Trong giới mĩ thuật nước nhà, hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ (Đức Dụ) có hoa tay vẽ từ thủa học trò rồi càng về sau càng là người nổi tiếng. Ông sinh năm 1946, quê ở xã Đông Quan, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ tháng 9-1965. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông hành quân theo đội hình vào Trường Sơn, làm lính đơn vị bảo đảm cầu đường trên tuyến vận tải chiến lược 559.
 |
Họa sĩ Đức Dụ. |
Hằng ngày, ông cùng tập thể đại đội thuộc Tiểu đoàn 5 công binh vác cuốc, xẻng, đội bom đạn mở tuyến đường 20 Quyết Thắng từ Tây Quảng Bình sang đất bạn Lào. Đức Dụ có mặt những trọng điểm khốc liệt như Cua Chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la- nhích, A-tô-pơ, Vang Mu,… mà ở đó “hố bom dày như lỗ hà ăn chân” (Phạm Tiến Duật). Trong ba lô dã chiến, ông luôn cõng theo xấp giấy và cây bút vẽ bên mình. Những giây phút nghỉ giải lao, ông hí hoáy kí họa con đường đang mở, cảnh núi rừng thẳm sâu và những gương mặt bộ đội phá đá, chặt cây, san lấp hố bom. Nhiều chiến sĩ công binh, lái xe, pháo cao xạ, cứu thương, nuôi quân trên tuyến lửa được ông phác họa chân dung, cuộn tròn lưu giữ. Ông tìm kiếm các ống pháo sáng gia công thành hộp tròn để bảo quản tranh.
Ông vẽ rồi căng dây treo tranh quanh lán trại, dưới tán rừng cho đồng đội xem như để tri ân những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong ngày đêm hi sinh quên mình cho con đường chiến lược. Một hôm, có vị cán bộ Tuyên huấn xuống bắt gặp những kí họa của Đức Dụ liền đề nghị cấp trên điều người lính trẻ này rời cuốc xẻng lên Bộ Tư lệnh chỉ để vẽ tranh. Thế là từ năm 1968 ông trở thành cây vẽ chuyên nghiệp trên tuyến lửa, là đồng nghiệp của các họa sĩ nổi tiếng Hoàng Đình Tài, Minh Đỉnh, sát cánh cùng các nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu,… sống và chết với Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Ông đam mê đi và vẽ, nhiều ngày cõng theo chiếc máy in rô-nê-ô cả chục ki-lô-gam, công cụ in bản tin Binh trạm đi khắp các đơn vị chỉ đễ vẽ, rồi những kí họa chiến trường của Đức Dụ treo nhiều lần từ cấp đại đội đến Bộ Tư lệnh Mặt trận, được đông đảo cán bộ, chiến sĩ xem, tấm tắc khen. Trưng bày ít ngày ông lại thu, cuộn cho vào ống pháo sáng. Có lần bị lũ cuốn trôi, ông nhoài theo dòng nước xoáy vớt cho bằng được số tranh đã vẽ cuộn trong 4 ống pháo sáng đến sững sờ. Từ năm 1968 đến 1973 (trước khi được Lãnh đạo cử ra Hà Nội học Đại học Mĩ thuật) Đức Dụ có hơn 400 bức kí họa màu nước, mực nho, bút sắt về tuyến đường “đi không dấu, nấu không khói” và khắc họa những người lính vận tải trên tuyến đường máu lửa. Trong một số triển lãm mĩ thuật thời đó, nhiều tác phẩm “từ miền Nam gửi ra” của Đức Dụ được Hội Mĩ thuật Việt Nam và Quân đội trưng bày trở thành tư liệu quý của nghệ thuật tạo hình trong thời kì kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Về hậu phương đi học, ông bỏ lại đơn vị nhiều thứ nhưng toàn bộ số tranh thì đem ra được hết.
 |
Đường 9 - Tranh màu nước 1971 |
 |
Trọng điểm Khe Tang mùa khô 1971- Sơn dầu 140x 160 cm. |
Những năm 1973-1978, Đức Dụ vừa học vừa tiếp tục vẽ nâng cao. Công việc hàng đầu của ông là dựng lại các bức kí họa chiến trường, nâng cấp trở thành tác phẩm thuộc thể loại sơn dầu. Ra trường, ông được điều về cơ quan cục Chính trị Tổng cục Hậu cần, trở thành họa sĩ chuyên nghiệp của quân đội. Từ đó cho đến khi về hưu, ông dành hầu hết thời gian, tiền bạc, trí tuệ để sáng tạo hơn 120 bức tranh sơn dầu cỡ vừa và khổ lớn, loại hình mĩ thuật chuyên ngành ông học ở trường đại học. Nhiều tác phẩm sơn dầu Đức Dụ để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem như các bức tranh Trọng điểm Vang Mu, Trạm giao liên Trường Sơn, Đỉnh đèo The Mé, Đồng Lộc năm 1971, Vượt ngầm, Vượt Cổng trời, Chuẩn bị xuất kích, Cụm trọng điểm ATM mùa khô 1970, Con mắt trọng điểm,…Những cuộc triển lãm có quy mô khác nhau ông đều triển khai từ nỗ lực cá nhân. Năm 1984, Đức Dụ tham gia triển lãm tranh Đường Hồ Chí Minh được đánh giá cao. Năm 1993, mở riêng phòng tranh về tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, ông khẳng định tài năng và độ chín nghệ thuật tranh sơn dầu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem có lưu bút ghi:” Những bức kí họa, những tấm tranh đầy sinh lực và dũng khí chiến đấu của các chiến sĩ Trường Sơn. Phòng triển lãm đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc ta”. Gần ba thập kỉ qua, ông tự đứng ra tổ chức riêng 22 cuộc triển lãm mĩ thuật cá nhân ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Lần đưa tranh về Quảng Ninh trưng bày ông phải bán chiếc xe đạp, chiếc đồng hồ đeo tay lấy tiền thuê xe vận chuyển tranh. Qua tác phẩm, chất lính, chất nghệ sĩ Đức Dụ hòa quyện, thấm đẫm trong con người và nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân rõ nét.
 |
Bãi xe tiểu đoàn 52- Kí họa bút sắt |
Lần này, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, họa sĩ Đức Dụ được Tổng cục Chính trị cho phép mở triển làm tranh sơn dầu mang chủ đề “Còn lại với Trường Sơn” trong một không gian khá rộng, khai mạc ngày 27-4-2021 (kéo dài nửa tháng), một hoạt động chào mừng lần thứ 46 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2021) và kỉ niệm những ngày truyền thống: Bộ đội Trường Sơn (19-5), Cục Vận tải (18-6), Tổng cục Hậu cần (11-7), 70 năm ngành Chính trị Hậu cần (1-9)… Một lần nữa, họa sĩ Đức Dụ có dịp tiếp tục thăng hoa tài năng, thể hiện tâm huyết, niềm đam mê nghệ thuật hội họa của anh "Bộ đội Cụ Hồ”.
Hiện nay, ông sở hữu hơn 400 bức kí họa và khoảng 120 bức tranh sơn dầu, dấu ấn nổi bật trong cả cuộc đời đánh đổi với sự nghiệp hội họa mà cảm xúc mạnh mẽ nhất của họa sĩ Đức Dụ vẫn là đề tài con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những người lính Trường Sơn thủa ấy. Nếu trưng bày toàn bộ ra, cần một không gian 3.000 mét vuông mới đủ. Gần đây, được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ, di sản của họa sĩ Đức Dụ được bảo quản nghiêm ngặt trong một nhà kho đủ tiêu chuẩn, có khả năng quản lí, lưu giữ tranh an toàn cho lâu dài.
Bài, ảnh: KIM QUỐC HOA