Biển số giả - có tiền là có

Gần đây, xuất hiện tình trạng lái xe tải sử dụng biển kiểm soát (BKS) giả xe quân sự ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã bị cơ quan chức năng xử lý. Lái xe tiết lộ họ liên hệ với một số người hành nghề xe ôm ở chân cầu Sài Gòn (thuộc địa phận quận Bình Thạnh), khu vực vòng xoay Phú Lâm (Quận 6) để mua biển số giả. Giá cả của loại biển này là muôn hình vạn trạng tùy thuộc vào độ "thật" của biển số.

leftcenterrightdel
Lực lượng kiểm soát quân sự Tiểu đoàn 103 phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra phương tiện trên đường Kim Mã. Ảnh: Tuấn Hải. 
Theo khảo sát tại Hà Nội, chúng tôi phát hiện không ít cơ sở sản xuất BKS hoạt động "chui" ở các khu chợ, bãi xe. Từ xe máy, ô tô, biển đỏ, thậm chí cả BKS của các cơ quan, bộ ngành Trung ương 80A, 80B. Vào vai lái xe đến các bãi xe, chợ Thịnh Yên, khu làm biển số nhà trên phố Trần Nhật Duật... chúng tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin chi tiết. Khi đề cập đến BKS xe quân sự, tôi liền nhận được nhiều sự phản ứng từ các đối tượng "cò mồi" là xe ôm, người bán nước chè. Ban đầu là từ chối, quả quyết không biết. Tiếp đến là dò hỏi kỹ lưỡng, khi tin chúng tôi không phải là người của các cơ quan chức năng, họ mới cho số điện thoại (của người làm biển số). Mọi giao dịch sau đó đều là gián tiếp, thông qua điện thoại, hoặc đội ngũ xe ôm. Nói rõ nhu cầu muốn mua biển giả cơ quan nhà nước, quân đội để lắp vào xe ô tô tải, tôi nhận được câu hỏi muốn loại "giả như nhật" hay loại trung bình. Mức giá được đưa ra là 2,5 triệu đồng cho loại cao cấp và 1,5 triệu đồng cho các loại còn lại. Thấy tôi băn khoăn về giá cả, đầu kia lại tiếp thị thêm. Loại "xịn" có hình Quốc huy, nước sơn phản quang nhìn giống thật hơn. Khi đã "khớp lệnh" về giá cả, chủng loại, người đàn ông nghe điện thoại dặn tôi ngày giờ, địa điểm và đến điểm hẹn gặp xe ôm (có kèm theo số điện thoại) để lấy hàng.

Nhận hàng xong, dù gặng hỏi kiểu gì bác xe ôm (bịt khẩu trang, đeo kính đợi sẵn ở phố Minh Khai) cũng không tiết lộ về danh tính, cơ sở sản xuất hàng.

Tăng cường kiểm soát, phát hiện

Trước tình trạng trên, Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật đã triển khai kế hoạch, tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát, siết chặt quản lý hoạt động các loại xe quân sự. Trao đổi với phóng viên Báo QĐND mới đây, Thiếu tướng Phạm Văn Khánh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cho biết: “Cục Xe-Máy đang khẩn trương triển khai mọi biện pháp để quản lý, giám sát các hoạt động của xe quân sự. Mặt khác, các đơn vị phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng BKS giả”.

Trong thời gian tới, Cục Xe-Máy sẽ phối hợp với Bộ Công an và các ngành chức năng xây dựng đề án cơ cấu lại BKS xe quân sự. Thông qua các ký hiệu, số hiệu, đơn vị nghiệp vụ sẽ dễ dàng nhận diện được cơ quan chủ quản của các loại xe, máy, phương tiện. Cảnh sát giao thông dễ dàng kiểm soát, nhận diện các loại xe giả danh xe quân sự để thực hiện các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên trách như: Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu), Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31 (Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai các phương án tuần tra kiểm soát.

Trực tiếp chỉ huy tại các chốt, Đại úy Ngô Trường Giang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 cho biết: "Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tiểu đoàn đã theo dõi và phát hiện một số xe ô tô sử dụng BKS giả xe quân sự lưu thông trên một số tuyến đường thuộc TP Hà Nội". Điển hình là ngày 10-2-2017, khi Tổ công tác Đại đội 3, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 tuần tra kiểm soát, phát hiện xe ô tô BKS QB-1558 có biểu hiện nghi vấn. Khi kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ và có biểu hiện quanh co. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã xác minh chiếc xe trên thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Ngọc Thắng, biển đăng ký là 20B-0593, nhưng sử dụng BKS QB-1558 giả để lưu thông. Tiểu đoàn đã bàn giao tang vật, phương tiện cho Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội xử lý theo pháp luật. Hiện nay, không chỉ xe ô tô tải, các loại xe du lịch cũng đã sử dụng BKS giả.

Qua khảo sát thực tế cùng các lực lượng chức năng chúng tôi thấy, nếu công tác kiểm soát được tiến hành chặt chẽ, nghiêm minh thì cho dù các đối tượng có "trăm phương, ngàn kế" đối phó, vẫn khó thoát khỏi sự mưu trí của các lực lượng chức năng. Đại úy Lê Ngọc Quân, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 khẳng định: "Chúng tôi có đủ biện pháp để kiểm soát các loại phương tiện dùng BKS giả. Ngoài kinh nghiệm kết hợp quan sát, theo dõi, các tổ công tác đối chiếu các loại biển phụ".

Ngăn chặn, xử lý và phòng ngừa hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng BKS giả xe quân sự không phải là việc bây giờ mới làm. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này. Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật đã nhiều lần nâng cấp dây chuyền sản xuất biển, đưa công nghệ mới vào quy trình sơn, dập số để chống làm giả. Một trong những sáng kiến đó là ứng dụng hệ thống biển phụ cho các phương tiện quân sự. Đây là cơ sở quan trọng để lực lượng kiểm tra xe quân sự, kiểm soát quân sự dễ phân biệt giữa biển số thật và giả khi làm nhiệm vụ.

Có thể nói, việc kiểm soát, quản lý, triệt phá các đường dây BKS soát giả xe quân sự và các cơ quan nhà nước còn rất nhiều gian nan. Tuy nhiên, nếu kiểm soát chặt chẽ phương tiện lưu thông trên đường, xử phạt thật nặng, thậm chí tịch thu phương tiện thì ắt sẽ không còn người mua. Bên cạnh đó cần rà soát, kiểm tra các xưởng cơ khí, phạt tù đối với các hành vi buôn bán, tiếp tay thì có lẽ sẽ hạn chế được tối đa các đối tượng sản xuất biển số xe giả.

Bài và ảnh: TUẤN NAM