QĐND - Ông đã “thăng” được 17 năm. Bà cùng các con, cháu cũng đã chuyển về sinh sống tại một khu căn hộ mới ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi bát thập, sức khỏe không cho phép bà đi lại nhiều nên hầu hết thời gian bà dành cho việc vẽ tranh, làm từ thiện và sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử, làm dày thêm căn phòng lưu niệm về ông. Tôi đến thăm bà khi bà và các con, cháu đang chuẩn bị cho ngày giỗ lần thứ 17 của ông (20-4-1996/20-4-2013).
Căn phòng khá rộng, nằm ở tầng trên cùng trong ngôi biệt thự thoáng mát. Bà Lê Thị Thoa, phu nhân cố Thượng tướng Trần Văn Trà bảo rằng, bà bị bệnh thoái hóa cột sống, đi lại khá khó khăn nên căn phòng này như là một không gian riêng của bà. Ở đây, bà như vẫn có ông bên cạnh, như vẫn được ông san sẻ, động viên trong công việc sáng tạo nghệ thuật, niềm vui thú của tuổi già. Bên cạnh vai trò là phu nhân của một danh tướng có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, bà Thoa còn được biết đến là một phó tiến sĩ khoa học, có nhiều công trình khoa học giá trị và là một nữ họa sĩ chuyên sáng tác tranh sơn dầu. Trong bộ sưu tập hàng trăm bức tranh bà sáng tác, ký ức chiến tranh và hình ảnh người chồng, người đồng chí Trần Văn Trà luôn là đề tài chủ đạo. Trong căn phòng, vừa là nơi đặt bàn thờ, vừa là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vị danh tướng, vừa là góc sáng tác riêng của bà, tôi được bà cho phép tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu quý giá. Bà bảo, hiện bà đang làm một cuốn sách, tập hợp 209 bài viết của ông và 165 bài của các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học… viết về Thượng tướng Trần Văn Trà, trong đó có nhiều tư liệu chưa công bố. Bà nói với tôi rất thân tình:
- Tất cả tài liệu liên quan đến bác trai đã được bác sắp xếp theo thứ tự thời gian và chủ đề cẩn thận. Cháu cần nội dung, hình ảnh gì thì bác sẽ giúp cháu.
 |
Bà Lê Thị Thoa kể với phóng viên những ký ức về Thượng tướng Trần Văn Trà.
|
Tôi xin phép bà Thoa thắp nén nhang lên bàn thờ của Thượng tướng và chợt lắng lòng khi nhìn thấy phía trước lư hương là tờ giấy được đóng khung cẩn thận, trên đó là lưu bút bản thảo gồm 4 câu thơ bằng chính nét chữ của Thượng tướng, có một vài chỗ được tác giả gạch, xóa, sửa. Nội dung bài thơ như sau:
Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang san
“Trăng xưa hạc cũ” dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng
Bà Thoa cho hay, đây là bài thơ được Thượng tướng viết trong những năm tháng cuối đời như là lời tự bạch. Lời thơ mộc mạc, ý thơ giản dị, toát lên khí chất, phong cách thư thái, thanh cao, nhân hậu của ông. Sinh thời, ngay từ khi còn là anh thanh niên tham gia quân ngũ cho đến khi đã trở thành một vị tướng lừng danh, lúc nào và ở đâu ông cũng lấy tấm gương Bác Hồ làm chuẩn mực để học tập và noi theo. Trong bài thơ tứ tuyệt như một bức chân dung tự họa bằng thơ này, ông cũng lấy ý thơ của Bác Hồ trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”: “… Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này” làm nguồn cảm hứng. Bà Thoa kể, khi sức khỏe đã yếu, biết trước sẽ ra đi gặp Bác Hồ, ông đã căn dặn con cháu, khi mình làm được 2 đồng thì phải dành ra một đồng để lo cho thân nhân, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và dân nghèo, nhất là ở những vùng căn cứ kháng chiến cũ, chiến trường xưa… Thực hiện tâm nguyện của ông, suốt 17 năm qua, bà Thoa và các con, cháu đã tổ chức xây dựng, vận động, trao tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, thường xuyên chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách. Ngay trong tháng Tư này, gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà cũng đang chuẩn bị bàn giao tiếp 2 căn nhà tình thương mới xây dựng. Những người con, dâu, rể của ông bà đều là người thành đạt. Con gái đầu Nguyễn Thu Hồng là nhà báo; con gái thứ hai Nguyễn Xuân Hồng là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa mắt; con trai Nguyễn Việt Chi là doanh nhân. Ngoài việc làm tròn nhiệm vụ, ai cũng noi theo tấm gương của người cha đáng kính để dồn tâm huyết làm công tác từ thiện xã hội, chăm lo cho thân nhân, gia đình chính sách và người nghèo.
Khi tôi hỏi về câu thơ “Ra đi hai bàn tay trắng…”, bà Thoa nói:
 |
Thượng tướng Trần Văn Trà chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 3-1996, một tháng trước ngày Thượng tướng Trần Văn Trà từ trần. (Chụp lại từ tư liệu gia đình). |
- Bác trai sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cha là thợ xây, mẹ tảo tần mua gánh bán bưng nuôi các con ăn học. Bác trai có tên “cúng cơm” là Nguyễn Chấn. Năm 1954, khi bác và bác trai trở thành vợ chồng, bác trai đã tâm sự với bác rằng, do chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng trước đó và đọc nhiều tác phẩm thơ văn của các bậc tiền bối yêu nước nên đã sớm thấm nỗi đau của người dân nô lệ, luôn mơ ước làm được việc lớn để giải phóng dân tộc. Vậy nên vào tuổi thanh niên, bác trai hăng hái tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Năm 1938, bác trai gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và từng bị thực dân Pháp bắt giam hai lần…”.
Trong di cảo của gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà có một bức ảnh tạo cho tôi ấn tượng rất đặc biệt. Ảnh chụp Thượng tướng với gương mặt còn trẻ, vóc dáng thanh tú, dạn dày chinh chiến đứng cạnh chiếc xe đạp trong một khu rừng. Bà Thoa cho biết, bức ảnh này chụp ở chiến khu Đ trong kháng chiến chống Pháp, vào những năm đầu của thập niên 1950. Lúc bấy giờ Thượng tướng Trần Văn Trà giữ cương vị Phó tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh phân khu Miền Đông Nam Bộ (1951-1954). Trước đó, ông đã được Đảng giao các trọng trách: Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám; Khu trưởng Khu 8, Xứ ủy viên Nam Bộ (1946-1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tư lệnh Quân khu 7 (1949-1950). Giai đoạn ông làm Phó tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh phân khu Miền Đông Nam Bộ cũng là thời kỳ đặc biệt đáng nhớ đối với bà Thoa. Bà kể:
- Tháng 2-1954, bác được tổ chức bí mật đưa từ Miền Tây lên chiến khu ở Tây Ninh để làm đám cưới với bác trai. Đám cưới được tổ chức đúng ngày Mồng Một Tết. Trước đó, bác được đồng chí Lê Đức Thọ làm mai mối, đại ý anh Trần Văn Trà là người giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cô đồng ý làm vợ anh ấy cũng chính là một sự đóng góp lớn cho nhiệm vụ của Đảng. Vào chiến khu, bác được bố trí làm y tá ở Văn phòng Bộ tư lệnh. Ngoài nhiệm vụ ở Văn phòng, bác còn là y tá trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bác trai. Khoảng thời gian ở Chiến khu không nhiều, bởi mấy tháng sau đó là tập kết ra Bắc, nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, gian khổ, hiểm nguy, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng cũng vô cùng hạnh phúc…”!
Đến bây giờ bà Thoa vẫn nhớ như in những lần phải tiêm thuốc trợ lực cho Thượng tướng Trần Văn Trà hàng đêm, bởi ông làm việc quá sức, nhiều đêm liền mất ngủ. Có khi ông đi công tác suốt tuần, khi trở về thì người gầy đen vì lội suối trèo đèo, ăn không đủ no, mặc không đủ kín…
Trong tư liệu gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà, những hình ảnh, hiện vật, tài liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam chiếm tỷ lệ khá lớn. Bà Thoa cho tôi xem một tập bản thảo những trang viết tay của ông. Đó là những tài liệu có giá trị như những giáo khoa quân sự ông viết về nghệ thuật quân sự Việt Nam, về những bài học kinh nghiệm trong chỉ huy chiến đấu, nhưng cũng có nhiều bài ông chỉ viết rất ngắn, như là một cảm tưởng, cảm nghĩ trước một sự kiện nào đó. Các trang viết đều được ông sửa chữa cẩn thận, đến nay vẫn còn tươi nguyên màu mực. Dù được giao trọng trách Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam (giai đoạn 1963-1967 và giai đoạn 1973-1975), Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng trong di cảo để lại, Thượng tướng Trần Văn Trà không lúc nào tự đề cao vai trò cá nhân. Với ông, chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 là chiến thắng của cả một dân tộc anh hùng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ. Ông nhắc nhiều đến những đồng đội anh hùng, những người chiến sĩ chiến đấu dũng cảm đã để lại trong ông sự cảm mến, yêu quý, tiếc thương không thể nào quên. Ông tự bạch: “Ngày 30-4-1975 là ngày hạnh phúc và đẹp nhất đời tôi. Giấc mơ đời tôi đã thành hiện thực. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Hơn bao giờ hết, lòng tôi chạnh nhớ đến hàng triệu đồng bào, đồng đội đã hy sinh để có được ngày vinh quang…”.
Con người Thượng tướng Trần Văn Trà là vậy, trọn vẹn tâm huyết, trọn vẹn cuộc đời với sự nghiệp cách mạng. Niềm hạnh phúc nhất của ông sau ngày “Ra đi hai bàn tay trắng” là “Ngày về một dải giang san…”. Giang sơn liền một mối, đất nước thống nhất, sạch bóng quân thù là mục tiêu, lý tưởng sống của ông. Ông ra đi đột ngột sau một cơn bạo bệnh để lại bao niềm tiếc thương cho gia đình, đồng đội, nhân dân. Nhưng với ông, đó là cuộc ra đi thật nhẹ nhàng, bởi “Thiên mã thăng” khi “mây nước đã yên bình”…
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN