QĐND - “Tôi nhớ hoài câu tấm tắc của Trung tướng Nguyễn Bình về chồng tôi: “Giàu như vậy, sang như vậy, mà bỏ hết đi kháng chiến, dân miền Nam có khác!”. Lại nhớ câu chồng tôi thường hay nói: “Nhà nước mình còn nghèo lắm, có bao nhiêu tiền mình cũng dốc sức giúp đỡ cách mạng, chỉ mong nước nhà độc lập”. Cũng bởi cái lý tưởng và hành động cao đẹp đó của ổng mà cô tiểu thư bướng bỉnh thua ổng 27 tuổi như tôi mới chịu về làm vợ”.
Nhà đại tư sản đi theo cách mạng
Tôi là con gái gốc Sài Gòn-Gia Định. Ba là thầy giáo nhưng tham gia du kích trong nội thành. Gia đình cũng khá giả nên tôi rất được nuông chiều. Có cảm tình với cách mạng nên sau ngày Nam Bộ kháng chiến, tôi bỏ ngang việc học, đi phát truyền đơn cùng các chị em. Các cô chú du kích, cán bộ ở chiến khu Đồng Tháp Mười vẫn hay ghé nhà tôi. Nhiều lần thấy bà Nguyễn An Ninh lo lắng khi ở bưng biền, bộ đội bị ốm đau, ghẻ lở, thương tích mà không có thuốc chữa, tôi sang nhờ chú ruột là Nguyễn Thành Nghĩa - ông chủ “pharmacy” (tiếng Pháp, có nghĩa là nhà thuốc) nổi tiếng, gửi thuốc men cho bộ đội.
 |
Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh thời ở bưng biền Đồng Tháp Mười trong kháng chiến. Ảnh do gia đình cung cấp.
|
Ngày nọ, bà Nguyễn An Ninh ghé nhà, cho biết tình hình cách mạng đang rất khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trong bưng thiếu thốn trăm bề từ cái ăn đến cái mặc… Do đó, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh cần có người trong nội thành đi vận động nhân dân quyên góp giúp đỡ cách mạng. Nghe vậy, tôi hăng hái tham gia. Theo lời dặn của bà Ninh, tôi và một anh du kích đến những nhà bà cho biết địa chỉ trước, rồi nói với họ là người nhà của bà Ninh. Đó là mật khẩu để những thành phần trí thức có cảm tình với cách mạng nhận ra người nhà và quyên góp tiền. Làm được việc có ích cho cách mạng, tôi vui lắm. Nhưng con gái mười sáu, mười bảy đương cái xuân thì nên lắm người trêu ghẹo. Nhất là mấy thằng Tây hay để ý nên tôi đâm sợ, lỡ lộ thì nguy. Các anh, các chú lãnh đạo nhanh chóng đưa tôi ra bưng. Đó là năm 1947. Thấy tôi có trình độ nên các chú chuyển tôi sang Sở Kinh tế Nam Bộ làm văn thư.
Trong cuộc họp các cơ quan đầu não ở bưng biền, tôi được giao pha trà, rót nước. Bà Nguyễn An Ninh đưa tôi đến gặp một người đàn ông đáng tuổi ba tôi, giới thiệu: “Đây nè anh, cô bé này là người quyên góp tiền giùm anh ở nội thành đó”. Tôi tròn xoe mắt, hóa ra người đàn ông trông nghiêm nghị, khắc khổ này là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh danh tiếng-nhà đại tư sản sẵn sàng từ bỏ giàu sang, phú quý để đi theo kháng chiến, chịu hy sinh gian khổ. Lúc này, ông đang là Ủy viên Ủy ban hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ.
Sau này nên vợ nên chồng, tôi mới biết ông là con của một gia đình đại địa chủ ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Học luật bên Pháp, ông về nước hành nghề luật sư, tiền làm ra nhiều vô kể. Trong hồi ký chồng tôi ghi: “Khi bắt đầu nhận thức cuộc sống sa đọa của mình là vì bám vào chân của thực dân thống trị để chia phần bóc lột nhân dân, tôi nhờ bạn tốt là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giúp đỡ đưa vào Mặt trận Việt Minh để trở về với dân tộc. Được phân công làm công tác “trí vận” và “công giáo vận” tôi hoạt động liều lĩnh, ỷ lại vào quá khứ của mình. Chỉ từ 23-9-1945, khi thực dân Pháp bao vây để bắt, hướng là để thủ tiêu và được nhân dân cứu vớt, tôi mới hiểu giá trị của người dân Việt Nam, thêm vào đó được nhân dân quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, tôi mới thực sự giác ngộ”.
Khí thế kháng chiến của nhân dân Nam Bộ khi ấy đã khiến một trí thức như ông từ bỏ tất cả giàu sang phú quý để dấn thân vào con đường vì nước vì dân đầy chông gai, gian nguy. Mọi hoạt động đều rất khó khăn: Ăn uống thiếu thốn, máy móc không có, quần áo ít ỏi… Hồi đó nhìn ổng thấy thương lắm, người gầy đét, ăn uống không đầy đủ nên mặt mũi xanh xao. Chưa kể giặc càn liên tục. Hồi bị Pháp bao vây nhà, ổng dồn hết tiền mặt vào hai cái vali, chỉ mang thêm bộ quần áo rồi kêu anh tài xế đưa vào bưng. Cách mạng thiếu tiền, chồng tôi tự bỏ tiền túi ra để mua lương thực, thực phẩm, máy móc… cho anh em. Trung tướng Nguyễn Bình than thở: Các anh em chiến sĩ ở Khu 7 toàn ăn măng chấm mắm, mặt bủng xanh không có sức mà chiến đấu. Nghe vậy, ổng lấy ngay mấy ngàn tiền Đông Dương đưa cho anh Bình lo cho bộ đội.
Pháp tấn công Đồng Tháp Mười, tình hình chiến sự ngày càng dữ dội nhưng quân ta không có đủ vũ khí để chiến đấu. Trước tình hình cấp bách, chồng tôi bàn với anh Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Kinh tế Nam Bộ, sẽ về Mỹ Tho một chuyến. Đi theo tháp tùng nhiệm vụ tối mật này có thêm 12 đồng chí nữa. Ông về đào vàng đựng trong hai hộp bánh quy chôn sâu dưới hòn non bộ ở nhà. Hai hộp đựng toàn vàng miếng, là tài sản dành dụm bấy lâu thời ông còn hành nghề luật sư ở Sài Gòn. 200 lượng vàng trao cho bộ đội để mua vũ khí đánh giặc. Nhờ 200 lượng vàng mà ta mở được nhiều chiến dịch thành công, khiến giặc Pháp kinh sợ. Sau này, tôi vẫn nhớ như in câu nói của chồng: “Thà mình hiến số vàng đó cho cách mạng, giúp ích cho đất nước còn hơn tư lợi hoặc để nó rơi vào tay kẻ thù”.
Cuộc chiến tiền tệ với Pháp
Nhưng tài sản của chồng tôi cũng có hạn mà công cuộc kháng chiến còn nhiều thứ phải trang trải. Lúc này trong quỹ chỉ có vài triệu bạc Đông Dương ngân hàng và một ít lúa. Bọn thực dân biết được các cơ quan kháng chiến cũng như nhân dân ở vùng giải phóng có nhiều loại giấy bạc do Nhật đã in và cho lưu hành. Do đó, chúng thâm độc tuyên bố là đến ngày nào đó, loại tiền này phải được đổi vì sẽ không còn giá trị lưu hành. Ở vùng địch chiếm, việc đổi tiền không khó nhưng ở vùng giải phóng lại vô cùng khó khăn. Ủy ban Nam Bộ nhận điện mật của các tỉnh kêu cứu, Ủy ban chỉ đạo chồng tôi phải giải quyết. Việc này làm ông mất ăn mất ngủ. Cuối cùng ông cũng tìm ra cách “Việt Nam hóa giấy bạc”, nghĩa là dùng một loại con dấu để đóng vào loại giấy bạc, tạo cho nó có giá trị lưu hành. Song, phương án này không khả thi được bao lâu vì phải phụ thuộc vào đồng tiền của địch.
 |
Những đồng bạc Cụ Hồ ngày ấy vẫn được bà Nguyễn Ngọc Dung lưu giữ như một báu vật của gia đình. Ảnh: HT.
|
Nhận thấy vấn đề cấp bách, chồng tôi cùng các đồng chí trong Sở Tài chính Nam Bộ họp lại, đề xuất phải in tiền phục vụ kháng chiến… Có vậy chúng ta mới chủ động điều hành kinh tế, đấu tranh tiền tệ với địch, bảo đảm cuộc kháng chiến lâu dài. Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ điện ra xin phép Trung ương cho Nam Bộ được in giấy bạc tại chỗ. “Ủy ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ” thành lập với mật danh “Ban trồng tỉa số 10”, được đặt tại Chiến khu Đồng Tháp Mười. Nhưng máy móc đâu để in? Vậy là chúng tôi lại gom góp tiền nhờ người mua máy từ bên Thái Lan đưa về. Để tránh địch phát hiện và tiện vận chuyển, máy bị tháo rời. Về đến bưng biền thì không ai biết lắp ráp ra sao. Chồng tôi lại điều động người mạo hiểm vào thành mời kỹ sư. Rồi lại cử người mời giáo sư Phạm Văn Hộ, giảng viên ngành khắc chạm đồng, đá và một số thợ in giấy bạc vào bưng. Nhà in là một mái lá dọc bờ kinh Dương Văn Dương. Những đồng bạc Cụ Hồ đầu tiên ra đời là những tờ bạc mệnh giá thấp như 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng. Phía bên trái tờ bạc có chữ ký của ông Phạm Văn Bạch là
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và bên phải là chữ ký của chồng tôi, lúc này đương chức Giám đốc Ngân khố Nam Bộ.
Công việc in tiền ngày đó khó khăn lắm. Quân Pháp nhiều lần đi càn vào vùng căn cứ khiến “Ban trồng tỉa số 10” phải rút về vùng U Minh Thượng rồi U Minh Hạ. Máy móc phải vận chuyển bằng ghe, xuồng theo kênh rạch chằng chịt, rất mệt nhọc. Ngày phát hành tờ tiền đầu tiên vui như hội, bà con nông dân ai cũng vui mừng, xúc động khi thấy trên mặt tiền là ảnh Bác Hồ, anh du kích, hình ảnh người nông dân hăng say sản xuất… Đồng tiền Cụ Hồ ngày càng có giá trị và lan ra cả vùng địch tạm chiếm.
Có lẽ vì hiến trọn trí lực và tài sản cho cách mạng nên ông không đoái hoài đến hạnh phúc riêng tư của mình. 45 tuổi rồi vẫn một thân một mình. Có lần tôi đang làm việc, ổng hỏi: “Cô Dung nè, có ông cán bộ thương thầm cô đó?”. Tôi vẫn không ngước mặt lên: “Vậy ạ, sao ổng thương cháu mà ổng hông nói”. Lần khác, ổng lại hỏi: “Cô Dung có người yêu chưa?”. Tôi vẫn cặm cụi ghi giấy tờ: “Dạ, cháu chưa có người yêu chú ơi”. Không tin, ông hỏi lại chú Kha Vạn Cân khiến chú giãy nảy: “Nó mới 18 tuổi, lấy đâu ra chồng con”. Nghe vậy, ổng mới yên tâm nói với tôi: “Cô Dung, tôi yêu cô thiệt đó”. Tôi mới giật mình: “Trời ơi, chú đừng có giỡn nha”. Tôi nói đợi cháu ba tháng, cháu gởi thư về gia đình, ba má chịu thì cháu chịu. Ổng không chịu, cứ nhờ người này người kia năn nỉ tôi làm vợ ổng. Cuối cùng, mâm cơm đơn giản cũng được bày ra coi như cỗ cưới giữa chiến khu.
Năm 1954, chúng tôi tập kết ra Bắc. Chồng tôi được bổ nhiệm Phó chánh án Tòa án tối cao kiêm Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Sau năm 1975, chúng tôi và sáu đứa con chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Gia đình đã hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước nên cũng không còn gì nhiều. Ổng vẫn thường nói, tất cả cho cách mạng, dù khó khăn trăm bề cũng không ta thán như câu ông vẫn thường nhắc mình: “Trí phải sáng, tâm phải chính”. Gần 20 năm nay, ngày nào tôi cũng thắp nén nhang trên bàn thờ mà trò chuyện với ổng. Lại nhớ hồi kháng chiến ở bưng biền, đêm âm u, hai vợ chồng áo đen thô ráp, nằm nghe muỗi kêu như sáo thổi mà vẫn thấy đời đẹp sao…
HẠNH TRANG
(Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Ngọc Dung, phu nhân cố luật sư Nguyễn Thành Vĩnh)