Bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ Mỹ

Peter Nguyễn, tên Việt Nam là Nguyễn Thế Phượng, phục vụ dưới chế độ VNCH với vai trò sĩ quan tình báo từ năm 1972 đến 1975. Sang Mỹ sau khi chế độ VNCH sụp đổ, sống giữa các phần tử cực đoan chống đối Việt Nam với rất nhiều thông tin sai lệch về tình hình trong nước nên ông không tránh khỏi những phút giây suy nghĩ mơ hồ. Tất cả chỉ vì thiếu thông tin. Mỹ cấm vận Việt Nam nên những kết nối với quê nhà gần như không có. Gửi một bức thư phải mất khoảng 6 tháng mới về được Việt Nam. Thế nhưng, tình cảm với quê hương của Peter Nguyễn không thay đổi. 

Trò chuyện với ông ở một quán cà phê bên hồ Hoàn Kiếm, tôi phần nào cảm nhận được chính tình yêu dân tộc thuần khiết của một người con mang dòng máu Việt trở thành “tấm lá chắn” giúp ông không bị lung lạc trước các phần tử cực đoan. Ông cho biết, chúng gõ cửa từng nhà để kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền phục vụ cái gọi là “lực lượng kháng chiến quân” ở miền Nam Việt Nam. 

Mong muốn tìm hiểu về tình hình thực tế ở quê nhà đã thôi thúc ông hành động chẳng giống ai lúc ấy: Bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để nghe tin tức. Năm 1977, sau khi tìm đủ mọi cách để có thông tin, để hiểu và liên lạc về nước mà vẫn chưa thỏa mãn, Peter Nguyễn bỏ ra 300USD từ tiền đi làm thêm để mua một chiếc đài nhỏ (hồi đó, đi làm thêm chỉ được khoảng 1,5USD/giờ nên đó là số tiền khá lớn)… Thông tin nghe được tuy không nhiều, do chênh lệch múi giờ, nhưng cũng giúp ông có cảm giác quê hương gần gũi hơn.

Đau đáu nỗi niềm với Việt Nam

Năm 1982, khi lấy vợ, Peter Nguyễn đã “ra điều kiện” với người vợ gốc Việt rằng nếu đi du lịch thì chỉ quanh nước Mỹ, còn nếu ra khỏi nước Mỹ thì chỉ có về Việt Nam chứ không đi nước nào khác. Nhìn cách Mỹ bao vây, cấm vận Cuba, ông biết rằng về Việt Nam lúc đó rất khó, gần như không thể, nhưng ông đau đáu nỗi niềm nhất định một ngày nào đó phải trở về quê hương.  

Suốt bao năm ở thành phố San Diego, bang California, ông không bước chân ra khỏi bang. Đến năm 1998, lần đầu tiên ông cùng vợ con về Việt Nam. Cũng chính trong chuyến trở về lịch sử này, ông cùng vợ con ra miền Bắc, tới Thủ đô Hà Nội và thăm Lăng Bác Hồ. Bức ảnh hai cha con chụp trước Lăng Bác vẫn được ông và gia đình cất giữ, nâng niu như một kỷ vật.

Một thói quen của Peter Nguyễn khi về Việt Nam là mua sách, báo.

Năm 2013, Peter Nguyễn là một trong 2 kiều bào Mỹ được tham gia Đoàn công tác số 9 ra thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Chuyến đi 11 ngày đã để lại cho ông biết bao cảm xúc. “Lúc ra đi, tôi chỉ biết Việt Nam từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, đất nước đầy bom đạn, chiến tranh. Khi trở về, non sông liền một dải, quốc gia phát triển mạnh mẽ… Thật không gì hạnh phúc hơn”, Peter Nguyễn nhớ lại. 

Peter Nguyễn chia sẻ rằng: “Thăm quân và dân trên đảo Trường Sa, chúng tôi càng thêm yêu và cảm phục những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đảo, những người dân kiên trì bám đảo, bám biển. Qua chuyến trải nghiệm, tôi đã có được câu trả lời cho những thắc mắc, băn khoăn của mình, cho dù thực tế tôi không mấy để ‎‎ý tới những thông tin về vấn đề biển, đảo được tuyên truyền bên đó, vì biết đó là những tin tức không thiện chí. Bạn bè tôi rất đông, có người này người khác, nhưng ngay từ đầu tôi đã tỏ thái độ rõ ràng, không tranh cãi về vấn đề này”!

Lan tỏa tình yêu quê hương trong gia đình

Hai con của Peter Nguyễn dường như cũng được truyền tình yêu Việt Nam từ cha. Lớn lên giữa một cộng đồng phức tạp, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn ở gia đình nhưng hai con ông hiểu Việt Nam không phải như những gì họ nghe được ngoài đường, ở một cộng đồng còn có người mang thù hận, cực đoan. “Tôi mừng lắm khi xem những bài học, bài viết của các cháu ở trường về lịch sử, văn hóa, trong đó có nhắc đến Việt Nam. Chúng kể về ngày Tết ở Việt Nam, về gia đình, với lời văn nhẹ nhàng, thương mến, không bị ảnh hưởng hay tác động bởi những thông tin thiếu chính xác”, ông chia sẻ.

Có lẽ hiểu được tâm tình của cha, người con gái lớn Nguyễn Thị Ánh Tâm sau khi tốt nghiệp đại học đã lựa chọn về Việt Nam làm việc thiện nguyện trong 6 tháng cho một tổ chức phi chính phủ về phục hồi chức năng, dạy nghề, giúp tạo sinh kế cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng. “Khi nghe con thông báo về Việt Nam làm việc, tôi hơi ngạc nhiên nhưng rất vui vì con đã thay mình làm được điều gì đó có ích cho Việt Nam. Điều tôi luôn mong muốn mà chưa làm được gì nhiều”, Peter Nguyễn kể.  Peter Nguyễn trước đây từng tham gia dự án rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin của Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP). Ông thừa nhận mình bị ám ảnh bởi chất độc da cam/dioxin quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy tuổi đã cao nhưng Peter Nguyễn gần đây đều đặn về Việt Nam để thỏa nỗi niềm với quê hương. Đến Thủ đô Hà Nội, nhất định ông phải thuê phòng ở gần Hồ Gươm, tiện hằng ngày đi bộ quanh hồ, ăn bát phở Thìn, thưởng thức cốc trà mạn, mua tờ báo, ngồi ngắm nhìn dòng người qua lại, hòa mình vào không khí yên bình mà nhộn nhịp của phố phường luôn mang lại cho ông nhiều xúc cảm. Nhiều quần áo ông mặc, chiếc điện thoại ông dùng là đồ “made in Vietnam”. Khi tiếp xúc, không ai nghĩ ông đã sống ở nước ngoài nhiều chục năm rồi. Gặp ông để thấy có một người yêu mến Việt Nam đến vậy!

Bài và ảnh: MỸ HẠNH