Tấm bia kỷ niệm với dòng chữ “Để tưởng nhớ những người anh hùng và những người tuẫn tiết vì cuộc kháng chiến đã bị bọn Quốc xã xử bắn”, trên đó có khắc tên Huỳnh Khương An.

Cách đây 66 năm-năm1941-một người Việt Nam đã ngã xuống bên cạnh các đồng đội người Pháp trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Đó là anh Huỳnh Khương An. Theo tư liệu mới phát hiện cho biết, Huỳnh Khương An là con một nhà giáo hiệu trưởng ở Sài Gòn, được gia đình cho sang Pháp học ở Ly-ông, sau đó tốt nghiệp cử nhân văn khoa Trường đại học Tu-lu. Huỳnh Khương An nối nghiệp của người cha, làm nghề dạy học ở Pháp, lấy vợ và đã có một con.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, Huỳnh Khương An đã tham gia cùng các bạn người Pháp kháng chiến chống bọn phát xít Đức. Ngày 18-6-1941 không may Huỳnh Khương An bị bắt, bị giam ở Phren-nít, sau đó chúng chuyển anh đến nhà giam ở trung tâm Ren-nơ, và cuối cùng đến Sa-ti-bri-an. Trong thời gian Huỳnh Khương An đang ở trong nhà giam thì vợ anh cũng bị bọn phát xít bắt và kết án tù khổ sai rồi đày đến trại tập trung Ra-ven-buốc (Ravensbruck) ở trên đất Đức.

Để trả thù cho vụ một tên đại tá Đức bị lực lượng kháng chiến hạ sát ngày 20-10-1941 ở Năng (Nantes), quân đội Đức chiếm đóng đã đem bắn 50 con tin đang bị giam giữ ở các nhà tù của Đức và chính phủ tay sai Pháp, trong số đó có 27 tù nhân ở trại giam Choi-sen vùng Brét-ta-nơ và cả Huỳnh Khương An là những chiến sĩ chống phát xít. Trước khi ra trường bắn, một buổi sáng, anh đã kịp viết vội một lá thư ngắn gửi cho vợ của anh đang bị giam giữ tại trại tập trung Ra-ven-buốc. Lá thư chỉ có mấy dòng, nhưng là những lời động viên chiến đấu: “Em yêu, hãy can đảm. Có lẽ đây là lần cuối cùng anh viết cho em... Em không phải xấu hổ vì anh. Em cần có rất nhiều dũng khí để sống, còn nhiều hơn anh để chết. Nhưng em phải sống, vì còn có đứa con yêu của chúng ta, đứa con mà em sẽ ôm chặt khi gặp lại. Giờ đây em cần phải sống với kỷ niệm về anh, về 5 năm hạnh phúc mà chúng ta đã sống bên nhau. Vĩnh biệt em yêu. An”.

Những người bạn tù còn sống sau này kể lại, hôm những người chiến sĩ chống phát xít bị bọn Đức đưa ra trường bắn, họ phải chen chúc trên xe tải, nhưng hát vang các bài Mác-xây-e (La Marseillaise) và “Bài ca lên đường” khi ra trường bắn. Anh Huỳnh Khương An không phải là cá biệt, vì còn nhiều người Việt Nam khác cũng đã ngã xuống bên cạnh các đồng đội Pháp trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Nhưng gần đây, tên tuổi của Huỳnh Khương An mới được tìm thấy và đã được khắc trên một tấm bia kỷ niệm của những người ở Sa-tiu-bri-an: “Để tưởng nhớ những người anh hùng và những người tuẫn tiết vì cuộc kháng chiến đã bị bọn Quốc xã xử bắn” ngày 20-10-1941, bên cạnh các bạn đồng đội người Pháp kháng chiến như Guy Moóc-quết 17 tuổi, Mắc Bo-hi là một thầy giáo, Giăng Pi-e Tim-búc hoạt động trong tổ chức công đoàn...

Theo Passions Vietnam, 10-2001