QĐND - Vừa qua, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 4004/QĐ-BQP tặng thưởng bằng khen cho Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp, Báo Biên phòng thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Anh hiện là học viên do Đoàn 871 (Tổng cục Chính trị) quản lý, đang học tập tại Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu nước Cộng hòa Niu Di-lân.
Qua Đoàn 871 và bạn đồng nghiệp ở Báo Biên phòng chúng tôi được biết, Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp là phóng viên Ban Thư ký Tòa soạn thuộc Báo Biên phòng. Vũ Văn Hiệp sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Quá trình công tác, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều lần được cấp trên khen thưởng. Đầu năm 2013, Vũ Văn Hiệp được cử sang học tập tại Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu (một cơ sở đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu chiến dịch) thuộc Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Niu Di-lân theo chương trình hợp tác quốc phòng song phương.
Theo báo cáo của Đoàn 871 (Tổng cục Chính trị), trong thời gian học tập tại trường, Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp đã phát hiện tấm bản đồ thế giới được treo tại phòng thảo luận của Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu nước Cộng hòa Niu Di-lân, có lỗi sai đặc biệt nghiêm trọng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cụ thể phía dưới quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) ghi chữ “China” chỉ chủ quyền quần đảo là của Trung Quốc.
 |
Đại úy Vũ Văn Hiệp (bên phải) trong một giờ học tại Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu Niu Di-lân. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhận thấy sự tồn tại của tấm bản đồ mắc lỗi này là vô lý, ngay lập tức Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp đã viết thư kèm theo những dẫn chứng lịch sử, khoa học để chứng minh lỗi sai đặc biệt nghiêm trọng của tấm bản đồ, khẳng định rõ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa gửi ông hiệu trưởng và cán bộ phụ trách cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu nước Cộng hòa Niu Di-lân. Trong thư gửi ông hiệu trưởng, Vũ Văn Hiệp nhấn mạnh, sai sót đó có thể khiến cho người xem bản đồ hiểu nhầm về chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mặt khác, việc sử dụng bản đồ với những sai sót này là điều không công bằng và sẽ dẫn đến những tranh cãi không cần thiết giữa các sinh viên… Viết thư lần một chưa thấy hồi âm, Đại úy Vũ Văn Hiệp viết tiếp bức thư thứ hai cùng với một số bằng chứng chứng minh rằng, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (US National Geographic Society) - tổ chức xuất bản tấm bản đồ nói trên cũng đã thừa nhận sai sót và đã sửa chữa… Tiếp thu ý kiến của Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp, lãnh đạo Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu nước Cộng hòa Niu Di-lân đã cho gỡ bỏ tấm bản đồ nói trên.
Chia sẻ qua mạng với đồng nghiệp tại Báo Biên phòng, Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp khiêm tốn cho rằng: "Không chỉ riêng anh mà bất cứ ai là người Việt Nam gặp hoàn cảnh ấy thì cũng hành động như vậy...". Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ khác, gặp những sự việc đó ai cũng có thể bất bình nhưng không phải ai cũng có đủ trình độ, kiến thức và sự nhạy bén chính trị để có biện pháp ứng xử phù hợp. Điều mà Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp muốn chia sẻ, nhắn nhủ với mọi người, nhất là các bạn trẻ đang học tập, làm việc ở nước ngoài là: Một số bản đồ do nước ngoài xuất bản có sai sót trong chú thích chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lỗi của nhà sản xuất, nhưng việc sử dụng rộng rãi các loại bản đồ trên sẽ rất bất lợi đối với nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung và quần đảo này nói riêng. Người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới cần cảnh giác, tỉnh táo kịp thời phát hiện ra những sai sót đó để đề nghị hủy bỏ...
Dư luận đồng tình với suy nghĩ của Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp. Hiện nay, còn nhiều loại bản đồ chứa sai sót như trên đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng cần cảnh giác để kịp thời phát hiện các loại bản đồ chứa đựng những thông tin sai sự thật về chủ quyền biển, đảo nước nhà nói chung và chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Hành động của Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, thật đáng quý và đáng trân trọng. Hành động ấy đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của một công dân Việt Nam yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện bản lĩnh, sự nhạy bén của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bằng việc làm đó, Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp đã thể hiện lòng tự tôn dân tộc, góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Từ việc làm của Đại úy, nhà báo Vũ Văn Hiệp có thể thấy rằng, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc không phải là những gì to tát, dù chỉ là những việc làm nhỏ, giản dị nhưng mỗi người dân Việt Nam đều có thể góp thêm tiếng nói, dẫn thêm một bằng chứng để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói chung và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng.
AN QUỐC và CTV