Thế nhưng mới đây, thông tin này lại một lần nữa bị bóp méo đối với sản phẩm được sản xuất từ tinh chất mầm đậu nành Bảo Xuân của Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân cũng như gây hoang mang, thiệt hại cho những nông dân trồng đậu nành. 

Đào bới “tin rác” để làm gì?

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Quân đội nhân dân và cơ quan chức năng, đại diện Công ty Ích Nhân cho biết: Bảo Xuân là tên nhãn hiệu các sản phẩm làm đẹp nổi tiếng của công ty có sử dụng tinh chất đậu nành đã xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thế nhưng mới đây, trên internet và truyền thông xuất hiện một số thông tin sai sự thật như “Bảo Xuân bằng tinh chất mầm đậu nành - FDA cảnh báo sự nguy hiểm”, “FDA cảnh báo về tác hại của tinh chất mầm đậu nành”… Trên thực tế, những thông tin trên được xào nấu từ một trang web đăng bản dịch 3 bài báo nghiên cứu khoa học trên website của Cục Quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cách đây 3 năm với nhiều phân tích đa chiều về vấn đề này nhưng đã bị người viết chủ yếu cắt ghép thông tin thổi phồng nguy cơ không đúng thực tế. Thông tin trên đã gây hoang mang, lo lắng cho một số khách hàng của công ty và nhiều nông dân trồng đậu nành ở các địa phương.

Đáng chú ý, sự việc trên đã tái diễn một kịch bản từng xảy ra cách đây 3 năm gây bức xúc dư luận. Khi đó, trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin về việc sử dụng đậu nành, hay những sản phẩm từ đậu nành có khả năng mắc bệnh ung thư, làm tăng kích thước khối u, chống chỉ định với trường hợp có u xơ, u nang, u tuyến giáp...

Các nhà khoa học bác bỏ thông tin sai sự thật

Ngay sau đó, năm 2016, các nhà khoa học trong nước và thế giới đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, được hàng chục cơ quan báo chí đăng tải như Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Công an nhân dân, Vnexpress.net, Báo An ninh thủ đô, Báo Pháp luật Việt Nam…

Trên thực tế, mầm đậu nành và tinh chất mầm đậu nành được ứng dụng trong nhiều sản phẩm hỗ trợ điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh cho phụ nữ. Tại một số hội thảo khoa học, rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng, nội tiết và ung bướu đều đã lên tiếng phản bác thông tin này. Thậm chí, một số chuyên gia còn gọi đó là những “tin rác”.

Sản phẩm BẢO XUÂN của Công ty Ích Nhân bị gán ghép xuyên tạc gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Đậu nành là một trong nhiều thực phẩm chứa “kích thích tố nữ” estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối sự phát triển sinh dục của phụ nữ. Trong thời kỳ còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kỳ mãn kinh, buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa và gây ra thay đổi tâm sinh lý trong người phụ nữ.

“Tuy nhiên, thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa một chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung thư là không có cơ sở”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức khẳng định.

Đồng quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia từng khẳng định: “Estrogen trong mầm đậu nành là estrogen thực vật hay còn gọi là phytoestrogen, không phá vỡ chức năng nội tiết, cũng không gây nguy cơ ung thư như lời đồn. Ngược lại, nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh: Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm nguy cơ ung thư”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Thiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư học, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh khẳng định:“Isoflavone trong đậu nành cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú”.

Ngay tại Mỹ, năm 1998, Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố trên trang http://www.fda.gov khẳng định tinh chất mầm đậu nành và hiệu quả tích cực hỗ trợ sức khỏe con người về: Tim mạch, xương khớp, hỗ trợ phụ nữ, chống lại sự oxy hóa. Nhiều công trình khoa học sau đó đã phủ định hoàn toàn những quan điểm cũ kỹ, lạc hậu về tác hại của đậu nành hay tinh chất mầm đậu nành và khẳng định tinh chất mầm đậu nành rất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ.

Làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đậu nành là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến sản xuất và thu nhập của hàng triệu nông dân Việt Nam, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Cụ thể: Năm 2016, tổng diện tích canh tác cây đậu nành là 94 nghìn ha, cho sản lượng hơn 147 nghìn tấn. Năm 2017, tổng diện tích canh tác cây đậu nành ước tính 100 nghìn ha, cho sản lượng 157 nghìn tấn. Năm 2018, tổng diện tích canh tác cây đậu nành ước tính 105 nghìn ha, ước tính cho sản lượng 168 nghìn tấn.

Vì vậy, những thông tin trên giống như kịch bản năm 2016 từng gây thiệt hại to lớn không chỉ cho doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm mà còn thiệt hại cho rất nhiều nông dân. Việc trồng và sản xuất cây đậu nành đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân và cây đậu nành cũng là cây chủ lực cứu cánh cho người nông dân. Thông tin xấu về đậu nành cùng những sản phẩm của nó đã gây nên sự hoang mang cho những hộ nông dân làm đậu phụ ở các làng nghề nổi tiếng như làng đậu An Vĩ (Khoái Châu, Hưng Yên), Đậu Mơ (Hà Nội)...

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thời điểm rộ lên tin đồn thất thiệt về đậu nành, đã khuyến cáo: “Khi chúng ta sử dụng mạng xã hội tiếp nhận thông tin, cần phải có bộ lọc. Đặc biệt là những thông tin có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tới môi trường kinh doanh thì chúng ta phải thận trọng. Với mức độ thông tin rộng lớn và mênh mông, nhiều chiều trên mạng xã hội thì tất cả chúng ta cần có sự cân nhắc, cẩn trọng khi xử lý thông tin. Còn tới mức có dấu hiệu hình sự, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiến hành điều tra và căn cứ vào pháp luật”.

Trao đổi với phóng viên ngày 2-5, đại diện Công ty Ích Nhân cho biết đã gửi đơn kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật theo quy định của pháp luật.

Đậu nành là sản phẩm nông nghiệp gắn với người dân Việt Nam nghìn đời nay, gắn với đậu phụ, xì dầu, tương, sữa, đồ ăn chay, mỹ phẩm nên thông tin thất thiệt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường giống như các phiên bản thông tin vải Lục Ngạn (Bắc Giang) liên quan tới viêm não Nhật Bản B làm cho hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn phải khốn đốn năm xưa, hay thông tin ăn bưởi gây ung thư làm cho cả vùng bưởi Năm Roi điêu đứng…Đề nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông sớm vào cuộc xử lý nghiêm sự việc.

MINH HẢI