Trong trận chiến 108 ngày đêm bên sông Cửa Việt, đơn vị ông đã có nhiều trận đánh xuất sắc, trong đó, ngày 6-5-1968 xóa sổ cơ bản Đại đội A, Tiểu đoàn 3/21, Lữ đoàn 197 của Mỹ. Gần 50 năm sau, có một CCB Mỹ của đại đội này đã tìm đến gặp ông...
Giữa tiết trời Xuân Bính Thân, thành phố Nha Trang lồng lộng gió biển thổi và ánh nắng vàng dịu. Đây đó, những cây mai hoa vàng rực bên đường phố. Neil Hanman dạo bước hít thở không khí trong lành, mát rượi. Khung cảnh nơi đây thật thanh bình. Đã gần 50 năm trôi qua, Neil Hanman luôn nghĩ về Việt Nam, về mảnh đất Quảng Trị và những người dân hiền lành, lam lũ, nơi đạn bom luôn bị cày xới trong trận chiến mà ông không hề mong muốn. Neil muốn tìm về Quảng Trị, muốn gặp lại người chỉ huy trận đánh ngày 6-5-1968, đã để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người lính Mỹ như ông, họ muốn cố quên đi mà không được.
Cựu chiến binh Trần Văn Thà và Neil Hanman tại Lễ trao kỷ vật trong chiến tranh giữa CCB Trần Văn Thà và gia đình CCB Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Dừng chân trước căn nhà số 62, Phù Đổng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Neil Hanman và một người bạn Mỹ mang theo nhiều kỷ vật của cuộc chiến cách đây gần 50 năm. Chưa kịp bấm chuông thì chủ nhà, ông Trần Văn Thà đã mở cửa tươi cười bước ra. Cả hai đều chưa biết mặt nhau nhưng những cái bắt tay tự nhiên, thật chặt như chưa hề có cuộc chiến tranh cách đây gần 50 năm. Ông Thà chủ động hỏi Neil Hanman: “Trận chiến ngày 6-5-1968, ông đang ở đâu?”. Neil Hanman lục trong cuốn album, lật giở từng trang cho ông Thà xem và hồi tưởng lại: “Tôi cùng 3 tân binh may mắn núp dưới lùm cây, khi thấy các ông, chúng tôi lo sợ không dám thở mạnh. Khi chiến sự yên ắng mới dám chạy thục mạng về căn cứ. Trên đường bị phát hiện, có vài người nổ súng theo nhưng may không ai bị sao cả”.
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Thà cho biết: “Kể từ ngày 20-1-1968 đến 6-5-1968, tính tròn 108 ngày, với 198 trận đánh, Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 270) thực hiện nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Mặt trận B5 - Đường 9 Quảng Trị: Ngăn chặn quân Mỹ tiếp tế từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà; tiêu diệt các cánh quân Mỹ ra giải tỏa, giữ vững trận địa bắc sông Hiếu-Cửa Việt. Trận đánh ngày 6-5-1968, Tiểu đoàn 47 đã bày sẵn thế trận, đưa Tiểu đoàn 3/21 của Trung tá Sneider (Lữ đoàn 197) vào cánh đồng khô tại thôn Nhĩ Trung, xã Gio Mỹ (nay là xã Gio Thành). Khoảng 10 giờ, quân Mỹ xuất hiện sau xe thiết giáp trên cánh đồng, tiếng kèn đồng hùng tráng thổi lên và một trận đánh giáp lá cà diễn ra như phim ảnh. Toàn bộ đội hình Đại đội A bị băm nát, cơ bản bị xóa sổ trước sự tấn công dũng mãnh của những người lính Việt cộng. Tiểu đoàn 47 đã bắt sống một lính Mỹ tên là Bid Beid, người này khai là Trung úy, còn một người lính Mỹ sợ hãi vứt súng chạy trốn trong bụi cây dưới sông Đào “Kênh Hồm”. Thấy vậy, anh em giương súng định bắn thì ông ngăn lại. Ông bảo: Nó đã sợ ta, vứt súng bỏ chạy, chỉ còn hai bàn tay trắng thì nên cho nó một cơ hội sống. Vì thế, người lính ấy thoát chết. Tiểu đoàn thu dọn chiến trường, đeo lại thẻ bài cho lính Mỹ đã chết. Riêng ông, thấy trên cổ của một sĩ quan Mỹ có thẻ bài mang tên William Kimbod có cán dao cạo râu rơi ra, ông cầm lấy và nghĩ có một ngày nào đó, ông sẽ trao lại kỷ vật này cho gia đình William Kimbod. Nghe đến đây, Neil Hanman ôm chặt lấy ông Thà, vẻ mặt xúc động: Người lính vứt súng chạy trốn trong bụi cây đó tên là Denad. Sáng 7-5-1968, anh ta chạy về cứ nằm ngoài hàng rào thép gai kêu cứu, tôi là người mở cửa đón anh ta. Lúc đó, vẻ mặt Denad đầy hoảng loạn. Ông Thà lại hỏi: “Vì sao đêm 6-5 các ông không ra lấy xác đồng đội? Mãi đến 9 giờ sáng 7-5 trời nắng nóng, xác đã bốc mùi các ông mới ra?”. Neil Hanman bảo, chúng tôi muốn ra lắm nhưng chỉ huy tiểu đoàn bảo lính Việt cộng còn ở ngoài đó nên không cho đi. Ông Thà tươi cười kể lại với Neil Hanman, xác lính các ông bốc mùi, chúng tôi phải dãn đội hình ra khoảng 300-400m. Tuy trong tầm bắn khống chế nhưng tôi nói anh em không bắn, để các ông bỏ xác vào túi ni-lông đưa về Mỹ kẻo bị thối rữa. Ông Thà đưa cán dao cạo râu của William Kimbod ra rồi nói với Neil Hanman: “Đây là cán dao của William Kimbod, tôi giữ nó đã 47 năm. Sau cuộc gặp này, ông hãy cố tìm cho được gia đình Kimbod, nói tôi gửi lời chia buồn và nếu gia đình cần kỷ vật quý này thì tôi sẽ trao lại”. Neil Hanman ôm lấy ông Thà và thú thật: “Tất cả đối với tôi như cơn ác mộng. Khi còn là học sinh high school (cấp 3 ở Việt Nam-PV), tôi đã bị bắt đi lính. Chúng tôi ra chiến trường vì mệnh lệnh chứ không phải vì lý tưởng như các ông. Khi nhìn thấy những chiếc máy bay bị cháy rơi xuống đất, xác người nằm la liệt, tinh thần chúng tôi xuống dốc kinh khủng”.
Neil Hanman cho biết, trong một cuộc chiến, trên đường về căn cứ, Neil bắt gặp một phụ nữ Việt Nam bị thương rất nặng ở chân, Neil đã cõng cô gái đó về căn cứ để chữa. Mọi người cho là Neil bị khùng, nhưng vẫn để mặc Neil cứu giúp. Năm 2010, Neil sang Việt Nam, về lại Gio Linh và tìm đến cô gái năm xưa có tên là Phan Thị Sơn. Thấy cô sống với người mẹ già trong căn nhà lụp xụp, cuộc sống lam lũ, còn nhiều vất vả, Neil đã giúp gia đình cô xây một căn nhà mới. Khoảng năm 2014, cô Sơn qua đời, vì thế, Neil hứa sẽ giúp đỡ bà mẹ cô Sơn đến hết đời. Neil nói: “Chiến tranh luôn là điều không tốt và không ai muốn. Tôi muốn tìm về chiến trường xưa để gặp lại những người dân Việt Nam dễ mến. Bằng tình cảm chân thành của mình, tôi hy vọng góp một phần nhỏ vào việc chữa lành vết thương chiến tranh mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam”.
Còn ông Thà, sau những năm tháng trong quân ngũ cầm súng đánh giặc, năm 1983 trở về đời thường, ông tìm tòi, học hỏi làm xà phòng, dầu gan cá đến thuốc chống nhức mỏi chế biến từ rắn biển để kiếm tiền nuôi gia đình. Với đam mê làm lương y chữa bệnh và đã từng cứu chữa nhiều đồng đội bằng thuốc nam trong chiến tranh, ông học thêm kiến thức về y học dân tộc. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi và sưu tầm các bài thuốc gia truyền của các lương y xa gần, ông có nhiều bài thuốc quý và đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều người là đồng đội cũ. Điều đáng quý ở ông là chữa bệnh từ thiện, ông không lấy tiền của bất cứ ai.
Từ năm 2008 trở lại đây, ông làm việc ở Phòng khám Đa khoa của Hội CCB và Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Khánh Hòa. Mỗi tuần, ông dành 3 ngày khám, cấp thuốc miễn phí với tất cả các CCB không có chế độ và thân nhân của họ cùng các hộ nghèo có giấy chứng nhận của địa phương. Nhiều người trong số họ đã khỏi bệnh hoặc bệnh thuyên giảm nên họ vô cùng biết ơn tấm lòng của một lương y, CCB đức độ, hiền lành, vui vẻ, luôn làm việc hết mình.
Ông Thà luôn đau đáu nỗi niềm về những người đồng đội đã ngã xuống mà người thân của họ chưa tìm được hài cốt. Từ năm 1994, ông đi tìm hài cốt đồng đội bằng nghĩa tình, sức lực và bằng chính đồng lương ít ỏi của mình. Hài cốt liệt sĩ-nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, là liệt sĩ thứ 125 mà ông tìm được.
Neil Hanman nhận sẽ gửi lời chia buồn của ông Thà tới gia đình William Kimbod và nếu có thể, sẽ nhận kỷ vật quý-chiếc dao cạo, để đưa tới gia đình Kimbod. Trong vòng tay của hai con người vốn trước đây là hai bên chiến tuyến, Neil Hanman đã trao tặng ông Thà một cuốn sách do người Mỹ viết về cuộc chiến ở Quảng Trị (Việt Nam) với dòng chữ ghi tặng bằng tiếng Anh: Người chiến sĩ dũng cảm, một kẻ thù đáng kính ngày xưa và người bạn đáng quý hôm nay.
Đầu năm 2016, ông Thà nhận được bức thư của Dan Unkel, nhân viên cảnh sát Hoa Kỳ, Dan Unkel gọi bà Mercdith - vợ của William Kimbod là dì. Trong thư, Dan Unkel cho biết, dì Mercdith kết hôn với William Kimbod được gần 2 năm thì Kimbod qua đời vào ngày 6-5-1968, sau này, Mercdith cũng không kết hôn với người khác. Bức thư có đoạn: “Khi biết cuộc gặp gỡ giữa bác Neil với ông, cảm xúc của dì lẫn lộn. Tôi có thể thấy trong mắt dì dấy lên sự phấn khởi vui sướng vì một thứ gì đó của chú vẫn còn được lưu giữ ở ngoài kia, nhưng tôi cũng thấy trong mắt dì chứa đựng một nỗi buồn vô tận rằng chú đã ra đi mãi mãi, không có ai bên cạnh dì để chia sẻ cuộc sống này. Tôi chắc chắn rằng, ông cũng đã mất nhiều người bạn, người thân trong cuộc chiến tranh. Tôi thật sự rất hạnh phúc khi biết được chiếc dao cạo của chú tôi đã được ông giữ lại và bảo quản... Tôi xin chân thành cảm ơn ông, vì ông đã giữ nó cẩn thận trong suốt nhiều năm qua. Một lần nữa, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông, vì ông đã hiểu rõ tầm quan trọng của chiếc dao cạo này đối với gia đình của chúng tôi”. Ngày 26-3-2016, Hội CCB tỉnh Khánh Hòa đã làm Lễ trao kỷ vật trong chiến tranh giữa CCB Trần Văn Thà và gia đình CCB Mỹ. Như vậy, sau gần nửa thế kỷ, chiếc dao cạo của William Kimbod đã trở về với gia đình, một kỷ vật vô giá đối với gia đình Kimbod nhờ tấm lòng nhân văn của những người lính Cụ Hồ.
Chia tay buổi gặp gỡ, CCB Trần Văn Thà và Neil Hanman tươi cười ôm nhau tạm biệt. Ông Thà vui vẻ nói với Neil: Chiến tranh kết thúc đã lâu, chúng ta cũng nên tha thứ cho nhau. Các ông ra trận chỉ vì cấp trên bắt buộc, thật ra đáng thương hơn là đáng trách. Tôi không muốn nhắc lại cuộc chiến ác liệt, mà chỉ muốn sự đối xử nhân đạo giữa những con người với nhau. Hôm nay, chúng ta đã là những người bạn.
Ghi chép của QUANG KHANG - QUÝ HOÀNG