Niềm vinh dự đặc biệt

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (đợt đầu tiên trên miền Bắc), Lê Bá Sầm, quê Đông Sơn (Thanh Hóa), được chuyển ngành về Chi nhánh Công ty Cầu 1, Cục Quản lý đường bộ, thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện (nay là Bộ Giao thông vận tải), hoạt động ở các vùng phía bắc sông Hồng. Ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang và cầu Long Biên, thực hiện dã tâm đánh phá Thủ đô Hà Nội, anh Sầm cùng đồng nghiệp tham gia làm cầu phao giữ mạch máu giao thông qua sông Hồng, đoạn Bồ Đề-Bác Cổ. Từ đấy, anh hòa nhập vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh. Không ngờ, đó cũng là cơ duyên để anh kết hôn cùng Hà Thị Bích (một thanh nữ Hà Nội) rồi về sinh sống tại làng Trường Lâm, xã Việt Hưng (nay là phường Việt Hưng).

Cụ Lê Bá Sầm dạy các học trò đánh trống. Ảnh: Phạm Xưởng

Giữa năm 1973, Bộ Giao thông vận tải tuyển người xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chú trọng người đã qua quân đội. Lê Bá Sầm trúng tuyển, được Ban Bảo vệ Công trường 75808 (Xây dựng Lăng Bác) cấp "Giấy ra vào Quảng trường Ba Đình", thời hạn đến khi công trình hoàn thành. Nhận tin này, chị Bích tự hào động viên chồng: "Anh cứ yên tâm làm tròn nhiệm vụ, đừng phụ lòng tin của tổ chức và gia đình!". Anh Sầm rưng rưng xúc động.

Nhiệm vụ của đơn vị anh là xây dựng tuyến đường Hùng Vương, từ ngã tư Quán Thánh-đường Thanh Niên chạy ngang qua cửa Lăng Bác đến đường Trần Phú. Ngay từ buổi đầu tiên, anh đã thấm nhuần lời quán triệt của chỉ huy công trường: Xây dựng Lăng Bác không chỉ bằng sức lực, mà bằng cả tâm đức. Kỷ luật làm việc như kỷ luật quân đội. Bê tông làm công trình phải đạt đúng mác quy định. Vì thế, yêu cầu chất lượng đi đôi với yêu cầu tiết kiệm. Theo chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, Trưởng ban chỉ huy xây dựng Lăng Bác, bê tông đã trộn xong, nếu quá thời hạn đưa vào thi công thì không được sử dụng và người phụ trách phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng với trách nhiệm. Do đó, ai cũng tìm phương pháp làm việc khoa học, phù hợp để thi công đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật.

Mỗi lần cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng sản phẩm công trình, đồng chí Sầm và anh chị em trong đội hồi hộp quan sát chiếc máy đo độ kết dính (do Liên Xô chế tạo) bắn khí nén xuống mặt đường, để lại vết lõm nhẵn thín chỉ to bằng hòn bi ve, rồi đến khi xe bánh xích nặng 40 tấn đi qua mà mặt đường không biến dạng... tất cả đều hân hoan, sung sướng.

Ngày 29-8-1975, khánh thành công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường Hùng Vương bề thế càng thêm đẹp với hàng cây chò nâu được mang từ Khu di tích Đền Hùng (Phong Châu, Phú Thọ) về trồng. Trong lễ duyệt binh ngày 2-9-1975, kỷ niệm 30 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và mừng Quốc khánh (2-9), nhìn đoàn quân rầm rập trên đường Hùng Vương ngước nhìn Lăng Bác, Lê Bá Sầm cảm động trào nước mắt. Ấn tượng đặc biệt ấy cổ vũ anh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên mọi bước đường công tác sau này.

Để tiếng trống làng mãi âm vang

 Từ khi nghỉ hưu, cụ Sầm và cụ bà tận tụy với việc đình làng Trường Lâm-nơi thờ Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần-người có công giúp triều đình nhà Lý đánh bại giặc ngoại xâm. Đây cũng là nơi ghi dấu sự kiện ngày Mồng Một Tết Mậu Tuất 1958, Bác Hồ về thăm, chúc Tết và biểu dương cán bộ, nhân dân xã Việt Hưng chống hạn giỏi, hoàn thành kế hoạch cấy chiêm.

Giấy ra vào Quảng trường Ba Đình của cụ Lê Bá Sầm. Ảnh do nhân vật cung cấp

Hằng năm, làng Trường Lâm có lễ hội truyền thống (3 ngày) cùng các tiết tuần, sóc vọng, giao thừa... Tiếng trống Trường Lâm-biểu hiệu thông điệp làng sinh sôi, phát triển, không thể thiếu trong các lễ, tiết ấy. Cụ Sầm đã theo học các "thủ trống" của làng, trở thành người kế nối và dạy cho lớp trẻ tiếp theo để tiếng trống quê hương Trường Lâm vang mãi muôn đời.

Hiện, cụ đang đào tạo 5 trai trẻ đánh trống sấm (loại trống to có tiếng vang, đóng vai chủ công trong các dàn nhạc truyền thống). Cụ phân tích để họ hiểu về "lễ nào trống ấy", như trống rước, trống văn, trống lễ...; dạy họ thế đứng, cách sử dụng dùi trống để tạo ra từng loại âm thanh ứng với ý nghĩa nội dung mà từng bài trống, đoạn trống cần biểu đạt. Chẳng hạn, cần có tiếng "thùng" thì nện đầu dùi vào giữa mặt trống, "tang"-đánh rìa mặt trống, "rụp" - đánh hai dùi ở mặt trống, "tịch"-một dùi chặn, một dùi đánh, "tòng"-đánh cả nhóm dùi vào mặt trống, "cắc"-đánh vào tang gỗ... Cả 5 học trò của cụ đều đã biết đánh trống làng, họ sẽ thay cụ truyền lại cho thế hệ tiếp sau.

Vào dịp Xuân Mậu Tuất 2018, sau 45 năm tham gia xây dựng công trình Lăng Bác, cụ Lê Bá Sầm lại được dự Lễ nâng cấp Nhà lưu niệm Bác Hồ và Lễ đúc tượng Bác bằng đồng tại đình Trường Lâm, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện Bác Hồ về thăm địa phương. Một lần nữa cụ Sầm rưng rưng niềm tự hào. Và, việc trống làng, việc đình làng, với vợ chồng cụ sẽ mãi còn tươi thắm.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG