QĐND - Ngay từ ngày học phổ thông, các thế hệ học sinh Việt Nam đã được học và mến mộ tinh thần lao động quên mình của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm. Câu chuyện về người Anh hùng Lao động số một "vì nước quên thân” ấy diễn ra trong khói lửa chiến tranh nhưng đến hôm nay người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng nhắc nhớ.

 

Anh hùng Ngô Gia Khảm (đứng giữa) cùng con gái và các cộng sự chụp ảnh tại Liên Xô năm 1974. Ảnh do gia đình cung cấp.

Thượng tá Ngô Gia Hồi, nguyên cán bộ của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và là con trai của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm đã kể cho chúng tôi nghe phần nào về cuộc đời người cha của mình. Ông nói: "Năm 1944, giữa lúc cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt, bố tôi được Tổng bộ Việt Minh giao cho việc sản xuất vũ khí cung cấp cho Giải phóng quân Việt Nam mới thành lập. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ và đoàn thể giao cho ông thành lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc để nhồi đạn và các loại vũ khí khác…”.

Chế tạo quả lựu đạn đầu tiên

Ông Nguyễn Anh Tài, người học trò kiêm lái xe cho Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm sau này, kể lại: Nhận nhiệm vụ sản xuất, chế tạo lựu đạn, anh Ngô Gia Khảm lo lắm. Anh bảo: Trước nay sửa chữa súng, gọi là khó thì cũng được, nhưng cứ mày mò tháo ra lắp vào rồi cũng được, không chết chóc gì. Bây giờ làm lựu đạn, nhỡ một tí là tan xương, nát thịt, chết người như bỡn. Mình là thợ cơ khí, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay đã biết gì về thuốc nổ đâu… Nhưng vì Đảng giao, Ngô Gia Khảm quyết nhận nhiệm vụ làm lựu đạn. Biết tin, trên cử thêm đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền về cùng anh làm mìn, lựu đạn. Anh Hiền trước học kỹ nghệ, sau ở tù Côn Đảo cũng “học mót” được ít nhiều cách pha chế thuốc.

Thế là Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Hiền bắt tay vào xây dựng công binh xưởng. Gọi là công binh xưởng cho oai chứ thực ra chỉ loanh quanh mấy thước vuông cửa hàng. Có nguyên liệu, Khảm và Hiền bắt tay vào việc chế mìn và lựu đạn. Việc chế mìn và lựu đạn lúc ấy nghĩ cũng kỳ. Không nắm vững công thức chế thuốc nổ mà cứ làm liều lĩnh, mò mò mẫm mẫm. Suốt ngày anh Hiền hì hục ở trong buồng, đánh vật với mấy chất thuốc, pha pha, chế chế, đập rồi lại đưa lên mũi, ngửi xong lại gí vào mũi Ngô Gia Khảm rồi bảo: "Khảm ngửi xem, đã ra mùi thuốc súng chưa?”.

Lần ra được công thức thuốc nổ thì lại đến chuyện đúc vỏ lựu đạn. Lựu đạn thì cũng chỉ mới trông thấy bọn Nhật nó đeo chứ đã được sờ tận tay đâu? Mấy anh em đang ước có một quả lựu đạn mẫu thì vừa may tự vệ Đình Bảng xoáy được một quả “lọ mực” của Nhật đem cho. Anh Hiền ngắm nghía chán rồi nói: Lựu đạn của nó sản xuất trong nhà máy lớn, tinh vi lắm, khó bắt chước được. Mình nghĩ ra một kiểu riêng để búa tay, lò rèn có thể sản xuất được.

Thuốc nổ có rồi, vỏ có rồi, lại thêm trăm thứ của những bộ phận phức tạp trong quả lựu đạn. Lúc sắp lắp lựu đạn thì mới té ra là thiếu sắt tây. Hết chuyện sắt tây lại đến chuyện dây cháy chậm. Dây cháy chậm của đối phương làm trong nhà máy tối tân, đúng 5 giây là nổ. Đằng này mình làm bằng tay, chỗ lỏng chỗ chặt, có khi cháy hàng phút chưa hết.

Sau hai tháng, quả lựu đạn đầu tiên ra đời. Dáng thon thon hình quả đào, trên khắc nổi 2 chữ VM (Việt Minh) nom mê lắm. Lựu đạn làm được rồi nhưng nào biết nó nổ hay xịt. Thế là lại phải thử. Mà thử quanh nơi chế tạo thì chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Bàn mãi rồi quyết định chờ ngày mưa sấm nổ ùng oàng đem xuống tận Yên Mỹ (Hưng Yên) cho nổ thử, trong một cái quán ngói giữa đồng. Lựu đạn quăng ra, đúng 5 giây, nổ đánh rầm một cái, to lắm. Tiếng nổ vừa dứt, khói còn khét lẹt, Khảm và Hiền đã nhổm dậy ôm lấy nhau, sung sướng không để đâu cho hết.

Những lần vào sinh ra tử

Mùa thu năm 1946, tình hình giữa ta và Pháp đã rất căng thẳng. Công binh xưởng của Ngô Gia Khảm phải liên tục thay đổi địa điểm. Rời về Ấp Nhẩm mới được 3 tháng lại phải di chuyển lên Kính Lỗ (Đông Anh). Ông Nguyễn Anh Tài kể: Nghĩ đến việc mỗi tháng làm vài chục vạn viên đạn, anh Khảm thấy lo lắm. Anh ngày nghiên cứu, nghĩ cách, đêm đặt mình xuống là thiếp đi không muốn dậy nữa. Nhưng hễ thức giấc lúc nào, anh lại nghĩ đến công việc. Một hôm, anh em trong công binh xưởng có việc ra ngoài, anh Khảm ở nhà. Nhìn quả bom 50 cân lù lù ở xó nhà, anh định lăn đi giấu, nhưng vừa mới chạm đến cái chốt thì nó bỗng tuột ra, chỉ còn mớm một tí. Người anh lạnh toát. Cố trấn tĩnh, anh ghì chặt kim hỏa, nghiến răng kéo lò xo lại. Lò xo khỏe quá, cứ kéo tay anh xuống. Trông ra ngoài chẳng có ai để gọi. Mồ hôi anh vã ra. Tay cứ thế yếu dần, yếu dần… Nhưng trong giây phút bàng hoàng ấy, anh còn nghe tiếng chân ai chạy. Anh khẽ thều thào: “Ai đó… hộ tôi tí”. Hải (một công nhân) chạy xổ lại giúp anh chốt lại quả bom. Anh ngã lăn xuống đất, mệt run lên.

Một lần khác, anh Hiền ở Hà Nội lên cho biết, cần phải chế tạo hạt nổ gấp. Cả hai anh đều lo lắng vì công việc chưa đâu vào đâu. Anh Hiền về rồi, Ngô Gia Khảm sốt ruột, chui luôn vào phòng tiếp tục nghiên cứu. Anh đem trộn clo-rát với phốt pho, lúc thì nổ, lúc thì xịt, tức lắm. Đang ham thì anh em gọi đi ăn cơm. Anh nhẹ tay gói lại số thuốc đã pha định cất vào tủ thì bỗng nghe đánh bùm một cái, chói tai. Sức ép của thuốc nổ ném anh vào gầm tủ. Trần nhà sập, vôi vữa rơi lả tả phủ kín người, còn mặt mũi thì bị cháy sém, máu mũi, máu mồm tứa ra tưởng chết.

… Công binh xưởng của Ngô Gia Khảm liên tục di chuyển, tiến dần về Việt Bắc, cứ chuyển một quãng lại tranh thủ sản xuất vũ khí cho bộ đội có cái dùng. Công việc phát triển thuận lợi thì Ngô Gia Khảm lại bị thương một lần nữa.

Đêm hôm ấy, vẫn giữ thói quen như thường lệ, anh đi xem xét quanh xưởng một lượt. Ngang qua nhà bếp, nơi có thùng thuốc đang sấy, thỉnh thoảng lại thấy tiếng kêu đánh bép một cái, rồi đôi ba lần lửa đỏ li ti bay lên như hoa cà, hoa cải, chui biến vào trong thùng… Nổ chết người rồi! Nhà chật ba gian thuốc đạn, bom, mìn. Tỉnh ủy Phúc Yên ban chiều cho người chở đến bốn chục quả bom Nhật nhờ chế thành mìn còn chất ngần ngật ở ngoài sân. Không kịp suy tính gì thêm, anh chạy lại giơ tay định dập củi thì cả thùng thuốc nổ bùng, nghe lọng óc. Ngô Gia Khảm bị quăng ra ngoài sân, mặt mũi, quần áo cháy khét lẹt. Anh em đang ngủ, choàng cả dậy tìm hết cách dập lửa và đưa anh đi cấp cứu. Nhìn thân thể anh cháy nát, anh em cứ tưởng Ngô Gia Khảm không thể qua khỏi...

"Ông lang” pha chế thuốc

Tại Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu được tổ chức tại Việt Bắc từ ngày 30-4 đến 6-5-1952, Ngô Gia Khảm đã tự thuật thành tích của mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao. Nhớ về nhiệm vụ sản xuất vũ khí cung cấp cho bộ đội, khi bắt tay thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn, nguyên vật liệu, máy móc thiếu, kinh nghiệm chưa có, ông kể: “Lúc đầu, chúng tôi lúng túng quá không biết làm lựu đạn thế nào cả, khi thì dự định làm cách này, khi dự định làm cách khác, thử đi, thử lại vẫn không có kết quả. Chúng tôi lấy thùng dầu để làm lò đúc. Thuốc nổ thì giã bằng chày cối như giã cua. Máy móc chỉ có một cái máy tiện cũ kỹ và chiếc bễ làm bằng thân cây, phì phà phì phò cả ngày... Quả lựu đạn đầu tiên chúng tôi sản xuất ra, dùng trong một trận phục kích tại Chiến khu Hoàng Hoa Thám đã giết được 11 tên phát xít Nhật. Được tin này, anh em chúng tôi ở trong xưởng sướng quá, ôm lấy nhau phấn khởi, cảm động đến nỗi rơi nước mắt”.

Khi thành lập xưởng hóa chất, ông nói rất chân thành: “Tôi đã cố gắng tìm tòi pha hết chất này đến chất khác như một ông lang. Ít lâu sau, nhờ sự cộng tác, nghiên cứu của một số anh em, tôi đã tìm ra cách pha thuốc mồi nổ để làm hạt nổ đầu tiên. Sau đó, tôi lại có sáng kiến chế ra máy dập mồi nổ đạn “DM” làm cho năng suất tăng từ 600 cái mỗi ngày lên đến 11.000 rồi 14.000 cái. Tiếp đó, tôi lại chế ra được máy cắt (thuốc quân bài), làm cho mức sản xuất tăng từ 5 lạng mỗi ngày lên đến 16 cân. Nhờ vậy, xưởng tôi đã cung cấp được một số đạn cho Mặt trận Nam Bộ và Hải Phòng”.

Nhớ lại lần bị thương nặng nhất, Ngô Gia Khảm đã không nén nổi xúc động: “Lần ấy tôi tưởng không thể sống được nữa, nhưng nhờ sự săn sóc chu đáo của anh em trong xưởng, 7 tháng sau tôi mới khỏi, tay bị co quắp, mặt mũi cháy sém như ngày nay. Có anh em thấy tôi tàn tật mà vẫn băn khoăn về công tác thì nói: Anh đã vì phục vụ mà bị tàn tật thế này thì cứ yên tâm mà ở nhà nghỉ, anh không cần phải làm gì nữa. Đoàn thể, Chính phủ sẽ nuôi anh. Nhưng tôi chỉ lo nếu tàn tật không thể làm gì được nữa để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân thì khổ sở quá. Tôi tự nghĩ, dù bị tàn tật nhưng vẫn còn sức phục vụ kháng chiến. Vì vậy, vào cuối năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, tôi tuy chưa khỏi hẳn, nhưng lại đề nghị với Cục Quân giới cho ra nhận công tác”.

Trong những năm 1948-1950, ông cùng các đồng chí của mình đã xây dựng được hai xưởng hóa chất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đào tạo thợ mới. Trong mùa thi đua “Sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ” năm 1951, xưởng hóa chất của ông phải chuyển sang làm quân sự, ông lại phát động anh em trong xưởng tích cực thi đua chuyển hướng công tác, toàn xưởng đã có 49 sáng kiến lớn, nhỏ. Những sáng kiến của ông đã tiết kiệm được chi phí cho việc mua nguyên, nhiên liệu và thời gian trong việc sản xuất, rèn đúc vũ khí.

TRỊNH DŨNG