 |
Nhạc sĩ Hoàng Hà (bên trái) và tác giả |
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi, sắt son đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”.
Ca từ vui tươi, giai điệu rộn rã, hoành tráng của bài “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà vốn rất quen thuộc với công chúng hơn 31 năm qua, nhất là vào những dịp cả nước kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức lấy ca khúc này làm nhạc hiệu từ ngày 30-4-2005… Nhưng nhiều người không biết rằng, khi viết bài hát này nhạc sĩ Hoàng Hà chưa từng đến Sài Gòn.
Nhạc sĩ Hoàng Hà tâm sự:
- Trong những ngày tháng 4-1975, không khí Hà Nội sục sôi theo từng bước chân của đoàn quân thần tốc, ai cũng muốn làm một cái gì đó góp phần vào chiến thắng chung của đất nước. Ngày 26-4-1975, tôi được biết chiến dịch đánh thắng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi rất xúc động, nghĩ: Một khi chiến dịch đã được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng. Và ngay trong đêm đó tôi đã thức trắng để viết bài “Đất nước trọn niềm vui” với một cảm xúc mãnh liệt, nhất là khi nghĩ đến công lao của Bác Hồ: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân…”. Viết xong, tôi gọi con trai dậy, hai bố con hát đi, hát lại nhiều lần, vừa hát vừa sửa.
Sáng tác xong, ông tính đưa đài Phát thanh Giải Phóng, thế nhưng Ban biên tập đài Tiếng nói Việt Nam lại đề nghị dành để phát đầu tiên trên đài Tiếng nói Việt Nam. Và ngay ngày hôm sau, Đài tổ chức ghi âm, ca sĩ Trung Kiên hát, nhạc sĩ Đỗ Dũng phối nhạc. Bài hát được phát vào đúng sáng 1-5-1975 cùng với bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Nhạc sĩ Hoàng Hà bồi hồi nhớ lại:
- Ca khúc ấy tôi sáng tác chỉ có một đêm nhưng là kết tinh của cả một quá trình, một đời người…
Nhạc sĩ Hoàng Hà năm nay 77 tuổi, tên thật của ông là Hoàng Phi Hồng, quê ở Hà Nội, bố mất sớm, nhà nghèo, ông theo cách mạng, tự học nhạc và tập sáng tác những bài hát ngắn có nội dung tuyên truyền chống giặc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người thầy dạy sáng tác đầu tiên cho ông, nhưng chỉ qua thư tay, còn hai người thì chưa hề biết nhau. Mãi đến năm 1949, ông mới được học khóa nhạc đầu tiên của Trường Văn nghệ liên khu Việt Bắc rồi làm Trưởng đoàn văn công tỉnh Vĩnh Phúc…
Nay ông đã nghỉ hưu, sống tại thành phố Vũng Tàu.
Đoàn Hoài Trung