QĐND - Một ngày nắng vàng giữa Xuân năm 2005, biết tôi đang tìm hiểu tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ Phan Kế An bảo tôi nên gặp nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương. Đến với Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng, tôi gặp các bậc lão thành cách mạng - những người đã từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến đang ngồi bệt dưới sàn nhà trò chuyện, trông hiền lành như những lão nông. Bác Phí Văn Bái, hồi ấy 92 tuổi, tóc bạc, lưng khòng xuống vì gánh nặng thời gian, ngồi ở phía góc, đi lại vẻ nặng nhọc, được giới thiệu là “nhà văn trẻ”. Nhờ nhạc sĩ Văn Cao dẫn đến Chiếu Văn năm 1983, nên ở tuổi 88, bác Phí Văn Bái đã ra cuốn sách đầu tay (4-2001).
Bác Phí Văn Bái được Đảng tín nhiệm, từ giữa năm 1938 đến đầu năm 1940 đã bảo vệ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bác có biệt danh là “Bái đen” (tên do đồng chí Trường Chinh gọi) và bí danh là Phan Kỳ Đức. Bác phụ trách các tổ Thanh niên Cứu quốc gồm hơn 40 người và rất có duyên giới thiệu được những thanh niên ưu tú, thậm chí cả lính khố đỏ vào tổ của mình. Những đồng chí được bác Phí Văn Bái giới thiệu, sau này đều trưởng thành trong cách mạng như: Nguyễn Văn Đào (có thời kỳ làm thư ký cho đồng chí Trường Chinh, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch tỉnh Nam Định, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương), Giang Đức Tuệ (Chủ tịch tỉnh Thái Bình), Nguyễn Văn Sớ (Chủ tịch tỉnh Hà Giang), Lê Trọng Tấn (Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)…
*
* *
Kể về Đại tướng Lê Trọng Tấn, ánh mắt bác Phí Văn Bái ấm áp sau hàng mi bạc trắng, hàng lông mày đâm ngang như mái hiên trùm xuống dài quá mắt khẽ đưa theo nhịp kể chậm rãi:
 |
Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu.
|
- Một sáng Chủ nhật đầu năm 1943, tôi đến nhà cô Cái Thị Thất, một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện, nhìn ra phía cổng thấy có một người mặc quân phục nhà binh Pháp đi vào, tôi bèn lánh sang buồng bên ngồi với các em. Người quân nhân nói chuyện với cô Cái Thị Thất một lúc rồi về. Tôi ngờ ngợ thấy gương mặt người ấy quen quen như đã gặp ở đâu đó. À, cầu thủ giỏi đứng ở trung tâm hàng tiếp ứng (tiền vệ trung tâm) của đội Tia Chớp, có cặp giò dài, rất xuất sắc cùng hậu vệ bảo vệ khung thành và cũng rất xuất sắc khi băng lên tấn công với lối đá sắc sảo, thông minh. Hồi ấy, ở Hà Nội có các đội bóng Tia Chớp, Thể thao Hà Nội. Tôi làm công cho một hiệu buôn ở phố Hàng Đào, rất thích bóng đá, thường ra bãi Phúc Xá ở bờ sông Hồng xem Tia Chớp… Giá như được người này vào Việt Minh thì hay quá!
- Anh ấy đi lính cho Pháp đã lâu chưa? Tôi hỏi.
- Hồi cuối phong trào Mặt trận Bình dân. - Cô Cái Thị Thất nói: Dạo ấy, Hà Nội rộ lên các trò đá bóng, đua xe đạp, đánh ten-nít… Bọn Pháp cũng muốn lập một đội bóng đá để thu hút sự chú ý của khán giả, nên mua anh Lê Trọng Tố vào quân đội Pháp chỉ để dạy đá bóng cho chúng ở Tông (Sơn Tây). Trước đây, anh Lê Trọng Tố với anh trai em là Cái Văn Phẩm thân nhau lắm. Bây giờ, anh Phẩm vào buôn bán ở Vinh. Anh Tố thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm gia đình. Hiện nay, anh đeo lon đội.
- Nhà anh ấy ở đâu?
- Anh ấy bây giờ đã có vợ, cả hai đều ở Sơn Tây, còn gia đình thì trước ở làng Thanh Nhàn, ngay cạnh Lương Yên.
Tôi đến làng Thanh Nhàn. Trước chiến tranh, tôi phụ trách các buổi tối dạy truyền bá quốc ngữ ở các trường tư thuộc khu Nam Hà Nội. Làng Thanh Nhàn có anh Trần Ất cũng dạy truyền bá quốc ngữ cùng với anh Nguyễn Văn Đào bạn tôi. Tôi hỏi Trần Ất:
- Anh có biết anh Lê Trọng Tố không?
- Có biết. Tôi là học trò của cụ Đồ Lê là bố anh Lê Trọng Tố và anh Lê Quý Giả - anh Trần Ất nói.
Anh Trần Ất được làm trưởng tràng (lớp trưởng) lớp học chữ nho. Anh đưa tôi đến thăm nhà cụ Đồ Lê. Hai cụ đã mất, nhà chỉ còn người con gái lớn là Lê Thị Ao (chị gái Lê Trọng Tố, quê ở làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Đông). Cô Lê Thị Ao cho biết: Cụ Đồ Lê tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cùng cụ Lương Văn Can ở Hà Nội. Năm 1926, cụ Đồ Lê và ông Nhượng Tống - một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng, tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh ở đền Hai Bà Trưng, có hàng vạn người dự. Cứ cuối mỗi buổi học, cụ Đồ Lê dành độ mươi phút dạy dăm ba câu ở “Chiêu hồn nước” (197 câu), thế mà hết năm, trò nào cũng thuộc cả bài thơ.
Tôi nhận thấy anh Lê Trọng Tố tuy đi lính cho Pháp, nhưng lại là con của một nhà nho yêu nước, cách mạng nòi. Thật thuận lợi! Phải tuyên truyền cho anh Lê Trọng Tố thôi. Tôi báo cáo trường hợp của anh Lê Trọng Tố với Thành ủy Hà Nội, anh Lê Quang Đạo tán thành cho gặp để giác ngộ. Tôi bảo cô Cái Thị Thất đưa tài liệu, còn anh Trần Ất thì đưa Báo Cứu Quốc cho anh Lê Trọng Tố xem, sau đó đưa tiếp Báo Cờ Giải phóng. Anh Lê Trọng Tố rất mừng. Sau khi gặp mặt, anh Lê Trọng Tố ở đền Hai Bà Trưng, tiến thêm một bước, tôi bảo cô Cái Thị Thất mời anh Tố mua tín phiếu Việt Minh 10 đồng/phiếu (tương đương ba tạ gạo) để ủng hộ Việt Minh. Không ngờ anh Lê Trọng Tố mua bốn tín phiếu.
Mùa đông năm 1943, tôi cùng anh Nguyễn Trí Uẩn và anh Nguyễn Phong đề nghị với anh Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự Thành ủy Hà Nội xin được ra báo: “Khởi nghĩa”. Nhưng in ở đâu? Tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn muốn thử thách thêm vợ chồng anh Lê Trọng Tố, nên nhờ anh chị cho mượn địa điểm để in báo. Anh Lê Trọng Tố và vợ là Nguyễn Thị Mùi (tức Nguyễn Thị Minh Sơn) đã giúp nuôi hai cán bộ chuyên môn in là đồng chí Nguyễn Văn Hàm (tức Lang) và nhạc sĩ Văn Cao để viết chữ in li tô báo, truyền đơn và nuôi những anh em liên lạc qua lại nhà in năm nạn đói; tiếp nhận bàn đá, đồ nghề in; cất giấu nguyên liệu giấy, mực, phơi khô và bảo quản báo; làm liên lạc đưa báo và truyền đơn đến các cơ sở cách mạng.
Mùa đông năm 1944, sau hơn một năm thử thách, tôi báo cáo kết quả với đồng chí Lê Quang Đạo và nhận được sự đồng ý cho phép tôi giới thiệu anh Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh.
Buổi tổ chức kết nạp ở nhà hát cô đầu, phố Khâm Thiên có đồng chí Vũ Quý, Ủy viên Ban Cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, tôi, Nguyễn Trí Uẩn, Nguyễn Thế Cát, Lê Quý Giả và Lê Trọng Tố… Nghe các cô đầu đàn hát xong, nhân lúc đợi họ chuẩn bị dọn bàn ăn, chúng tôi rủ nhau ra ban công để kết nạp. Tôi báo cáo:
- Báo cáo với đồng chí Vũ Quý, tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn đã giao thiệp, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho anh Lê Trọng Tố, đội trưởng đội bóng đá của quân đội Pháp. Hôm nay chính thức giới thiệu để Thành ủy công nhận đồng chí Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh.
Đồng chí Vũ Quý nói:
- Thay mặt Thành ủy, chúng tôi công nhận đồng chí Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh và sẽ chuyển đồng chí Lê Trọng Tố vào tổ chức “Binh sĩ cứu quốc”.
Lê Trọng Tố, tức Đội Tố, sau khi tham gia cách mạng đổi tên là Lê Trọng Tấn, một Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
*
* *
Tôi - người chép lại câu chuyện của bác Phí Văn Bái là bạn học với Lê Phi Nga, cháu nội Đại tướng Lê Trọng Tấn. Năm 1986, tôi thường đến nhà Nga, tức nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn ở 36, phố Lý Nam Đế để ôn thi đại học. Ngoài giờ học, có hôm nghe Nga nói: “Tớ phải đi cho lợn ăn”. Tôi theo bạn đi xuống cuối dãy nhà công vụ. Nhìn bạn có đôi vai ngang, dáng dong dỏng giống hệt như ông nội, đang cúi xuống đổ thùng cám vào chậu gỗ cho hai chú lợn xộc ra ăn, lại cầm chổi quét dọn chuồng, tôi thầm khâm phục. Đại tướng Lê Trọng Tấn trong ký ức của tôi là một người ông có gương mặt hiền lành, nho nhã, dáng người dong dỏng cao, khỏe mạnh, rất quý cháu. Đi ngang qua phòng, thấy ông luôn bận bịu, đông người. Mỗi lần đến buổi tối, tôi lại nghe tiếng kẹt ở cửa, thấy ông cúi thấp người xuống ngang tay nắm cửa để mở cửa, nghiêng mái đầu tóc sương pha, ngắm nhìn chúng tôi.
Hay tin ông mất, tôi bàng hoàng. Trước đó mấy hôm, đi qua đường Lý Nam Đế, tôi còn trông thấy ông đầu để trần, mặc áo đại cán, ngồi trầm mặc, tựa lưng vào chiếc ghế bành gỗ sơn thẫm đặt giữa lối đi nối nhà trên với dãy nhà dưới, hai chân ông duỗi dài, tay nắm vào nhau, vẻ suy tư điều gì lung lắm. Khi đến nhà, tôi gặp bà Nguyễn Thị Minh Sơn, vợ Đại tướng Lê Trọng Tấn. Bà kể:
- Đúng 9 giờ sáng 5-12-1986, ông nhà tôi tiễn nhà văn Sơn Tùng tại phòng khách trước lúc đi họp, hẹn sẽ gặp lại nhà văn sau kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI để tiếp tục kể những kỷ niệm của ông với Bác Hồ, với anh Văn. Buổi trưa về, ông nhà tôi nói thấy người mệt chếnh choáng. Ông ra gốc cây táo ở sân đứng đợi nhà bếp xào thêm đĩa thịt bò. Lúc vào bàn ăn, vừa ngồi nhấp chút rượu khai vị thì cậu em Lê Ngọc Hiền đến. Ông nhà tôi gục xuống bàn ăn, bên cạnh người cháu đích tôn. Đội cứu thương cấp cứu tích cực. Ông nhà tôi kêu đau nhiều ở lưng. Động mạch ở lưng vỡ 12cm. Đến chiều, ông nhà tôi… mất!
Bác Phí Văn Bái bồi hồi:
- Trong chiến đấu, anh Lê Trọng Tấn là người chỉ huy tài năng, dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 312 gắn liền với Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn. Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân toàn thắng năm 1975, anh Lê Trọng Tấn là Đặc phái viên của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần nói với Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý của Đại tướng: “Anh Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần Anh hùng!”.
TRẦN MINH THU