Hai người mà chúng tôi đang muốn nói đến là ông Lê Đăng Đại (78 tuổi) và Nguyễn Đình Vĩnh (66 tuổi), đã nguyện gắn bó nửa đời còn lại của mình để chăm sóc cho 1.200 ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài (xã Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh).

Nguyện giữ "cho" các anh yên giấc

Dẫn chúng tôi đi bên những ngôi mộ vừa được quét vôi, sơn sạch sẽ, ông Đại nói: “Tôi gắn bó với các ngôi mộ từ lúc quy tập về đến nay. Hằng ngày dẫn các gia đình thân nhân đến mộ thắp hương nên giờ vị trí các khu mộ và các phần mộ tôi đều thuộc như in”...

Mỗi ngày thức dậy "đôi bạn già" lại ra nghĩa trang chăm sóc từng ngôi mộ.

Sinh năm 1931, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Đại đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Nam Lào. Năm 1954, trong một trận đánh lớn ông bị thương nặng rồi chuyển về nước chữa trị. Cuối năm 1958, sau nhiều ngày điều trị vết thương, ông được đưa về quê an dưỡng với tỉ lệ thương tật 3/4... Ông được bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã rồi Trưởng ban chính sách xã Đại Nài. Năm 1976 có chủ trương thành lập nghĩa trang Núi Nài, ông tự tay viết đơn, trực tiếp đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) tình nguyện đến trông coi nghĩa trang. Suốt 33 năm trôi qua ông, gắn bó bảo vệ khu nghĩa trang này mà không đòi hỏi khoản lương trợ cấp nào. Thấy gia đình hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ban chính sách xã hội đã hỗ trợ cho ông mỗi ngày 12 nghìn đồng để ăn uống. Ông nói: "Tôi tình nguyện chăm sóc các phần mộ này không phải vì tiền bạc mà là cái tâm của người còn sống mong cống hiến chút sức lực còn lại để an ủi những người đã vì quê hương đất nước ngã xuống". Mỗi năm có hàng chục liệt sĩ được đưa về quy tập tại nghĩa trang này. Mỗi lần như vậy ông lại lau nước mắt, tự tay mình xếp từng bộ di hài và nâng đặt anh em vào lòng đất mẹ, bảo vệ, chăm sóc, hương khói...

Mặc dù mới vào nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài hơn 10 năm nay nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cùng có tâm nguyện như  ông Lê Đăng Đại. Ông nguyện góp một phần sức lực còn lại của đời mình là để linh hồn các liệt sĩ được yên giấc ngàn thu và để tâm hồn mình được thanh thản sau bao nhiêu năm cống hiến sức xuân nơi chiến trường.

Sinh ra trên mảnh đất cách mạng (xã Đại Nài, Hà Tĩnh) khi vừa tròn 20 tuổi ông Vĩnh đã vào chiến trường miền Nam chiến đấu với 12 năm bám trụ chiến trường Tây Nguyên và đường 9 - Khe Sanh. Năm 1976, khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương xây dựng gia đình. Tuổi xuân ông cống hiến cho đất nước tưởng chừng như thế là đủ, về quê hương sẽ được bù đắp lại một phần tinh thần nhưng 4 người con của ông sinh ra thì 1 đứa đã mất, 3 đứa còn lại mang di chứng chất độc da cam quái ác. Các con của ông có lớn nhưng không có khôn, đứa trí nhớ kém không công ăn việc làm, đứa điên dại trông chờ vào bàn tay ông bà chăm sóc. Khi nhà nước có chủ trương đền ơn đáp nghĩa cho những người có công  với cách mạng, ông hy vọng sẽ được hỗ trợ một phần nào đó để chăm lo cho mấy đứa con nhiễm chất độc thì mọi giấy tờ, bằng khen về những công trạng của ông đã bị thất lạc sau khi nộp cho chính quyền địa phương. Thương con, nhớ đồng đội, những lúc như vậy ông thường ra nghĩa trang ngồi một mình. "Buồn, nhưng nhìn những ngôi mộ vô danh thấy mình còn may mắn hơn các đồng đội là vẫn còn sống trở về bên gia đình, người thân...". Từ đó những lúc buồn, ông lại một mình ra nghĩa trang rồi quét dọn, làm cỏ, hương khói cho các liệt sĩ. Năm 1997, ông viết đơn xin được vào trông coi nghĩa trang cùng ông Đại.

Sống bên cạnh 1.200 liệt sĩ

Nửa cuộc đời gắn bó với nghĩa trang, hai ông đang ngày đêm  làm hết sức mình  để mong sao chăm sóc tốt cho 1.200 liệt sĩ đang an giấc tại đây. Hằng ngày, bất kể nắng hay mưa, hai ông cứ âm thầm phân công nhau dọn dẹp nghĩa trang. Người lau chùi lư hương, người quét dọn, nhổ cỏ...  mà không hề biết mệt mỏi. Sống bên những nấm mộ trong những đêm đông giá lạnh, đêm rằm hay các ngày lễ buồn đến thấu da nhưng các ông vẫn không hề nản chí. Đêm đến, các ông phải thay nhau túc trực, lặng lẽ kiểm tra từng ngôi mộ...  Ngày này qua ngày khác, công việc của hai ông không có gì thay đổi, chỉ tuổi ngày một già hơn, bước chân mỗi ngày một chậm rãi hơn bên các ngôi mộ. Thắp nén nhang lên phần mộ các liệt sĩ, hai ông tâm niệm: “Chúng tôi từng vào sinh ra tử cùng anh em chiến sĩ ở chiến trường,  được sống sót là may mắn lắm rồi, chừng nào chúng tôi còn sức lực thì nguyện sống để chăm sóc những nấm mồ của đồng đội ngã xuống thay chúng tôi".


THÂN VĂN TUÂN