Vài năm gần đây, tháng nào, gia đình ông Nguyễn Đình Bảng (80 tuổi), ở xóm 4, thôn An Cường, xã Hiệp Sơn cũng phải mua ít nhất 3 khối nước với tổng số tiền là 130.000 đồng để sử dụng. Theo ông Bảng, trước đây, khi chưa có Công ty thép Hòa Phát, gia đình ông cũng như người dân địa phương chỉ cần tận dụng nước mưa là đủ nước để sử dụng hằng ngày. Khi Công ty thép Hòa Phát đi vào hoạt động, khói bụi phát tán khắp nơi nên người dân địa phương không dám dùng nước mưa nữa. Không chỉ có khói bụi, mà tiếng ồn phát ra từ nhà máy cũng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Đình Bảng chia sẻ: “Bụi của Công ty Thép Hòa Phát khác với bụi của các nhà máy sản xuất xi-măng trong vùng. Nó có màu đen, dùng nam châm có thể hút được. Ngày nào tôi cũng quét và hót được cả đống to. Cũng vì bụi và tiếng ồn mà các con, cháu tôi đều phải di chuyển vào trong làng sinh sống, ở đây chỉ còn hai vợ chồng già nương tựa vào nhau”.
 |
Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương. |
Còn theo ông Nguyễn Duy Lên (72 tuổi) cũng ở xóm 4, thôn An Cường: “So với trước đây, nhà máy đã có những cải tiến để giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn khá trầm trọng. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh và khẳng định, Công ty thép Hòa Phát đã góp phần phát triển kinh tế ở địa phương và trực tiếp là người dân chúng tôi. Thế nhưng, quá trình sản xuất phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, người dân chúng tôi đang phải gánh chịu khá nhiều hậu quả môi trường do Công ty thép Hòa Phát gây ra. Không chỉ tiếng ồn, khói bụi, nước sinh hoạt mà việc trồng hành, tỏi cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi kiến nghị với chính quyền địa phương và Công ty thép Hòa Phát sớm có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại nêu trên và có phương án di dời các hộ dân cách xa nhà máy ít nhất 500m, như hiện nay chỉ khoảng 50m, rất nguy hiểm”.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn. Theo tài liệu mà ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cung cấp, Công ty thép Hòa Phát đã nhiều lần vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và từng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xử phạt. Cụ thể, năm 2011, Thanh tra Bộ TNMT xử phạt 210 triệu đồng vì đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận; không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, không dán nhãn theo quy định. Năm 2015, Công ty thép Hòa Phát lại bị Thanh tra Bộ TNMT xử phạt 270 triệu đồng do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục hậu quả. Năm 2017, UBND huyện Kinh Môn rà soát, đưa công ty vào danh sách các cơ sở có phản ánh, kiến nghị của nhân dân, các cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường và đề nghị UBND tỉnh, Sở TNMT kiến nghị Bộ TNMT tiếp tục thanh tra, xử lý.
Mới đây nhất, Kết luận Thanh tra số 136/KL-TCMT ngày 16-1-2018 của Tổng cục Môi trường về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty thép Hòa Phát chỉ rõ: Tại thời điểm thanh tra, công ty chưa có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, chưa có hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục theo quy định, nước thải sau hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt có thông số tổng chất rắn hòa tan cao. Tổng cục Môi trường đã yêu cầu công ty phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục trước ngày 30-8-2018. Trong quá trình hoạt động, yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý triệt để chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Đôn, Phó giám đốc Công ty thép Hòa Phát lại khẳng định: “Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Hải Dương sử dụng công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường. Nhà máy áp dụng nhiều biện pháp lọc bụi như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, cây xanh để tiêu âm”.
Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, những tồn tại, bất cập gây ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất của Công ty thép Hòa Phát gây ra đề nghị chính quyền các cấp ở Hải Dương, cùng các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục.
ĐỨC TUẤN - SỸ CƯỜNG