
|
Cuối cùng, thành công cũng đến với Độ như một lẽ tự nhiên. Lê Bá Độ đã tìm ra phương pháp bảo quản nấm khá đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Phương pháp bảo quản này được thực hiện ở nhiệt độ thường, tương tự như cách bà con ta “muối dưa”… Kết quả phân tích chất lượng nấm sau thời gian bảo quản 4 tháng do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng thực hiện đã cho thấy, các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm đều đạt và vượt tiêu chuẩn cho phép. “Sau này, khi nấm ra đảo, bộ đội chỉ cần rửa hai lần bằng nước biển, rồi rửa lại một lần bằng nước ngọt là nấm sẽ tươi như mới được thu hoạch, anh em tha hồ chế biến theo sở thích”-Độ cho biết.
Mặc dù đã thành công trên thực nghiệm, tuy nhiên, để có thể triển khai trên thực tế, cần phải có những nghiên cứu một cách bài bản và mang tính khoa học. Vì vậy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã quyết định thành lập tổ đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản nấm sò tươi, đáp ứng nhu cầu bộ đội làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, bộ đội trên đảo Trường Sa và nhà giàn DK1”. Đề tài do Lê Bá Độ là thành viên chủ chốt, có sự tham gia hỗ trợ của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). “Dự kiến, trong năm 2014, chúng tôi sẽ cung cấp thử nghiệm nấm cho bộ đội trên đảo Bạch Long Vĩ. Và một ngày không xa, nấm tươi sẽ… ra đảo Trường Sa!”. Lê Bá Độ cười, nụ cười đầy tự tin trước khi chia tay tôi.
NGUYỄN TRUNG KIÊN