QĐND - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân là cây đại thụ của nền giáo dục nước ta. Và, thật hiếm có, khi cả 8 người con của giáo sư hầu hết đều có học hàm, học vị cao, là giảng viên các trường đại học, nhiều người là những nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia đầu ngành có tên tuổi. 7 năm sau ngày “cuốn từ điển sống” Nguyễn Lân đi xa, những câu chuyện, kỷ niệm xúc động về ông vẫn sống động trong ký ức của những người con...

Người cha mẫu mực, nhà giáo liêm khiết

Vợ chồng Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân

Giáo sư Nguyễn Lân là một người thầy mẫu mực. Ông cực ghét thói tham lam, dối trá. PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, con trai thứ 4 của giáo sư Lân, nhớ lại: “Một hôm, về nhà thăm cụ, tôi thấy cụ cứ đi đi lại lại trong phòng, rồi quay lại đột ngột hỏi tôi:

- Cường, sao chúng nó lại tham nhũng tới một tấn xi măng? (hóa ra cụ mới biết tin này qua truyền hình).

Tôi trả lời:

- Ba ơi! Chúng nó tham nhũng tới hàng trăm tấn, chứ đâu phải chỉ có một tấn. Nhưng việc ấy đã có nhà nước, pháp luật lo. Ba không phải bận tâm.

Hôm ấy, ba tôi buồn lắm. Không buồn sao được khi cả đời cụ đã sống giản dị, thanh bạch”.

PGS Nguyễn Lân Cường còn kể, hồi mới đi kháng chiến chống Pháp, nhận trách nhiệm làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10, Nhà nước giao cho giáo sư Nguyễn Lân một số tiền lớn để về địa phương chi cho các trường, lo việc xây dựng trường lớp. Năm 1951, khi đi nhận nhiệm vụ mới, cụ đã hoàn lại toàn bộ số tiền thừa cùng các chứng từ chi tiêu (ghi tay) không thiếu một xu. Nên nhớ hồi đó, gia đình vị Giám đốc giáo dục Liên khu còn đang ở một cái nhà lá, trồng sắn trên vùng rừng núi chiến khu…

Là một nhà giáo nên ông đặc biệt quan tâm tới đạo đức học đường. Khi đọc báo biết tin một cô giáo phạt học sinh bằng hình thức… liếm ghế, ông bức xúc lắm. Còn một chuyện khác, giáo sư Nguyễn Lân có lần đã trải lòng với báo giới: “Tôi có nghe tin ở Vinh một sinh viên đã giết thầy. Ngay Hà Nội học sinh phổ thông đã dám giết cô giáo của mình. Thật đau xót. Tôi không thể hình dung được. Nhiều đêm sau đó tôi đã mất ngủ dù rằng bình thường tôi ăn ngủ rất điều độ. Những đêm đó tôi luôn băn khoăn tự hỏi: Vì sao đến nông nỗi ấy? Nguyên nhân từ đâu?”.

Cả một đời đau đáu với sự nghiệp “trồng người”, trong gia đình, giáo sư Nguyễn Lân còn là một người cha nhân hậu, yêu thương con hết mực. Các con giáo sư nhớ lại rằng, trong đời mình, chỉ duy nhất một lần ông đánh con. Đó là lần con trai cả Nguyễn Lân Tuất hồi nhỏ rất nghịch ngợm. Có lần anh đã cắt cụt tóc của chị người làm và bị cha đét cho mấy roi. Nhưng sau lần đó, ông không bao giờ đánh con nữa. Sau này khi các con đã có gia đình ông cũng khuyên không nên đánh bọn trẻ và giảng giải: “Đánh con, mạt sát con là thể hiện sự bất lực của mình và làm cho con cái không phục, phải khuyên nhủ cho chúng thấy được điều hay lẽ phải”.

Ông thường nhắc nhở, khuyên bảo, cả khi các con thành đạt và trưởng thành. Khi con trai thứ 7 là Nguyễn Lân Việt được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, ông nói: “Trường này đã được thành lập cách đây hơn 100 năm, mà hiệu trưởng trước kia là các giáo sư có uy tín lớn, như cụ Hồ Đắc Di chẳng hạn. Nay con còn rất trẻ mà Nhà nước đã tin cậy giao cho trọng trách này, ba thấy rất mừng vì đấy là vinh dự lớn cho gia đình ta, nhưng ba cũng rất lo, lo làm sao con làm được tròn bổn phận”.

Khi con trai Nguyễn Lân Cường được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) anh liền về “khoe” với ba. Giáo sư ôn tồn: “Cái khó nhất trong cách đối xử ở đời là phải biết mình đang đứng ở vị trí nào. Con đừng quên rằng, mỗi người giỏi lắm thì cũng chỉ đi sâu được một hai chuyên môn. Vì vậy phải luôn coi người khác là thầy của mình về những chuyên ngành khác”.

“Lời căn dặn ấy của ba tôi luôn là lời nhắc nhở anh em chúng tôi, nhưng không phải dễ gì thực hiện được lời cụ dạy”- PGS Cường tâm sự.

Tâm huyết vì sự trong sáng của tiếng Việt

Các con trai của giáo sư Nguyễn Lân. Ảnh do gia đình cung cấp

Lâu nay mọi người vẫn nghe lưu truyền câu chuyện, trong chiến tranh giáo sư Nguyễn Lân không chịu vào hầm dù máy bay Mỹ đã tới trên đầu, chỉ vì ngoài cửa đề chữ: Hầm “chú ẩn”. Hoặc từ chối vào “nhà vệ xinh” khi “nhu cầu đã rất cấp thiết”. Đó là những giai thoại nhưng nó cũng phần nào nói lên được sự đam mê và tấm lòng của nhà giáo Nguyễn Lân với tiếng Việt.

Ông có một lòng tự hào về tiếng Việt và nền văn chương Việt rất lớn. Cũng vì điều này mà ông đã có cuộc bút chiến với Thanh tra giáo dục Đông Dương để duy trì số giờ dạy về lịch sử và địa lý Việt Nam và đặc biệt là số phận của môn học tiếng Việt. Vì sự quyết liệt này mà Nguyễn Lân suýt nữa bị điều từ Hà Nội vào tận Cam Ranh.

Giữ gìn sự trong sáng và sức sống của tiếng Việt luôn là mối quan tâm trong suốt cuộc đời nhà giáo Nguyễn Lân. Ông đều đặn có những bài viết về vấn đề này. Ngoài giá trị học thuật của những đề xuất khoa học, những bài viết còn là sự kêu gọi, cảnh báo, không chỉ với riêng giới chuyên môn mà còn với tất cả mọi người. Có thể kể ra “Vài đề nghị về việc cải cách chữ quốc ngữ” (1948), “Vấn đề thống nhất cách phát âm tiếng Việt” (1956), “Vấn đề nguyên tắc chính tả” (1961), “Góp ý kiến xây dựng quy tắc viết hoa” (1963), “Vì sao tôi yêu tiếng Việt” (1975), “Hoàn thành thống nhất tiếng Việt” (1976), “Cần giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt” (1993), “Một số trở ngại trong sự thống nhất chính tả của ta” (1994)…

Một trong những công việc mà ông dành nhiều thời gian và công sức nhất cho đến tận lúc cuối đời là biên soạn các cuốn từ điển tiếng Việt. PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, con trai út của nhà giáo Nguyễn Lân nhớ lại: “Ba tôi viết từ điển từ khi tôi còn bé lắm. Đó là lúc ông cùng một số bạn bè viết các cuốn “Từ điển chính tả phổ thông” và “Từ điển tiếng Việt” đầu tiên của đất nước. Các ông rủ nhau ra tận bãi biển Rạng Đông hàng tháng trời để tập trung viết lách. Tuy còn bé, nhưng tôi cũng cảm nhận được và giờ đây còn nhớ như in cái không khí làm việc và học thuật của các ông. Gần một chục ông trần trùng trục, mỗi ông một góc từ tinh mơ đến tối mịt, say mê viết, hăng hái tranh luận, có lúc bất đồng, ấm ức, lầm lỳ, nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy, có lẽ cũng là vì các ông có cùng một cái tâm. Nhưng ba tôi chỉ thực sự trở thành nhà biên soạn từ điển từ khi ông về hưu ở tuổi 65. Mười cuốn từ điển, trong đó có một số cuốn viết chung cùng đồng nghiệp là một nỗ lực phi thường của một cụ già hưu trí. Cuốn cuối cùng “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” dày 2.111 trang, ông đã hoàn thành ở tuổi 95…”.

Những ngày ông nằm trên giường bệnh, có một hôm nghe hai diễn viên hài đang tru tréo từ chiếc ti vi đặt ở cuối giường, ông nói với con trai Nguyễn Lân Trung: “Con có thấy không, tiếng Việt thật đặc biệt. Có lẽ chẳng ngôn ngữ nào trên thế giới lại có số lượng các từ biểu cảm nhiều như tiếng Việt. Chỉ thêm vào đầu, vào đuôi một tí thôi thế là đủ để anh chàng kia ngấm cái chì chiết của nàng, dễ chừng có các vàng mười thì cu cậu cũng chẳng bao giờ dám nữa… Ngữ pháp Việt Nam hình như còn thiếu những công trình nghiên cứu sâu về lớp từ này, lớp từ có khả năng điều khiển hành động con người một cách ý nhị, bóng bảy”.

Tấm gương rèn luyện

Giáo sư Nguyễn Lân đã có một tuổi thọ lý tưởng: 97 tuổi. Theo các con của giáo sư thì để có được điều đó là do ông luôn có một nghị lực vươn lên mạnh mẽ, một cách nghĩ và cách sống luôn thẳng thắn, một sự tự rèn luyện rất tự giác và nghiêm túc cả về tập luyện và chế độ sinh hoạt. Có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm giáo sư Nguyễn Lân tại nhà riêng, khi Đại tướng hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe và duy trì cường độ làm việc ở tuổi cao, giáo sư vui vẻ trả lời: “Chính là nhờ thường xuyên tập tành, rèn luyện thân thể và tiếp tục tắm nước lạnh”.

GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, con trai của nhà giáo Nguyễn Lân kể:

“Đã từ lâu rồi, cứ khoảng 4 giờ 30 phút hay 5 giờ sáng gì đó, dù ngoài trời còn khá tối, cụ đã bật dậy để đi tập thể dục. Thường là cụ đi xuống nhà để chạy vài vòng quanh khu tập thể Kim Liên. Gặp hôm trời mưa, cụ cũng không chịu bỏ việc chạy mà vẫn thực hiện điều đó ở ngay trong hành lang hoặc chính trong căn phòng nhỏ của mình.

Sau khi chạy, cụ chuyển sang mục vừa xoa bóp vừa tập thở sâu. Bài tập của cụ có lẽ là một bài tập kiểu tổng hợp chứ tôi cũng không thấy nó giống hẳn một môn thể dục thể thao nào cả…

Tiếp đó là “tiết mục” tắm buổi sáng. Lạ nhất là dù những hôm gió mùa đông bắc, trời rét căm căm, cả nhà đều rét run mà cụ vẫn tắm nước lạnh đều. Có lẽ, đọc được nét lo lắng trong ánh mắt của mọi người trong nhà, cụ mỉm cười giải thích là phải biết cách tắm và thực hiện việc tắm thường xuyên thì sẽ không hề thấy lạnh gì cả...

Có lẽ điều làm chúng tôi kính nể nhất là ý chí làm việc của cụ. Về hưu đã từ vài chục năm, có ai bắt đâu nhưng cụ vẫn hứng thú làm việc 8 tiếng một ngày (thậm chí có ngày nhiều hơn). Cụ viết rất nhiều bài báo, rất nhiều sách, rất nhiều loại từ điển… Cụ vẫn bảo chúng tôi: Lúc nào thấy ba không viết được nữa là lúc đó ba sắp đi theo Cụ Hồ đấy”.

Ngày 7-8-2003, sức làm việc phi thường ấy của giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã ngưng nghỉ. “Ba ra đi không để lại của cải vật chất gì cho con cháu, vẫn căn hộ nhỏ 13 mét vuông trên tầng hai khu tập thể Kim Liên được phân phối hồi nào. Nhưng ba để lại cho các con, các cháu di sản tinh thần, một niềm tin vào chân, thiện, mỹ. Ba đã truyền cho chúng con ý chí học tập vươn lên không ngừng để trở thành người có ích cho đất nước…”. Lời từ giã người cha của GS.TS Nguyễn Lân Dũng - chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, trong lễ tang cha mình - nhà giáo Nguyễn Lân - đã khiến bao người xúc động…

Trần Hoàng Tiến