QĐND - Cầu viện không thành, Phan Bội Châu cùng với Hội Duy Tân chuyển sang cầu học. Một phong trào du học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam-phong trào Đông Du, đưa thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học chuẩn bị nhân tài cho tương lai đất nước. Phan Bội Châu trở lại Nhật với 3 lưu học sinh Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Thúc Canh, Nguyễn Điền, Lê Khiết. Cụ thuê nhà đặt tên là Bính Ngọ hiên tại phố Tàu ở Y-ô-kô-ha-ma (Hoành Tân) cho lưu học sinh nước ta sinh hoạt và học tiếng Nhật. Tại đây, theo lời khuyên của Lương Khải Siêu đang tỵ nạn chính trị, Phan Bội Châu với bút hiệu Sào Nam Tử, viết Khuyến quốc dân tư trợ du học văn (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học) gửi về nước kêu gọi lòng hảo tâm từ những người giàu có giúp tiền của cho học sinh du học, trong đó có đoạn: “Hiện nay không có kế gì hay bằng xuất dương du học nữa… Nhóm người lại thì việc nên, chung lòng vào thì sức mạnh. Góp nhiều mảnh da rách thì thành áo cầu, chụm nhiều cây cứng lại để chồng nhà lớn. Muôn búa cùng bổ thì núi phải tan hoang, ngậm đá suốt ngày thì bể ắt lấp cạn. Số học phí hai ba trăm đồng, nếu một người lo thì rất khó, nhưng hai ba chục người lo thì rất dễ”.
 |
Mộ cụ Trần Đông Phong tại Nghĩa trang Tô-si-ga-ia Rây-en, Tô-ki-ô. Ảnh: Hoàng Minh Tâm
|
Theo tiếng gọi Phan Bội Châu, đã có hơn 200 thanh thiếu niên nước ta từ ba trung tâm Hà Nội-Nam Định, Nghệ-Tĩnh và Sài Gòn-Gia Định, sang Nhật du học trong những năm 1905-1908 và được thu xếp học trong nhiều trường khác nhau, nhưng đông nhất là Trường Đồng văn Thư viện và Trường Chấn võ ở Đông Kinh.
Từ trung tâm Nghệ-Tĩnh sang Nhật du học có đến 30 người, trong số đó có Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu), Nguyễn Thúc Đường (Trần Hữu Lực), Nguyễn Quỳnh Lâm, Lê Cầu Tinh, Đinh Doãn Tế, Mai Lão Bạng (người Công giáo)… và Trần Đông Phong.
Trần Đông Phong (1887-1908) sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở làng Di Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thời trai trẻ, Trần Đông Phong vốn hào phóng, thích quảng giao và ghét những kẻ cậy quyền, cậy thế hà hiếp người. Biết tin Phan Bội Châu qua Nhật cầu viện, Trần Đông Phong đã tặng Phan 100 quan tiền làm lộ phí. Năm 1907, Trần Đông Phong bị thực dân Pháp bắt bỏ tù. Trốn thoát, cùng với những người đồng trang lứa, có chí lớn lên Phồn Xương lập đồn “Tú Nghệ” theo thỏa thuận giữa Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám. Không thấy hy vọng, cuối năm 1907, ông tìm đường sang Nhật với Phan Bội Châu. Ông được Hội Việt Nam Công hiến bố trí vào học tại Trường Đồng văn Thư viện ở Đông Kinh (Tô-ki-ô). Trong thời gian học tại đây, ông nhận thấy lưu học sinh Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều sống nhờ bằng tiền tài trợ của giới giàu có trong Nam Kỳ. Vì sinh trưởng trong một gia đình giàu có, ông nghĩ gia đình có thể giúp một phần của cải cùng san sẻ gánh nặng kinh phí với những bậc phú hào trong Nam. Ông đã nhiều lần biên thư về nhà, xin cha gửi tiền để đóng học phí và tiền sinh hoạt. Đợi hoài, gia đình vẫn bặt vô âm tín. Tự xấu hổ về gia đình mình và bản thân, Trần Đông Phong tìm đến cái chết để cảnh báo về sự thờ ơ, vô cảm của gia đình trước vận mệnh của đất nước. Nhân lúc bạn bè đi học, ở nhà một mình, Trần Đông Phong lén ra tự vẫn dưới gốc cây to trong chùa Tô-hô-gi, thuộc Côi-si-ca-oa để lại một lá thư tuyệt mệnh cặp trong cuốn vở học trò. Trong thư, Trần Đông Phong đã nói tới lý do kết thúc cuộc đời mình:
“Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà khuyên cha tôi bắt chước làm như Trương Tử Phòng phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí tôi, và cũng để tạ tội với anh em…
Nhà tôi giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa”.
Chuyện xảy ra thật bất ngờ đối với Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại hầu Cường Để và lưu học sinh Việt Nam. Đám tang tiễn đưa Trần Đông Phong về cõi vĩnh hằng được tổ chức trang trọng theo nghi thức mai táng của Nhật Bản và đầy nước mắt của toàn thể lưu học sinh Việt Nam, cả lưu học sinh Trung Quốc và sự tham dự của quan chức Hạ nghị viện Nhật Bản là Bá Nguyên Văn Thái Lang, Trung tá lục quân Nhật là Đan Ba.
Sau đó, Kỳ Ngoại hầu Cường Để với tư cách Hội trưởng Hội Việt Nam Công hiến bỏ tiền xây mộ cho Trần Đông Phong. Trên mộ chí có ghi dòng chữ Hán:
“Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”
Mộ Trần Đông Phong hiện nằm trong dãy 1-4A-14, Nghĩa trang Tô-si-ga-ia Rây-en, thành phố Tô-ki-ô, Nhật Bản.
 |
Du khách Việt Nam thắp hương trước mộ cụ Trần Đông Phong. |
Được biết trong ngôi mộ này, ngoài di cốt của chí sĩ Trần Đông Phong còn có 1/3 di cốt của Hoàng thân Cường Để. Chúng ta đều biết, sau khi bị Chính phủ Nhật trục xuất, Cường Để hết hoạt động ở Trung Quốc đến Xiêm, năm 1915 trở lại Nhật Bản. Tại đây, Cường Để đã kết hôn với An-dô Si-gây-u-ki, con gái nuôi của Thiên hoàng Chiêu Hòa. Ngày 6-4-1951, Hoàng thân Cường Để mất, hưởng dương 69 tuổi. Theo Di chúc của ông, di cốt ông được chia làm 3 phần: một phần dành cho Tòa thánh Cao Đài, Tây Ninh vì đã tích cực ủng hộ ông, một phần đưa về Huế để được quây quần bên tổ tiên nhà Nguyễn và phần còn lại táng chung trong mộ Trần Đông Phong. Vì thế, năm 1954, một phần di cốt của ông được người Nhật trao cho Giáo chủ đạo Cao Đài là Hộ pháp Phạm Công Tắc đưa về Tòa thánh Tây Ninh. Năm 1957, phần thứ hai di cốt ông được hồi hương.
Ngôi mộ Trần Đông Phong cùng với 1/3 di cốt của Kỳ Ngoại hầu Cường Để dù nằm chung trong khuôn viên nghĩa trang của người Nhật, xung quanh là những người đã mất và những người đang sinh sống hiện nay, nhưng không cô quạnh nơi đất khách quê người. Người Nhật vẫn hương khói cho ông và đặc biệt người Việt Nam sinh sống, học tập, công tác và qua lại Tô-ki-ô đều đến trước ngôi mộ ông thắp nén hương thơm, suy ngẫm về cái chết của ông và định hướng cho những hành động của mình. Định hướng đó là người Việt, dù sống ở góc biển chân trời nào, dù ăn cơm Tây, cơm Tàu, cơm Nhật, đều gắng sức phấn đấu làm rạng danh cho đất nước, trước hết phải biết tự xấu hổ, biết thẹn với lòng mình như Trần Đông Phong xưa.
PGS, TS PHẠM XANH