QĐND - Buổi trưa. Nắng hanh hao mà vẫn chói chang chiếu lên những cồn cát khiến người ta nhức mắt. Gió bắc ràn rạt thổi cuốn cát lên, chuyển từ cồn này sang cồn khác. Những đám cỏ không biết là sót lại, hay nó vẫn tồn tại từ trước tới nay trên đỉnh mấy cồn cát chạy ngang cuối sân bay Đồng Hới đã rũ xuống vì nắng hanh, vì thiếu nước. Trong cái nắng gió ấy, Thượng tá Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình vẫn đi tới, đi lui trên trận địa của Đại đội nữ dân quân phòng không Đồng Hới. Anh Thạo da đen cháy, chẳng thấy tý mồ hôi nào trên mặt. Dường như cái nắng, cái gió trên cồn cát đã làm khô những giọt mồ hôi ngay từ khi nó li ti xuất hiện trên mặt da. Nhìn cách anh Thạo xăng xái đi lại, hô khẩu lệnh, làm động tác mẫu về chỉ huy bắn pháo, rồi thực hiện các động tác điều lệnh..., ai cũng bảo anh hợp với việc làm sĩ quan chỉ huy hơn là một cán bộ chính trị. Nói điều đó với Thạo, anh cười hì hì bảo: “Thì rứa. Trước tui cũng làm cán bộ quân sự đó chứ. Năm 1994, tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1 hẳn hoi. Về Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình làm trung đội trưởng, rồi đại đội phó quân sự... Ngày đó, nghe mấy anh cán bộ cấp trên to nhỏ, mình bùi tai liền đồng ý đi chuyển loại làm cán bộ chính trị. Nhưng cái “chất lục quân” ngấm vào máu, nên hễ cứ ra đến bãi tập là nó lại hiện lên, chạy ra chân, ra tay... Bao nhiêu năm nay rồi, không thể bỏ được”.

Nữ dân quân Đại đội pháo phòng không 37mm TP Đồng Hới (Quảng Bình) luyện tập bắt mục tiêu. Ảnh: Duy Hồng



Anh Thạo kể với tôi: Đại đội nữ dân quân phòng không TP Đồng Hới thành lập đến nay đã ngót chục năm. Ngần ấy năm là quá trình hình thành các cơ chế, đường hướng để đại đội có thể tồn tại và phát triển. Thực ra thành lập một đại đội hoặc một tiểu đoàn quân thường trực thì chẳng nhằm nhò gì. Bởi mọi thứ từ cái ăn, cái mặc cho đến phụ cấp, kinh phí huấn luyện..., tất tần tật đều do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Khi có chỉ lệnh, đơn vị chỉ cần thực hiện một đợt tuyển quân là xong. Nhưng thành lập và duy trì một đại đội dân quân tập trung thì lại hoàn toàn khác. Nhất là thành lập đại đội dân quân nữ thì lại càng khác, càng phức tạp. Đầu tiên là phải tìm cho được nguồn kinh phí có tính ổn định để chi trả lương, phụ cấp, đồng phục... cho anh chị em. Thứ nữa là phải có vị trí, có doanh trại cho chị em ăn ở, sinh hoạt tập trung. Rồi đến việc tuyển người, huấn luyện, sử dụng..., tất cả đều phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Vì vậy không phải địa phương nào cũng có thể làm được việc đó. Chưa nói đến việc mà nhiều người biết nhưng ngại chưa nói thẳng ra. Đó là lãnh đạo địa phương có nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của công tác quốc phòng hay không, có ủng hộ việc thành lập một lực lượng quân sự tập trung có tính chuyên trách, một năm phải trích từ nguồn thu của địa phương để chi tiêu cả tỷ đồng vào việc đó không. Những cái khó, “việc lớn” ấy đòi hỏi phải có sự tham mưu thật đúng, thật trúng của cơ quan quân sự và cũng phải có sự nhận thức thật đúng của người lãnh đạo địa phương. Ấy thế nhưng tất cả những việc ấy đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đồng Hới giải quyết ổn thỏa.

Nghe những điều Thượng tá Nguyễn Văn Thạo nói, tôi lại chợt nhớ, hình như trên cả nước hiện nay cũng mới chỉ có vài đại đội dân quân thường trực tập trung có tính chuyên trách như ở Đồng Hới. Cấp trung đội, tiểu đội dân quân tập trung thì có khá nhiều địa phương thành lập và duy trì được. Lại nữa, nếu là đại đội dân quân nữ thì hình như cũng chỉ có Đại đội dân quân nữ Đồng Hới và Đại đội nữ dân quân Đông Lâm (Tiền Hải, Thái Bình) là đang hoạt động. Thế nên việc thành lập được các đại đội dân quân nữ đã là một thành tích, để cho các đại đội ấy hoạt động được thường xuyên, liên tục thì đó là cả một kỳ tích. 

Thượng tá Nguyễn Văn Thạo là một trong những người chỉ huy cũ của đại đội dân quân này, nên anh nắm khá chắc tình hình của đại đội. Anh Thạo kể: “Ngày mới thành lập, đơn vị thiếu thốn trăm bề. Tiếng là nằm trong đất của thị xã (khi đó Đồng Hới chưa lên thành phố) nhưng là mảnh đất cuối sân bay, nên heo hút lạ. Lúc đầu chúng tôi ra nhận vị trí, ngó bên ni, ngó bên tê toàn thấy cát trắng với vài cụm cỏ lơ thơ, bỗng thấy oải. Thế rồi anh em tui phải động viên nhau quyết tâm xây dựng chỗ này thành doanh trại chính quy của dân quân. Được cái thuận lợi là cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu của chị em nên công việc khá hanh thông. Chúng tôi san cát làm nhà, đào đất làm ụ pháo, rồi kéo đường điện, đường nước ra phục vụ chị em.

Chẳng bao lâu trên mấy cái đụn cát đã mọc lên ngôi nhà hai tầng-khu doanh trại chính của đơn vị mà các anh thấy ngày nay đấy. Các ụ pháo cũng được đào đắp, xây dựng cơ bản với hàng trăm mét khối đất đá. Mấy năm gần đây, để chống cát bồi lấp, địa phương đã cấp thêm kinh phí để chúng tôi cứng hóa trận địa, dần tiến tới chính quy hóa toàn doanh trại. Nói thật với các anh, mặc dù là đơn vị dân quân, nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng duy trì mọi nền nếp của đơn vị như bộ đội thường trực. Biết là sẽ rất khó, nhưng cứ cố làm chắc cũng thành công...”.

Dạo một vòng quanh doanh trại của chị em nữ dân quân, chúng tôi thấy khu đồi cát trắng đã bắt đầu trù phú. Đầu tiên phải kể đến con đường bê tông nhựa chạy ngang cuối sân bay, nối từ trung tâm thành phố qua vài khu dân cư đến trận địa của đại đội nữ dân quân. Ngày xưa con đường này toàn cát. Đi bộ vốn đã khó, đi xe đạp, xe gắn máy qua càng khó. Cát vốn không níu chân người, nhưng bánh xe đặt xuống là cứ quay tít một chỗ. Thế nên việc đi lại của anh chị em trong đại đội dân quân là rất khó khăn. Thật may, kinh tế thành phố ngày càng phát triển, xu hướng vươn ra biển, mà trước tiên là vươn ra khai thác hiệu quả các bãi ven biển trở thành chủ trương chính trong phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của địa phương. Thế nên việc đầu tư điện, đường đã có những bước tiến vượt bậc. Chẳng riêng gì con đường đi ra trận địa phòng không của đại đội dân quân mà hầu hết các tuyến đường xuyên ra bãi biển, tuyến đường ven biển của Đồng Hới đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Theo thông tin từ anh Thạo, “chẳng mấy năm nữa, các cồn bãi ven biển Đồng Hới sẽ được đầu tư trở thành các khu Resort. Khi ấy du lịch biển Đồng Hới chắc cũng chẳng kém các khu du lịch biển nổi tiếng như Nha Trang (Khánh Hòa) hay Sầm Sơn (Thanh Hóa)...”. Tôi biết, để tiến tới điều như anh Thạo nói thì quân và dân Đồng Hới còn phải tiếp tục phấn đấu, đầu tư. Mà cách đầu tư khéo và nhanh nhất đó là tự làm thật tốt các khâu, các bước về dịch vụ du lịch. Phải làm sao cho khách đến là không thể quên, đã đi rồi là chỉ muốn quay lại. Điều này nhiều địa phương làm du lịch đã nghĩ đến, đã hành động nhưng vẫn chưa được như mong muốn...

Ngót trưa, gió bắc đã nổi mà trên gương mặt các chiến sĩ nữ thuộc Đại đội nữ dân quân Đồng Hới vẫn lấm tấm mồ hôi. Hai chiếc cờ đuôi nheo trong tay Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 Phan Thanh Tuyền vẫn cứ nhịp nhàng giơ lên, phất xuống hòa vào khẩu lệnh ran ran trên cồn cát. Nòng pháo 37mm dưới tay điều khiển của số 1 Nguyễn Thị Hà thoăn thoắt đổi hướng, bám theo mục tiêu. Anh Thạo nói: “Huấn luyện phòng không cho dân quân tự vệ bây giờ cũng phải tuân theo những tình huống phức tạp. Bởi kẻ địch cũng rất khôn ngoan, chúng chả dại gì chọn mãi một hướng bay, một đường bay để xâm nhập vào mục tiêu của ta. Kinh nghiệm từ những năm Quảng Bình phải gồng mình để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã dạy chúng tôi điều đó. Vì thế, chúng tôi phải lựa chọn nhiều phương án để huấn luyện cho các chị em. Bảo đảm khi mục tiêu xuất hiện ở bất cứ hướng nào, vị trí nào thì chị em đều không bị bất ngờ...”.

Nhìn chị em nữ dân quân trong Khẩu đội 1 luyện tập các phương án chiến đấu khá bài bản, xử lý tình huống bình tĩnh, tự tin nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm. Đây là những cô gái còn rất trẻ, đang trong độ tuổi mười chín, đôi mươi. Họ đều đã tốt nghiệp THPT rồi được tuyển dụng vào lực lượng dân quân. Có một tiêu chuẩn mà từ ngày thành lập đơn vị đến nay chưa bao giờ thay đổi, đó là 100% nữ dân quân ở đại đội phải chưa lập gia đình. Cũng chính vì thế mà quân số của đại đội thường xuyên không ổn định. Khẩu đội trưởng Phan Thanh Tuyền nói với chúng tôi: “Khi chị em báo cáo là “có người yêu” thì lập tức chúng tôi phải đề nghị cấp trên tuyển người thay thế. Bởi việc trực chiến đêm hôm khá vất vả, nên không thể để chị em có gia đình đảm đương được. Nói thật với anh, cũng có những ông chồng sau khi cưới rồi vẫn đề nghị cho vợ được tham gia công tác ở đại đội. Biết là họ vẫn nhiệt tình gắn bó với đơn vị, nhưng vì tính chất công việc nên chúng tôi cũng phải lựa lời từ chối...”.

Chúng tôi chia tay các nữ dân quân ngay tại trận địa. Các bóng áo xanh nhỏ dần trên cồn cát chói lóa. Nhìn họ giống như những bông hoa màu xanh hiên ngang giữa chang chang cát trắng Quảng Bình.

Ghi chép của TRẦN ANH TUẤN