Nếu ví  mỗi người như một ngôi sao thì anh và mẹ anh là những ngôi sao không sáng - những người mù. Còn chị, là một "ngôi sao sáng" thật đặc biệt. Lúc chị đồng ý về làm vợ anh cũng là khi anh bàn với mẹ quyết tâm từ bỏ cái “nghề” nay góc chợ này, mai con hẻm khác, ngửa tay xin người ta từng  đồng tiền lẻ, từng miếng bánh ăn dở. Chẳng có lý do gì ngoài tình yêu thương vô bờ bến đã giúp chị có đủ sức mạnh để đến với anh, mẹ anh.

Yêu anh, nguyện nhận khó khăn về mình

Lâu rồi mới lại có người tới nhà bà Huyền (Phạm Thị Huyền, 51 tuổi, mẹ anh) nên bà vui lắm. Nước sôi bà mời tôi đượm khói rơm rạ nhưng cứ nhìn cái nụ cười tươi, với đôi tay run run đưa tay hết vờ lấy ca nước, chén nước mới thấy cái tình cảm ấy đáng quý biết bao.

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại phải dừng lại bởi những tiếng nấc nghẹn ngào và cái khoảng trống bao la của im lặng: “Năm 36 tuổi, mắt mẹ tôi cứ mờ dần rồi thì tối sầm lại khi sinh ra tôi một thời gian. Mẹ bồng bế tôi đi ăn xin hết nơi này đến nơi khác. Lớn hơn, mẹ cho tôi đi học, một mình bà lọ mọ đi ăn xin một mình. Tôi học đến lớp 2 thì đau đầu quá, ngất luôn ở lớp học. Nằm ở trạm xá xã Liêm Trung (khi ấy là thị xã Phủ Lý, Hà Nam) ba ngày rồi được chuyển lên Viện 2, nằm ở đó nửa tháng, đến khi lên đến Viện Mắt Trung ương (Hà Nội) thì các bác sĩ cho biết tôi được đưa lên đây muộn quá, không chữa được nữa”.

Bà Huyền không có chồng. Anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1983 là con bà đi “xin” người ta đấy chứ. Hồi nhỏ, bà Huyền cũng cho con đi học mẫu giáo nhưng vì Cường mắt kém quá nên lên lớp mấy lần thì bị nhà trường trả về. Chỉ cách đây 4 năm, mắt anh còn nhìn được theo kiểu “quáng gà”, nhưng giờ thì mắt toàn một màu đục ngầu, xám xịt.

Từ trái qua phải: Chị Tình, bà Huyền bế cháu Thanh và anh Cường.

Từ đời bà nội Cường, mẹ Cường và anh, để kiếm sống, nghề duy nhất của họ là đi…  ăn xin. 16, 17 tuổi Cường vẫn còn dẫn mẹ đi xin ăn. Tối, thấy nhà nào có mái hiên thì hai mẹ con tìm đến ngủ… nhờ, tấm vải mưa rách dùng làm chăn đắp cho khỏi muỗi đốt và che mưa khi trời đổ mưa. Có hôm đi bộ, rạc miệng xin ăn mà chẳng có gì, hai mẹ con phải nhặt bã mía rơi vãi ở chợ chiều, cho lên áo, lau qua rồi ăn. “Cực lắm, khổ lắm. Nhưng hai mẹ con tôi còn biết làm gì nữa?”- Bà Huyền vẫn còn xúc động, thở than. 

Cái ngày chị Tình đồng ý theo anh, tới giờ mà anh cứ ngỡ như trong… mơ. Chị Tình là người làng Trại Hạ, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, cách nhà anh ở thôn Bình Khê, xã Liêm Trung, thành phố Phủ Lý, Hà Nam chỉ khoảng 4km. Chị là con cả trong gia đình ba chị em. Nhà chị cũng chẳng lấy gì làm khấm khá. Bà mối của họ là một người buôn bán đồng nát. Hoàn cảnh của anh, chị được thông báo từ trước. Vậy mà lúc gặp anh và mẹ, những giọt nước mắt dù cố nén, sao cứ bật ra thật đau đớn, xót xa. Anh chẳng nói gì, chỉ ậm ừ: “Lấy anh, em sẽ khổ lắm đấy”. Anh chẳng mong đợi gì nhiều ở tình yêu của chị. Vậy nhưng, Tình lại càng yêu anh, thương mẹ anh hơn. Chỉ muốn ghé đôi vai, cùng gánh chung nỗi vất vả của hai mẹ con anh. Tình gục đầu vào vai anh, nước mắt ngắn dài: “Hãy cho em được cùng anh và mẹ bước tiếp những tháng ngày còn lại của cuộc đời này anh nhé!”. Với tôi, chị Tình là một “ngôi sao sáng” dũng cảm.

“Lấy nó sẽ khổ lắm con ơi. Sang sông rồi, chẳng về ở với mẹ như xưa được nữa đâu con ạ” – Hết nhẹ nhàng khuyên bảo đến “dọa nạt” gia đình chị vẫn không ngăn được cái “suy nghĩ táo bạo” của cô con gái. Hơn hai tháng sau ngày quen nhau, gạt bỏ mọi lời đàm tiếu, mọi sự can ngăn từ bạn bè và người thân, đám cưới của họ đã diễn ra thật giản dị và ấm cúng với chỉ mấy mâm cơm thưa cùng tổ tiên, anh em họ hàng.

Dìu nhau qua bóng tối cuộc đời

Hai năm sau, cái Thanh chào đời trong niềm vui khôn tả của gia đình hai họ. Có con cũng là khi anh được theo vào sinh hoạt ở hội người mù thành phố Phủ Lý. Ở hội, anh được dạy học chữ nổi Braille, được học đấm bóp. Anh bàn với vợ: Hai vợ chồng mình cố gắng làm ăn, mẹ cũng già rồi nên để mẹ ở nhà. Chị chỉ im lặng, gật đầu đồng ý. Chị hiểu lòng anh đau lắm khi để mẹ đi ăn xin ngoài đường.

Mỗi tháng anh đi làm, tằn tiện ăn uống cũng còn được 100.000 đồng – 150.000 đồng. Chị xin được một chân kẻ chỉ ở một cơ sở may gần nhà, mỗi tháng chăm chỉ làm cũng được 500.000 đồng. “Thế là mình có tiền đóng học cho cái Thanh rồi. Ăn uống thì thế nào cũng xong”- Chị Tình cười xòa, rồi bỗng chùng xuống: “Hẵng cứ biết thế này đã thôi. Muốn tính xa cũng đâu có được, hả chú?”.

Anh đi làm ở hội người mù, cách nhà cả chục cây số, chị đi làm cũng cho cái Thanh theo. “Cháu ngoan lắm, đến chỗ làm với mẹ không quậy nghịch nên các cô chú ở đó ai cũng quý”- Khuôn mặt chị Tình tươi hẳn lên. Tan ca, chị lại tất tả về nhà lo cơm nước cho hai bà cháu. Vợ chồng cách nhau chẳng bao xa nhưng có mấy khi Tình lên thăm được anh và mẹ trên thành phố. Nhiều đêm nằm một mình trong căn phòng trống vắng, gió thốc qua lỗ khí trên tường nhà, tiếng côn trùng rả rích ngoài vườn, chị lại ôm chặt lấy con, ước gì cho anh bên cạnh để mà chở che, mà thương yêu.

Hết lo cơm nước chợ búa, chị lại lo chuyện đồng áng cho gia đình. Bà Huyền bảo: “Mẹ con tôi ơn cháu nó lắm. Giờ chuyện đồng áng, chăm chồng, dạy con, không có cháu nó chẳng biết mọi chuyện sẽ thế nào cả”. Nhà có vài sào ruộng trồng lúa thì từ tát nước, cuốc đất, cấy cày đều một mình tay chị làm. Nhiều lúc thương chị, anh cũng “đòi” đi theo, nhưng mắt mờ, cây lúa dúi xuống không chặt, xiêu vẹo cứ loanh quanh không ra hàng ra lối. Chị lại phải khuyên nhủ anh: “Để một mình em làm cũng được mà. Anh ở nhà thì trông cái Thanh giúp em”.

Những khi ít việc hay ngày mùa, hễ ai gọi đi cấy thuê, đi gặt thuê, gánh thuê chị đều nhận hết. “Kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Miễn sao nó là mồ hôi, nước mắt của mình bỏ ra là được chú ạ” – Chị cười xòa: “Thôi thì mình kém cái con chữ, mình không to khỏe bằng người ta thì làm từ từ, túc tắc. Được cái là mọi người trong làng ngoài ngõ đều thương vợ chồng mình nên cũng hay gọi đi làm lắm”.  

Chị Tình già hơn nhiều so với cái tuổi gần 30 của mình. Gương mặt chị đầy nếp nhăn, mái tóc dài chẳng chăm chút, đôi bàn tay xù xì, đầy vết chai sạn. Và đôi mắt ươn ướt buồn, nhưng lại ẩn chứa biết bao nhiêu nghị lực và lòng quyết tâm. Bao nhiêu khó khăn, vất vả là thế song người ta chưa bao giờ thấy chị kêu than kể khổ.

“Đời mình nếu không có cô ấy, thì chẳng biết lúc này đã lang bạt nơi nào. Tình vì gia đình mình mà chịu khổ nhiều quá. Vậy mà mình chẳng giúp được gì nhiều cho em cả” – Ngồi bên hiên nhà, nói về chị mà mắt anh buồn xa xăm.

Sẽ là bốn thế hệ mù trong một gia đình...

Nhìn bữa cơm của gia đình anh chị chỉ có món rau muống luộc lèo tèo, bìa đậu sống và ít muối trắng, tôi không kìm được sự xót xa. Tình ngồi đầu mâm cơm, từ đầu đến cuối bữa chỉ gắp rau ăn, chốc chốc chị lại đưa đũa gắp chút đậu vào bát mọi người. Họ ăn âm thầm và làm việc thầm lặng.

“Nếu tình hình cứ như thế này thì điều đó e là sẽ xảy ra thôi”- Cố bấm chặt môi, ngăn cho miệng không cất lên thành tiếng mà nước mắt chị Tình cứ chảy dài trên gò má: “Ba người còn chưa đủ hay sao mà ông giời còn tính đòi luôn cả ánh sáng của con tôi”.

Những tưởng số phận bất hạnh chỉ giáng xuống cụ, rồi bà nội, rồi bố cái Thanh (Phạm Thị Thu Thanh, 6 tuổi, con anh chị-PV) là đủ rồi, quá lắm rồi! Vậy mà mới gần đây thôi, các bác sĩ đã thông báo cho anh chị về tình trạng đôi mắt của Thanh: Đáy mắt của cháu không trong như trẻ khác. Tạm thời cháu chưa phải phẫu thuật, chỉ cần dùng một số thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng đến khi cháu 12 – 15 tuổi, nếu không mổ thì mắt cháu cũng như ánh sáng của cây nến trước giông gió, sẽ tắt và ngừng tỏa sáng.

Vẫn còn gần 6 năm nữa để anh chị cố gắng mà ki cóp, mà dành dụm tiền bạc. Nhưng thử cộng tất tần tật thu nhập của họ: Anh làm đấm bóp ở cơ sở của Thành hội người mù thành phố Phủ Lý (Hà Nam) tháng nào may mắn thì được hơn trăm ngàn đồng; chị thì kẻ chỉ cho cơ sở may gần nhà, tháng họ trả cho hơn 500.000 đồng, ruộng vườn mấy sào cấy, chẳng đủ ăn huống chi tính chuyện có tiền chạy chữa cho con. Gần 20 triệu là số tiền các bác sĩ đã thông báo nếu anh chị muốn chữa mắt cho con.  

Cái nhà mái bằng này của họ cũng là tiền của bà bác Trần Bạch Yến (gọi cụ của cháu Thanh, Phạm Thị Dài bằng dì) bên Mỹ xây cho hồi năm 2003. Năm 2007, cụ Dài mất (hưởng thọ 84 tuổi) thì bà Yến cũng thôi giúp đỡ hai mẹ con anh. Trong nhà trống trơn, cái đáng giá nhất có lẽ là cái quạt điện đã cũ, mỗi lần bật lên là cứ kêu sành sạch.

Chiều dần xuống, buông những tia nắng yếu ớt xuyên qua cánh cửa sổ bên nhà, len lỏi vào bàn uống nước. Bóng bốn con người hắt dài trên vách tường. Tiếng cười của bé Thanh xua tan đi cái trống vắng của căn nhà.

Bài và ảnh: Văn Chung