QĐND - Chuyện tình của Trung tướng Cao Văn Khánh và Giáo sư, bác sĩ (GS, BS) Nguyễn Thị Ngọc Toản vốn nổi tiếng với sự kiện “đám cưới trong hầm Đờ Cát” ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Trung tướng Cao Văn Khánh đã về với thế giới người hiền cách đây hơn 30 năm, nhưng đến nay câu chuyện tình của họ vẫn rất hấp dẫn giới trẻ và đặt ra bao điều suy ngẫm về một thế hệ thanh niên tài hoa, anh dũng của dân tộc.
Tôi phải tận dụng mối quan hệ thân quen, rồi hẹn nhiều lần mới được GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản dành cho một cuộc trò chuyện ngay trong căn hộ chung cư của bà tại số 1, phố Trần Thánh Tông (Hà Nội). Năm nay đã 86 tuổi, lại sống một mình, không còn đảm nhiệm bất cứ một vị trí công tác nào, nhưng sao bà lại bận bịu đến vậy? Hỏi chuyện láng giềng, mới biết, từ hàng chục năm qua, bà vẫn giữ thói quen dậy làm việc, nghiên cứu khoa học từ 3 giờ sáng. Tuổi đã cao, nhưng bà rất minh mẫn, sử dụng iPad để làm việc bình thường, giao tiếp tốt với khách quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp chuẩn mực… “Hôm nay trót hẹn với con rồi, nhưng cổ họng bà bị viêm mấy hôm nay, đau lắm, nên cũng không nói chuyện được nhiều”-bà hoạt bát, nhanh nhẹn nói với tôi như vậy.
 |
Tấm ảnh cưới trên tháp pháo xe tăng ngày 22-5-1954 của vợ chồng Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Ảnh tư liệu
|
GS, BS Ngọc Toản về hưu đã lâu, nhưng tên tuổi của bà gắn liền với cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và việc thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Bà bắt đầu tiếp xúc với nạn nhân chất độc da cam từ năm 1967. Khi đó, bà là bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sản khoa của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thời kỳ đó, bộ đội nữ và nữ thanh niên xung phong ở Trường Sơn xuất hiện hiện tượng mất kinh hàng loạt; chị em rất hoang mang. Bà được lệnh hành quân vào chiến trường tìm hiểu nguyên nhân và điều trị cho bệnh nhân. Lúc đó, chưa ai biết về chất độc da cam. Bà vào Trường Sơn mà cứ nghĩ đến những nguyên nhân khách quan, như chuyện muốn đi bộ đội, nên đã khai tăng tuổi, chuyện ăn uống kham khổ, lại sống nơi lam sơn, chướng khí, chịu sức ép bom đạn nhiều, thêm sốt rét, thiếu máu, nhớ nhà, tâm lý cận kề cái chết... tạo nên những rối loạn cơ thể. Đến năm 1970, GS Tôn Thất Tùng (thầy giáo nghề y của bà) bắt đầu nghi ngờ chất độc diệt cỏ mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam từ những nghiên cứu về ung thư gan ở những chiến sĩ Giải phóng quân và những dị tật, quái thai ở con cái họ, thì bức màn tội ác bắt đầu hé lộ.
Bà Ngọc Toản cũng tham gia nghiên cứu về chất độc da cam từ đó. Trung tướng Cao Văn Khánh, chồng bà, một vị tướng đã trải qua hầu hết các chiến trường đánh Mỹ, đã ra đi vì bệnh ung thư gan năm 1980, khi ông đang là Phó tổng Tham mưu trưởng. Một người con trai của bà cũng phải chống chọi với bệnh ung thư gan và ra đi khi tuổi còn trẻ. Bà thấm thía nỗi đau của đồng đội, của người thân nạn nhân chất độc da cam cũng từ lẽ ấy. Nhiều công trình nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam tại Việt Nam của bà được viết thành sách, được các nhà khoa học trong ngành đánh giá cao. Năm 2002, nước Mỹ tổ chức một hội nghị y khoa toàn liên bang sau sự kiện bị chấn động bởi các cuộc tấn công khủng bố. Vốn thành thạo ngoại ngữ, bà đã liên hệ và gửi kết quả nghiên cứu của mình qua mạng đến ban tổ chức. Sau đó, bà trở thành khách mời của hội nghị, đến trình bày hậu quả của chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam. Nhiều nhà khoa học của nước Mỹ lúc đó đã khóc khi nghe bà công bố kết quả nghiên cứu về tác hại ghê gớm của loại chất độc này. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã có thêm một tiếng nói quan trọng giữa lòng nước Mỹ. Về sau, GS Ngọc Toản là thành viên tham gia thành lập Hội Nạn chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và là Ủy viên thường vụ của Hội trong nhiều năm liền.
 |
Ở tuổi 86, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản vẫn sử dụng iPad để làm việc. Ảnh: Hồng Nguyễn
|
Giờ đây, con cái đã trưởng thành, bà sống một mình trong khu tập thể, nhưng bà không cô đơn. Những đề tài nghiên cứu, những hoạt động xã hội luôn khiến bà bận rộn ngày đêm. Trong căn phòng nhỏ của bà, tấm ảnh bà và Trung tướng Cao Văn Khánh đứng trên tháp pháo xe tăng tại “đám cưới trong hầm Đờ Cát” được đặt ở vị trí trang trọng. Ký ức thời tuổi trẻ ùa về qua câu chuyện kể.
Bà nguyên là nữ sinh Trường Đồng Khánh, con Quan Thượng thư triều Nguyễn với tên khai sinh Tôn Nữ Ngọc Toản. Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, bà xung phong vào Việt Minh, làm ở ban quân y. Năm 1949, bà theo anh rể là GS Đặng Văn Ngữ ra công tác ở Chiến khu Việt Bắc. Chồng bà, Trung tướng Cao Văn Khánh từng học cử nhân luật ở Pháp, nhưng ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, gia nhập Vệ quốc quân và chỉ huy đội quân Nam tiến. Cũng năm 1949, ông được điều động ra Việt Bắc giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Trong một buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Y khoa Việt Bắc, ông đã gặp bà, một nữ sinh đồng hương mà không biết rằng, từ trước đó, các ông: Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308; Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; GS Tôn Thất Tùng, thầy giáo của bà đã ngầm có ý “xe duyên” giữa bà với ông.
Năm 1954, cả ông và bà đều được điều động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 308, bà làm công tác cứu thương tại khu trọng thương ở Tuần Giáo. Hai người có hẹn sau ngày chiến dịch, sẽ về Chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới. Đêm 7-5, ngay khi nghe tin ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, bà cùng trạm phẫu trọng thương đã hành quân suốt đêm để vào hẳn khu trung tâm chiến trường làm công tác cứu chữa thương binh. Tại đây, quân ta đang giam giữ tù binh Pháp, trong đó có nữ tù binh duy nhất là y tá Geneviève de Galard, vốn được lính Pháp gọi là “bông hồng Điện Biên Phủ”. Vì biết tiếng Pháp, bà được giao thêm nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ nữ tù binh đặc biệt này. Qua những ngày tiếp xúc, được bà Ngọc Toản giải thích chế độ khoan hồng của Việt Minh, nữ y tá Galard đã viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nữ tù binh này sau đó được thả tự do, trở thành người nổi tiếng của nước Pháp. Năm 1994, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Galard đã viết hồi ký về việc bị bắt năm 1954 và đã gửi tặng GS Ngọc Toản cuốn sách này.
Nhiệm vụ cứu chữa thương binh của Ngọc Toản sau ngày 7-5-1954 khá nặng nề. Còn Đại đoàn phó Cao Văn Khánh cũng bộn bề công việc, khi được Bộ tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận chốt lại Điện Biên để giải quyết những vấn đề đặt ra sau chiến thắng. Ý định về Chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành (lúc này, ông Cao Văn Khánh đã gần 40 tuổi). Được nhiều đồng chí cán bộ cấp cao gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới tại hầm Đờ Cát. Lễ cưới của hai chiến sĩ Điện Biên được tổ chức giản dị, mà nhiều ý nghĩa vào ngày 22-5. Bà nói, gọi là lễ cưới, nhưng bà hầu như không chuẩn bị được gì. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu ra bờ suối vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Trong hầm Đờ Cát, chỉ huy cấp trên và đồng đội viết câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Rồi chú rể hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La” để mừng chiến thắng. Mọi người cùng hô vang: “Hoan hô đám cưới Điện Biên”, sau đó ra ngoài chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Tấm ảnh ông và bà đứng trên tháp pháo xe tăng, là chứng nhân của đám cưới đặc biệt ấy và là hiện vật lịch sử độc đáo của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học. Hình ảnh hai chiến sĩ Điện Biên làm lễ cưới khi chiến trường vẫn còn vương vất khói bom tượng trưng cho khát vọng hòa bình và ý chí vượt lên bạo tàn, đau khổ để dựng xây cuộc sống hạnh phúc của lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam.
THU HÀ