QĐND - Như Báo Quân đội nhân dân đã thông tin, đêm 19-3, chợ 2 tầng Phố Hiến nằm ở TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn hơn 330 ki-ốt hàng hóa, gây thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hàng trăm tỷ đồng, khiến hàng trăm tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay. Đáng lưu ý, vụ cháy xảy ra ngay trong tháng an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ và bộc lộ nhiều yếu kém cả về phòng, chống cháy...
Chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Sáng 20-3, dù ngọn lửa đã được khống chế, nhưng bên trong chợ Phố Hiến vẫn còn rất nhiều khói âm ỉ bốc lên. Từ sáng sớm, xung quanh khuôn viên chợ Phố Hiến, bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ đã tập trung để nghe ngóng, dõi theo tình hình giải quyết sự việc của cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Lan (50 tuổi), nói: “Chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy; các hạng mục chưa hoàn tất, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình giao cho tiểu thương. Vì thế, khi xảy ra hỏa hoạn hầu hết hàng hóa của chúng tôi đều bị lửa thiêu rụi. Vốn liếng, tài sản của gia đình tôi đều đầu tư hết vào hàng hóa. Các hộ khác cũng vậy, người nhiều đầu tư hơn 1 tỷ đồng, người ít cũng vài trăm triệu đồng... Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện cam kết, có phương án đền bù thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ, xây chợ tạm để tiểu thương có nơi buôn bán, từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống”.
 |
Toàn cảnh chợ phố Hiến bị thiêu rụi.
|
Chị Vũ Thị Nguyệt ở phường Lê Lợi vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Như mọi khi, cuối ngày hầu hết tiểu thương đều về nhà. Hơn 21 giờ, tôi vừa về tới nhà thì nghe tin cháy, lập tức mấy anh chị em quay lại chợ. Tuy nhiên, hầu hết chìa khóa đều do Ban quản lý chợ giữ, nên đành đau xót đứng nhìn tài sản của mình bị lửa thiêu...". Chị Nguyệt cho biết thêm: "Thiết kế chợ rất bất hợp lý, cửa lại khóa, nên gây khó khăn rất lớn cho việc chữa cháy. Mặt khác, khi xảy ra cháy, nhiều người tìm hệ thống cứu hỏa, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một giọt nước...".
Cùng chung nỗi đau, bà Trần Thị Phương ở phường An Tảo cho biết thêm: “Lúc chúng tôi có mặt, chỉ có hai quầy hàng đang bốc cháy ngùn ngụt. Tiếc của, chúng tôi hò nhau vào dập lửa, cứu hàng, thế nhưng chẳng ai được tập huấn cách sử dụng bình chữa cháy, mở vòi nước thì không có giọt nào...".
Nỗ lực chữa cháy… nhưng không hiệu quả
Đại tá Đào Hữu Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hưng Yên, khoảng 21 giờ 25 phút ngày 19-3, cơ quan nhận được tin báo cháy ở chợ Phố Hiến. Sau đó khoảng 4 phút, lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hưng Yên đã huy động 6 xe cứu hỏa tới hiện trường, đồng thời báo cáo lên Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn-Cứu hộ (Bộ Công an), đề nghị tăng cường lực lượng. Khoảng 30 phút sau, Công an các tỉnh lân cận đã chi viện lực lượng đến hiện trường. Tổng cộng có 18 xe chữa cháy, chưa kể xe chở nước, trong đó Hưng Yên 8 xe (2 xe ở Phố Nối đến sau); TP Hà Nội 4 xe; tỉnh Hải Dương 4 xe và tỉnh Hà Nam 2 xe có mặt tại hiện trường để chữa cháy. Đến khoảng 3 giờ sáng 20-3, đám cháy cơ bản được khống chế. Sau đó lực lượng chức năng tiếp tục phun nước để khống chế hoàn toàn, không để ngọn lửa âm ỉ bùng phát trở lại...
 |
Các lực lượng dập lửa
|
Lửa thì đã tắt, nhưng mọi thứ đều bị thiêu trụi, không cứu được gì. Theo phản ánh của một số người dân, công tác PCCC của chợ còn nhiều bất cập; khi xảy ra cháy, có hai xe cứu hỏa đến, nhưng lại không có nước... Về vấn đề này, Phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, để chữa cháy chợ Phố Hiến, Công an tỉnh Hưng Yên huy động hầu như tất cả các lực lượng. Cụ thể lực lượng tham gia chữa cháy gồm gần như 100% lực lượng của Công an TP Hưng Yên, 1 đại đội cảnh sát cơ động; toàn bộ lực lượng Cảnh sát PCCC và lực lượng Cảnh sát 113. Còn các ý kiến của người dân phản ánh về công tác chữa cháy, Đại tá Đào Hữu Liêm nói: Sẽ được tiếp nhận, kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, xác định nguyên nhân gây cháy.
Hỗ trợ các tiểu thương và giải pháp chợ tạm
Ngay trong buổi sáng 20-3, ông Nguyễn Tuấn Cường, Chủ tịch UBND TP Hưng Yên đã chủ trì buổi họp khẩn với chủ của 332 ki-ốt kinh doanh tại chợ Phố Hiến. Tại buổi họp khẩn, bà con tiểu thương đều kiến nghị lên UBND tỉnh và cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xem xét thay đổi tư cách chủ đầu tư dự án xây dựng, quản lý chợ Phố Hiến là Công ty TNHH đầu tư Hoàng Phát do ông Bùi Hồng Kỳ làm Tổng giám đốc. Bà con tiểu thương cho biết, họ đã mua chỗ kinh doanh, cùng với đó là đóng tiền đầy đủ về các khoản thu do phía chủ đầu tư đưa ra, nhưng trách nhiệm bảo đảm an toàn về tài sản hàng hóa sau khi xảy ra vụ cháy thì công ty này còn bỏ ngỏ. Nhiều bà con tiểu thương bức xúc khi tài sản bị thiêu rụi trong ngôi chợ tiền trăm tỷ vừa xây và mới đi vào hoạt động được hơn 2 tháng...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tuấn Cường đã tiếp thu các ý kiến của bà con tiểu thương và cho biết, sẽ báo cáo gấp về những kiến nghị bức xúc của bà con lên lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên để có phương án giải quyết nhanh nhất.
Ngay trong buổi sáng 20-3, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư Hoàng Phát cùng cơ quan chức năng liên quan báo cáo cụ thể về sự việc để sớm đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Chiều 20-3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có cuộc họp báo khẩn về việc cháy chợ Phố Hiến. Theo báo cáo sơ bộ của Ban Quản lý: Chợ Phố Hiến có 332 ki-ốt, trong đó có 116 ki-ốt kinh doanh quần áo; 21 ki-ốt vải sợi; 18 ki-ốt giày dép; 16 ki-ốt băng đĩa; 16 ki-ốt ni-lon; 11 ki-ốt tạp hóa; 30 ki-ốt bán thịt; 18 ki-ốt gia cầm; 14 ki-ốt hải sản; 27 ki-ốt hoa quả; 26 ki-ốt rau củ quả; 6 ki-ốt hàng khô; 21 ki-ốt hàng mã.
Đánh giá sơ bộ, vụ cháy gây thiệt hại lớn về kinh tế, ước tính khoảng hơn 50 tỷ đồng. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Ngay trong ngày, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp tổ chức họp với các hộ kinh doanh, đồng thời thăm hỏi, động viên và làm công tác tư tưởng với các gia đình; nắm bắt thông tin, nguyện vọng của nhân dân; nhằm có giải pháp sát thực, sớm ổn định cuộc sống và tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với Công ty TNHH đầu tư Hoàng Phát và Ban quản lý chợ thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của từng hộ kinh doanh; trình phương án hỗ trợ cấp bách các hộ kinh doanh bị thiệt hại; đề xuất vị trí và phương án xây dựng chợ tạm, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh hoạt động trở lại, sớm ổn định đời sống.
Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho mỗi hộ kinh doanh 13 triệu đồng (10 triệu trích từ kinh phí dự phòng của tỉnh, 3 triệu đồng trích từ kinh phí dự phòng của thành phố). Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh miễn giảm học phí cho con em các tiểu thương (từ cấp tiểu học đến THPT) trong 2 năm; đồng thời con em tiểu thương học trung cấp, cao đẳng và đại học, thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng trong 2 năm. Cùng với việc triển khai mức hỗ trợ kịp thời, chính quyền địa phương yêu cầu Công ty TNHH đầu tư Hoàng Phát phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân gây ra hỏa hoạn; đồng thời trực tiếp triển khai xây dựng ngay chợ tạm để các hộ kinh doanh sớm hoạt động trở lại.
Bài và ảnh: PHAN ANH - HÀ KHÁNH