QĐND - Chợ Lộc Điền, xã Lộc Điền (Lộc Ninh, Bình Phước) được xây dựng theo Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 3-4-2012 của UBND huyện Lộc Ninh, với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Chợ được xây dựng theo hướng thành trung tâm thương mại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao thương hàng hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Thế nhưng, chợ hoàn thành đưa vào hoạt động chưa được bao lâu, thì hàng loạt tiểu thương bỏ chợ, khiến cho công trình này đứng trước nguy cơ lãng phí hàng chục tỷ đồng.

Được biết, ngay sau khi UBND huyện Lộc Ninh ban hành Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 3-4-2012 chấp thuận xây dựng chợ Lộc Điền, thì Sở Xây dựng Bình Phước đã cấp giấy phép xây dựng tạm (GPXDT) số 167/2012/GPXDT với tổng diện tích là 10.015,44m2 và tổng mức đầu tư khoảng 47.409 triệu đồng. Theo đó, Công ty TNHH Hương Thịnh Nghi Sơn (có địa chỉ xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) được chỉ định là chủ đầu tư. Hình thức đầu tư là xây dựng mới và nguồn vốn đầu tư từ vốn bán ki-ốt và cho thuê sạp trong chợ. Công trình được tiến hành thi công trong năm 2012 và 2013. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án đúng theo các quy định hiện hành, được phép xây dựng bốn công trình gồm: Nhà lồng chợ B; khu nhà phố chợ 01; khu nhà phố chợ 02 và khu nhà phố chợ 05. Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND xã Lộc Điền hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chủ đầu tư thực hiện các công việc xây dựng chợ đúng theo quy định.

Chợ Lộc Điền rất khang trang, nhưng các hộ tiểu thương đã bỏ chợ ra chiến lòng, lề đường làm nơi buôn bán.

Cuối năm 2013, cơ bản các hạng mục công trình của khu chợ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ngày 17-3-2014, UBND xã Lộc Điền ra Thông báo số 10/TB-UBND về việc bốc thăm và đưa vào sử dụng nhà lồng B và C. Để bảo đảm yếu tố khách quan, dân chủ, UBND xã tổ chức bốc thăm công khai tại hội trường UBND xã. Trước khi bốc thăm, các tiểu thương tạm đóng 12.000.000 đồng/sạp (tiền đặt cọc) cho nhà đầu tư. UBND xã cũng khuyến nghị, khi đi vào hoạt động, các hộ tiểu thương không phải đóng cho nhà đầu tư một khoản tiền gì nữa. Việc đóng tiền được thực hiện khi nào có thông báo của UBND xã. Đối với những trường hợp khó khăn, các hộ tiểu thương trực tiếp đề nghị với UBND xã để có hướng giải quyết hợp lý. Đồng thời, thông báo này cũng nêu rõ: UBND xã không giải quyết các trường hợp có liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán tại khu nhà lồng B, C khi các hộ dân không thực hiện đầy đủ các nội dung trên.

Thế nhưng, đi vào hoạt động một thời gian ngắn, các hộ tiểu thương ở khu vực bán thực phẩm đã đồng loạt phản đối vì họ cho rằng, UBND xã và nhà đầu tư bán nền giá quá cao. Đã thế không bảo đảm đường vào khu chợ lồng B như theo thiết kế bản vẽ và các kết cấu hạng mục công trình không hợp lý… Những thắc mắc của các hộ tiểu thương không được giải quyết thỏa đáng, nên họ đồng loạt bỏ chợ và kéo ra ngoài chiếm dụng lòng, lề đường để buôn bán. Việc làm này khiến cho tình hình an ninh, trật tự ở đây trở nên phức tạp. Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND xã Lộc Điền nhiều lần tổ chức cưỡng chế, nhưng không thành, các hộ tiểu thương vẫn cứ buôn bán ở lòng, lề đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Luận, một tiểu thương cho biết: “Thuận theo chủ trương của UBND xã vận động tiểu thương cùng tham gia xây dựng chợ phục vụ việc buôn bán thuận tiện, hợp vệ sinh. Thế nhưng, sau nhiều lần bị đình chỉ, đầu năm 2014 cơ bản các hạng mục công trình được hoàn thành, chủ đầu tư vận động người dân mua và phân lô bán với giá 50 triệu đồng/lô/11m2. Chúng tôi chỉ quen buôn thúng bán mẹt, giờ lấy đâu ra khoản tiền ấy… Đề nghị các cấp cần công khai giá, xây dựng thêm các hạng mục đúng theo thỏa thuận, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống”.

Còn bà Trần Thị Huế, một tiểu thương khác bức xúc: “Chủ đầu tư không tuân thủ cam kết, tự ý thay đổi thiết kế, tự báo giá. UBND xã chưa nghiệm thu công trình đã ép các hộ tiểu thương vào chợ. Mọi chuyện chưa công khai rõ ràng, thì không thể bắt chúng tôi vào đó được…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho rằng: “Những vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, các cơ quan chức năng đã xử lý và công trình đã hoàn thành. UBND xã sẽ trao đổi với chủ đầu tư xem xét và giảm giá bán, thuê ki-ốt cho phù hợp. Đồng thời, tiến hành công khai bảng giá, đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn và trả góp hằng tháng. Mục tiêu cuối cùng của UBND xã là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ tiểu thương buôn bán, dần ổn định cuộc sống”.

Việc hàng loạt tiểu thương đua nhau bỏ chợ và công trình hàng chục tỷ đồng đứng trước nguy cơ lãng phí là một thực tế đang xảy ra ở xã Lộc Điền. Tình trạng trên đã và đang gây tâm lý bất an cho người dân địa phương nhưng vẫn chưa thấy đơn vị chức năng có biện pháp giải quyết cụ thể.

Chợ Lộc Điền rất khang trang, nhưng các hộ tiểu thương đã bỏ chợ ra chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán.

Bài và ảnh: THANH YÊN – SƠN LẬP