Nếu như không được giới thiệu trước, tôi cứ tưởng Đại tá Vũ Văn Mài, trung đoàn trưởng Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) là một đội trưởng đội sản xuất, hay một ông chủ nhiệm HTX nào đó ở Tây Nguyên. Anh được bà con ở khu Kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Đắc Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông gọi là “Già làng” của người Mông.
Duyên nợ với Tây Nguyên
Sau những cơn mưa rừng xối xả, con đường vào dự án KT-QP Đắc Ngo trơn như đổ mỡ. Vượt qua những dãy “núi mẹ, núi con”, những rừng cà phê bạt ngàn, chúng tôi đến Sở chỉ huy của Trung đoàn 720. Đại tá Vũ Văn Mài đang chỉ huy 36 cán bộ, chiến sĩ đi tìm kiếm những người bị mất tích do lũ cuốn và giúp dân giải quyết thiệt hại ở thôn Mới của người Mông từ sáng sớm.
Tối qua, mưa lớn gây lũ quét cuốn trôi hai công nhân đang xây dựng đập tràn và hai trẻ em người Mông. Hiện đơn vị và nhân dân mới tìm được xác hai công nhân và bé gái 6 tuổi...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Vũ Văn Mài tạm biệt quê lúa Thái Bình lên đường nhập ngũ. Đến với Tây Nguyên nắng gió, hằng ngày cùng đồng đội huấn luyện và tham gia truy quét tàn quân Fulro, anh luôn trăn trở khi thấy đời sống của bà con vất vả quá. Sống trên mảnh đất màu mỡ, với những rừng cây bạt ngàn gỗ quý mà các buôn làng vẫn nghèo đói.
Thế rồi tình cờ, Mài được cấp trên cử đi học lớp đào tạo giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội.
 |
Đại tá Vũ Văn Mài đến thăm hỏi cuộc sống của gia đình người Mông ở dự án kinh tế Đắc Ngo |
Học xong, tranh thủ về quê lấy vợ, anh tưởng sẽ được ở lại miền Bắc công tác. Nhưng chỉ sau ít ngày, Vũ Văn Mài lại nhận lệnh vào Tây Nguyên nhận cương vị Phó giám đốc Công ty 74 của Binh đoàn 15 đóng quân ở tỉnh Gia Lai. Từ đây, những con đường đất đỏ, những cánh rừng cao su, rừng cà phê bạt ngàn và bà con các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông… càng trở nên thân thiết, gắn bó với cuộc đời anh.
Được cấp trên tạo điều kiện về tiền vốn, cơ sở vật chất, Vũ Văn Mài cùng đồng đội giúp hàng nghìn bà con dân tộc thiểu số có công ăn việc làm. Anh và các cán bộ kỹ thuật của công ty đến từng hộ gia đình hướng dẫn đồng bào cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê, cao su.
Hai năm sau, đời sống của các hộ dân được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm hơn 70% và đã xuất hiện một số hộ khá. Các trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng… được xây dựng nhiều hơn. Những con đường nhựa phẳng phiu dần xóa đi những con đường đất đỏ bụi mù. Buổi tối ở các buôn làng râm ran tiếng trẻ đọc bài. Người lớn thì sum vầy bên bếp lửa coi cái ti-vi có ca sĩ Siu Blac hát về núi Chư Prông, về cà phê Ban Mê, về nữ thần Mặt Trời…
Năm 1999, anh được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) trực tiếp phụ trách dự án KT-QP Đắc Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông. Một lần nữa, anh lại cùng đồng đội đi mở đất, xây dựng các bản mới cho người Mông và các đội sản xuất cho người Kinh trên một dải rừng núi bạt ngàn. Tây Nguyên hùng vĩ đã trở thành “duyên nợ” của Đại tá Vũ Văn Mài.
“Già làng của người Mông đó”
Cách đây hơn một tháng, khi ngồi trò chuyện với bà con người Mông ở đội 8, tôi đã hiểu vì sao đồng bào lại gọi anh là “Già làng” và còn đặt cho cái tên rất Mông: "Giàng Seo Mài" nữa. Hỏi về anh ai cũng bảo: "Già làng của người Mông đó".
Già làng Hạng Sào Vảng nhớ lại ngày mới về Đắc Ngo. Năm 2002, 312 hộ đồng bào người Mông sau những ngày tháng lang thang trong các cánh rừng của tỉnh Đắc Lắc như những con thú hoang, đã được bộ đội Binh đoàn 16 đưa về nơi ở mới. Mảnh đất bên cạnh suối Đắc Ngo cũng heo hút, đi mỏi cái chân chỉ thấy cỏ cao hơn đầu và cây rừng xác xơ.
Những ngày đầu, bộ đội đã đến từng nhà phát tiền, phát gạo, muối cho dân. Chẳng hiểu sao, ông cứ chú ý nhìn người chỉ huy có thân hình chắc đậm, nước da đen quánh như thân cây rừng, xắn quần tới gối chạy ngược, chạy xuôi đôn đốc bộ đội giúp dân dựng nhà, khoan giếng nước. Người cán bộ ấy còn đến hỏi thăm sức khỏe và động viên bà con. Sau này ông mới biết đó là Trung đoàn trưởng Vũ Văn Mài. Những ngày sau, khi ông mặt trời mới mọc, đích thân người chỉ huy đã đưa bộ đội đến các bản Mông hướng dẫn bà con trồng điều, trồng cà phê, tuyên truyền vận động mọi người không phá rừng, không gây mất đoàn kết trong khu dân cư, ngủ màn để tránh bệnh sốt rét, không sinh con nhiều để thoát đói nghèo, ai có đạo thì được phép hành đạo theo pháp luật… Nghe thấy thế người già thì ngơ ngác; trẻ con được đến trường mà cứ như đang mơ. “Sao cán bộ Mài và bộ đội thương người Mông mình đến thế?”.
Trong cuộc sống của người Mông, dường như việc gì họ cũng nghĩ chỉ có già làng mới giải quyết được. Nhưng đến “việc ấy” thì già làng Hạng Sào Vảng “chịu”. Thế là gia đình đòi gặp bằng được cán bộ Mài để kiện về việc con gái chưa chồng của họ bị người có vợ dụ dỗ. Gia đình này đòi anh kia phải bồi thường cho con gái 5 tạ thóc, 2 con bò và 3 con lợn. Nhưng vợ người ngoại tình lý sự: “Con gái của mày thích chồng tao nên làm cho nó bỏ vợ, bỏ con. Mày phải đền thóc cho tao”. Khi nghe rõ vụ việc, Vũ Văn Mài đã giải thích cho người dân hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình. Người con trai có vợ “thương” con gái chưa chồng là không đúng, có lỗi với vợ con và bản làng. Còn cô gái “thích” người có vợ là vi phạm pháp luật và còn có thể phá vỡ hạnh phúc của gia đình người khác. Hiểu ra, người đàn ông có vợ đã xin lỗi gia đình cô gái và “đền” một ít thóc. Cô gái kia cũng xin lỗi vợ con anh này.
Gần đây, một cô gái người Mông không có chồng nhưng lại sinh con. Theo tục lệ người Mông, cô gái phải vào đẻ con trong rừng và không được về sống với bản làng nữa. Già làng thuyết phục nhiều ngày, cơ quan chính trị trung đoàn 720 cũng xuống vận động bà con, nhưng ai cũng quyết bắt cô gái phải rời bản. Biết chưa thể thuyết phục bà con được ngay, Vũ Văn Mài cử cán bộ, cùng một số người tốt trong bản tiếp tế gạo cho cô gái, giúp cô sinh nở “mẹ tròn, con vuông”. Sau đó anh đi đến nhiều gia đình phân tích cho người dân hiểu đây là một hủ tục lạc hậu. Nếu bắt cô gái phải sống trong rừng, mẹ con cô sẽ bị chết đói, hoặc chết vì bệnh tật. Hiện nay, cô gái đáng thương đã được bà con cho về sống cùng dân bản.
Bao giờ Vũ Văn Mài cũng đến với bà con bằng sự chia sẻ, giúp đỡ chân thành. Anh chịu khó tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, để giải quyết các tình huống hiệu quả hơn. Bằng tinh thần trách nhiệm cao, Vũ Văn Mài và đơn vị đã cùng bà con trong khu dự án KT-QP Đắc Ngo khai hoang và trồng được gần 2.000ha các loại cây công nghiệp. Đến nay, 100% số hộ gia đình người Mông trong dự án đã thoát nghèo, hơn 40% số hộ có kinh tế khá giả. Hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy, một cái ti-vi. Những gia đình khá còn mua được cả máy cày, máy xát lúa, tủ lạnh và làm nhà gỗ trị giá hàng trăm triệu đồng. Ai cũng bảo: “Nhờ bộ đội của “già làng Giàng Seo Mài", nên người Mông mới có cuộc sống tốt như ngày nay”.
Mong bà con hết khổ
Mấy tháng qua, già làng Giàng A Lừ ở bản Suối Trận buồn lắm. Gặp Đại tá Vũ Văn Mài xuống thăm, ông nói: “Chúng nó lại di cư tự do vào nữa Mài à. Anh muốn khóc đây”. “Thế họ sống ở đâu?” – Anh Mài hỏi.
Giàng A Lừ nói: “Chúng nó ở với người quen và họ hàng. Có đứa làm lều ngủ tạm ngoài bản”.
Từ năm 2004 đến nay, ngoài 312 hộ dân được qui hoạch chính thức đưa vào dự án, còn có thêm gần 450 hộ người Mông với 2.216 nhân khẩu đã di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc tới xã Đắc Ngo. Người di cư tự do đông, làm cho đất đai, trường học, bệnh xá bị quá tải. Điều trăn trở hơn cả, là tạo thêm những hộ dân nghèo đói trong khu vực này. Nhiều đêm Vũ Văn Mài không ngủ được. Anh đã động viên cán bộ, chiến sĩ chia sẻ tiêu chuẩn của mình để giúp bà con. Tiếp đó, anh cùng Ban chính trị đến các bản Mông vận động đồng bào đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, rồi chỉ đạo các đội sản xuất nhường hội trường để đơn vị tổ chức các lớp học mẫu giáo cho các cháu.
Mùa cà phê tím đỏ, tôi lại về Đắc Ngo. Việc triển khai thêm dự án mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giảm tải cho khu dự án vẫn phải chờ đợi.
Anh Mài nói: “Bà con di cư tự do vất vả lắm. Ngày họ đi làm thuê, tối ngủ vất vưởng rất tội nghiệp”. Tôi theo anh đi dọc con suối Đắc Ngo. Dòng suối cong mình ôm chặt lấy các bản Mông. Anh nói vui: “Nếu các huân, huy chương, danh hiệu đơn vị Quyết thắng, bằng khen, giấy khen của đơn vị và danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân 5 năm (2001-2005) của tôi, cùng các phần khen thưởng của anh em mà đổi được cuộc sống đỡ vất vả hơn cho bà con, chúng tôi xin sẵn sàng”.
Trong cái nắng Tây Nguyên vàng như mật ong, từ căn nhà của già làng Hạng Sào Vảng, bỗng vang lên tiếng hát lảnh lót của một thiếu nữ Mông: “Muốn no đủ thì hỏi hai bàn tay. Muốn giàu sang cái đầu phải suy nghĩ. Bản Mông mình mùa cà phê tím đỏ. Hãy múa cùng tiếng khèn bên dòng suối Đắc Ngo”.
Bài và ảnh: Lê Phi Hùng