QĐND - Mặc dù đã qua vụ cấy nhưng trên nhiều cánh đồng thuộc thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) vẫn còn ngổn ngang gốc rạ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các cấp chính quyền địa phương không tổ chức làm đất để người dân cấy lúa, khiến nhiều diện tích ruộng canh tác có nguy cơ bị bỏ hoang.
Về địa phương tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, thôn Nội Xá có diện tích đất canh tác là hơn 500 mẫu Bắc Bộ (một mẫu Bắc Bộ bằng 3.600m2), trong đó hiện nay có hơn 200 mẫu chưa được làm đất, đang bỏ hoang. Nhiều người dân thôn Nội Xá cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng Ban quản trị HTX nông nghiệp thôn Nội Xá không tổ chức làm đất cho xã viên cấy lúa là do các xã viên đã tố cáo một số vấn đề liên quan tới thu, chi, cấp phát tiền Nhà nước hỗ trợ cho xã viên.
Có mặt ở thôn Nội Xá vào những ngày giữa tháng 7, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều ruộng mạ của các xã viên HTX nông nghiệp thôn Nội Xá đều đã già tuổi, nhiều diện tích đất ruộng đang làm dở hoặc vẫn còn hoang hóa. Thậm chí, nhiều khoảnh ruộng vẫn còn nguyên gốc rạ.
 |
Một số khoảnh ruộng ở thôn Nội Xá vẫn còn nguyên gốc rạ dù mùa cấy đã đến.
|
Chị Nguyễn Thị Hải ở đội 5, thôn Nội Xá cho biết: “Ruộng chưa cày bừa, nên người dân không thể cấy lúa. Tất cả làng trên, thôn dưới đã cấy xong hết, riêng thôn chúng tôi ruộng đất đều bỏ hoang. Bao khoản đóng góp chúng tôi đều nhất trí, không hiểu vì lý do gì chính quyền lại không làm đất cho dân cấy?”.
Anh Trần Văn Hiền (46 tuổi), ở đội 9, thôn Nội Xá, tiếp lời: “Chúng tôi phải bỏ tiền túi ra tự thuê máy về làm đất để có ruộng cấy, còn cấy được hay không thì cũng không thể biết được. Bởi nước trong ruộng không có, mà mạ thì đã quá thời vụ...”.
Anh Hiền cho biết thêm, trước đây người dân đều phải thuê máy lồng làm đất với giá 55.000 đồng/sào, nhưng khi thanh toán, những người có máy chỉ được thanh toán 40.000 đồng/sào, còn 10.000 đồng/sào, Ban quản trị xã giữ lại. Cùng với đó, tổng các loại phí mà người dân phải nộp là hơn 300.000 đồng/sào/năm và họ còn phải nộp thêm các khoản phí khác như: Phí diệt chuột, phí xây dựng cầu cống, kênh mương... Thế nhưng, thực tế những năm qua, Ban quản trị HTX lại không làm được cái cầu, cống nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Vạn Thái, khẳng định: “Việc đưa máy vào đồng ruộng để phục vụ người dân cấy lúa đã được UBND xã chỉ đạo và tiến hành quyết liệt. Còn người dân cho rằng có sai phạm, khuất tất, chúng tôi sẵn sàng hợp tác để phục vụ thanh tra, kiểm tra...”.
Ông Trần Duyên Hải, Chánh văn phòng UBND huyện Ứng Hòa, cho rằng: “HTX nông nghiệp là tập hợp các xã viên, trên tinh thần tự nguyện. Ban quản trị và Chủ nhiệm HTX thôn đều do các xã viên bầu ra để điều hành sản xuất. Việc không “lồng” ruộng cho dân cấy, trách nhiệm thuộc Ban quản trị HTX nông nghiệp thôn và nó thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã Vạn Thái”.
Đề nghị các cấp chính quyền xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc, sớm tổ chức làm đất để nhân dân canh tác và xử lý dứt điểm những vướng mắc, giúp nông dân yên tâm, ổn định sản xuất.
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH