 |
Đội viên thiếu niên tiền phong Trung Quốc nhờ Bác Hồ chuyển thư tới các bạn nhỏ Việt Nam, 1957. Ảnh lần đầu công bố tại Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc”. (Ảnh chụp lại) |
Tấm gương đạo đức trong sáng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn thể dân tộc ta và nhân loại tiến bộ tôn vinh, ngưỡng mộ. Hội thảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Viện Hồ Chí Minh và Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, bên cạnh việc làm rõ, sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã bàn đến một vấn đề đang được dư luận quan tâm: “Làm thế nào để mọi người trong xã hội không chỉ ngưỡng mộ mà phấn đấu, tu dưỡng theo chuẩn mực đạo đức của Người”. Chúng tôi xin tổng thuật một số ý kiến tâm huyết trong hội thảo nói trên.
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Là một hội thảo khoa học - thực tiễn, các đại biểu được mời phần đông đều là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đã thành danh, nhưng điều đặc biệt tại hội thảo này là đại biểu nào cũng yêu thơ, đọc thơ. Tình cảm đặc biệt của những người làm công tác khoa học dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp nhau ở một điểm, đã được hun đúc thành câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn. Chính tình cảm ấy đã khiến cho không khí hội thảo vừa tranh luận quyết liệt, đầy tính thực tiễn, vừa ấm áp, đoàn kết, cùng quyết tâm tìm ra những biện pháp tốt nhất nhằm góp phần đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào hiệu quả, thiết thực.
Từ sau Đại hội VII đến nay, hàng trăm công trình, đề tài nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được xuất bản. Hàng nghìn, hàng vạn bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố trên báo chí. Trong mười mấy năm qua, các cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh đã có hàng triệu, hàng chục triệu người tham gia; nhiều bài giảng, giáo trình về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được biên soạn và đưa vào các trường, lớp, sinh hoạt của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhưng thực tế chuyển biến trong hành vi đạo đức, trong đời sống đạo đức của Đảng và của xã hội lại không nhiều. Vì vậy, hội thảo lần này đã nghiêm túc đặt vấn đề xem lại cả việc học và việc thực hành đạo đức trong thời gian qua để chỉnh đốn lại theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Giáo sư (GS) Đặng Xuân Kỳ (Hội đồng Lý luận Trung ương), trong bản tham luận tại hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi nóng hổi tính thời sự: “Phải chăng, trong lĩnh vực đạo đức, đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có tình trạng học nhiều nhưng hành ít; những hiện tượng quay cóp trong thi cử, chép lại những đáp án sẵn có để được biểu dương, lĩnh thưởng trong các cuộc thi tìm hiểu về Hồ Chí Minh; đăng đàn dạy dỗ thiên hạ chuyện đạo đức, nhưng vẫn luồn lách, chạy chọt về chức, quyền, danh, lợi...”.
Theo GS Đặng Xuân Kỳ, một điểm yếu cần khắc phục nhất hiện nay là: “Có một dạng tham nhũng rất cần được vạch mặt, chỉ tên, đó là tham nhũng về quyền lực, danh tiếng, chức vị. Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến dạng tham nhũng này: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị”. Vì vậy, trong cuộc sống đã diễn ra tình trạng chạy chọt, mua quan bán chức; trong bộ máy vẫn có những kẻ “tài bất xứng kỳ chức, đức bất xứng kỳ vị” nhưng không muốn nhường cho người khác xứng đáng hơn...”.
Cùng mối quan tâm và góc nhìn thực tiễn như GS Đặng Xuân Kỳ, PGS-TS Nguyễn Khánh Bật (Học viện Chính trị Quốc gia) đã công phu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chống bệnh quan liêu. Ông cho biết, có đến 5% số bài viết của Bác Hồ nhắc đến nạn quan liêu. Khi biết về nạn quan liêu ở ngành than, Người viết rất hóm hỉnh: Than ôi: Cán bộ lãnh đạo nhà ta/Quan liêu đến thế, thật là quan liêu... Từ đó, PGS-TS Nguyễn Khánh Bật cho rằng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta phải tích cực chống bệnh quan liêu, vì nền tảng của Đảng ta là mối liên hệ và sự gắn bó với nhân dân. Không xác lập được mối quan hệ thân thiết với dân, quan liêu xa dân thì nhất định sẽ thất bại.
Trong 56 bản tham luận gửi đến hội thảo, tác giả nào cũng đề cập đến tình trạng suy thoái về đạo đức trong xã hội hiện nay; nhưng toát lên từ 56 bản tham luận ấy vẫn là niềm tin, rằng dân tộc ta đã sinh ra Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người sẽ là ngọn hải đăng soi đường để chúng ta xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Việc này khó, nhưng không phải là không làm được, như cách đặt vấn đề của GS Đặng Xuân Kỳ: “Nếu mỗi ngày, mỗi người cố gắng làm một việc tốt trong nhiệm vụ được giao, khắc phục được một điểm yếu nào đó về đạo đức trong bản thân mình, và mỗi tổ chức Đảng, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị cũng làm như vậy, các cấp lãnh đạo lại gương mẫu đi đầu và lãnh đạo chặt chẽ, chắc chắn cuộc vận động sẽ đạt kết quả cao, tạo được chuyển biến thực sự trong đời sống đạo đức của Đảng và toàn xã hội”.
Chủ trương một, biện pháp mười
“Chủ trương một, biện pháp phải mười” là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các tổ chức Đảng. Thực hiện lời dạy đó, tại hội thảo lần này, các đại biểu cùng đề cao việc tìm ra các hình thức, biện pháp để cuộc vận động trở nên thiết thực, gần gũi hơn. Một trong những nỗ lực tìm kiếm đó là việc tìm ra “công thức” tu dưỡng đạo đức cho mỗi cá nhân. Đồng chí Nguyễn Huy Hoan, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá rằng: “Trong rèn luyện đạo đức, Bác Hồ đặc biệt coi trọng vấn đề tự tu dưỡng và Người luôn cho rằng, ai cũng có cái hay, cái dở, vấn đề là phải phát huy cái hay, loại trừ cái dở. Việc đó khó khăn như việc giã gạo: Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công. Đồng chí cho rằng: “Nay ta học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không có nghĩa học máy móc và hình thức. Không phải bắt chước Bác mặc ka-ki, đi dép lốp mà phải học tinh thần đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là học tinh thần yêu nước, thương dân”.
GS-TS Phan Ngọc Liên (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) đã phân tích một cách sâu sắc rằng: “Ai cũng nhận thấy hậu quả của việc suy thoái đạo đức, nhưng tình trạng đó vẫn tồn tại và diễn biến càng nặng nề, lan rộng hơn. Ai cũng răn đe, phê phán nhưng chưa nhìn thẳng, nói rõ, nói đúng hiện trạng ở đơn vị, cơ quan, bản thân mình. Có lẽ, vì quyền lợi ích kỷ ràng buộc nhau, tinh thần đấu tranh không thẳng thắn, xoa dịu, bao che cho nhau. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì cuộc vận động này chỉ thực hiện một cách hình thức, tốn công sức, tiền của, thì giờ...”. Trao đổi với một số quan điểm cho rằng, trong điều kiện phức tạp hiện nay, cần chú trọng việc nêu gương điển hình, những mặt trái, mặt tiêu cực không nên tuyên truyền nhiều trên báo chí, GS-TS Phan Ngọc Liên đã thẳng thắn: “Việc giáo dục, biểu dương mặt tốt, mặt tích cực là chủ yếu, nhưng chỉ có hiệu quả cao khi việc đấu tranh, trừng phạt những mặt xấu, những kẻ phạm pháp được tiến hành công minh, kiên quyết”.
Đồng ý với quan điểm này, PGS-TS Phạm Hồng Chương (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) cho biết: “Việc làm đầu tiên của Viện trong cuộc vận động này không phải là triển khai, nâng cao chất lượng các đề tài mà trước hết là xây dựng những cán bộ nghiên cứu có đạo đức tốt, xứng đáng là người nghiên cứu đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh các ý kiến đều tập trung vào các biện pháp tu dưỡng đạo đức cho mỗi cá nhân, PGS-TS Lê Văn Tích (Học viện Chính trị Quốc gia) kiến nghị: “Hiện đã có Ban Chỉ đạo cuộc vận động (từ cấp Trung ương đến các địa phương) nhưng chưa có kế hoạch cho cả nhiệm kỳ. Cần có hướng dẫn để các địa phương, ngành lồng ghép nội dung học tập với phong trào cách mạng của Đảng. Cần chỉ rõ tính pháp lý, yêu cầu bắt buộc mọi người phải hưởng ứng chứ không nên quan niệm cuộc vận động thì có thể hưởng ứng hoặc không. Những nhiệm vụ như chống tham nhũng, cần, kiệm, liêm chính là nghĩa vụ của mỗi công dân”.
HỒNG HẢI