QĐND - Không chỉ lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trên 4 mặt công tác mà 3 năm qua, Đoàn Công binh Hải Vân liên tục đảm nhận những nhiệm vụ đột xuất khác, vừa mới mẻ vừa đầy khó khăn thử thách. Nhưng họ đã vượt lên chính mình bằng hiệu quả lao động trên những mặt trận mới ấy.

Dàn quân trên vùng lũ

Tháng 10-2010, những trận lũ lịch sử liên tiếp xảy ra trên diện rộng ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Công binh Hải Vân trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác cứu dân. Toàn bộ xuồng máy, xe lội nước, xe tải, phao cứu sinh, lương thực và thuốc men đã được huy động. 18 giờ chiều ngày 16-10, nhận lệnh đi ứng cứu ở Cẩm Xuyên và Hương Khê (Hà Tĩnh). Hai cánh quân cùng 13 phương tiện xe máy lên đường, kèm theo hàng nghìn thùng mì ăn liền, quần áo, nước uống và bạt chống tràn. Thiếu tá Hồ Công Dự, Phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn vượt sông 27 chỉ huy hướng Cẩm Xuyên; chuyển được 370 người dân ra khỏi vùng lũ. Sau đó lật cánh về ứng cứu cho hướng Can Lộc, phân phối lương thực cho bà con chống đói. Thiếu tá Thiều Trường Giang chỉ huy hướng Hương Khê đưa được 307 người dân ra khu vực an toàn và chuyển một người dân bị gãy chân lên bệnh viện huyện cứu chữa. Rồi liên tiếp các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, TP Vinh cũng kêu gọi ứng cứu. Thượng tá Trần Văn Sinh, Phó đoàn trưởng tham mưu trưởng, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đại úy Nguyễn Cảnh Trà, mỗi người chỉ huy một cánh quân lại lập tức lên đường.

Thi công cống thoát nước trên đường TTBG. Ảnh: TL Đoàn B14

Với kinh nghiệm vừa rút ra trong đợt lũ đầu tháng 10 ở Quảng Trạch (Quảng Bình), lính công binh Hải Vân đã chủ động và điều hành lực lượng hợp lý, hiệu quả hơn với những đợt lũ sau đó trên cả địa bàn 3 tỉnh. Khi sự cố diễn ra đe dọa đập tràn thủy điện Hố Hô (Hương Khê), lực lượng ứng cứu do Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó đoàn trưởng về quân sự chỉ huy đã phối hợp cùng các lực lượng ở địa phương khắc phục có hiệu quả. Vụ xe khách bị chìm dưới lòng sông ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sự có mặt của lính công binh Hải Vân cùng phương tiện đặc chủng đã giúp lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ trục vớt được xe và 15 nạn nhân xấu số. Đồng thời, 31 chuyến xuồng máy của đoàn đã được huy động đưa đón các vị lãnh đạo của Chính phủ và ban ngành ở Trung ương, địa phương đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả ở những địa bàn bị lụt nặng.

Gần một tháng trời chống chọi với thiên tai, dàn quân ra khắp 10 huyện của 3 tỉnh, cán bộ chiến sĩ đoàn Hải Vân đã ứng cứu được 870 người dân, vận chuyển 12.000 bộ quần áo, 6.200 thùng mì ăn liền, 290 thùng nước uống và hơn 6000 tấn hàng hóa tới tận tay bà con vùng lũ. Sau chiến dịch chống cơn “đại hồng thủy” ấy, Đoàn Công binh Hải Vân được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tặng bằng khen và Bộ Quốc phòng tặng cờ thưởng thi đua năm 2010.

Xây dựng đường tuần tra biên giới

Đây cũng là nhiệm vụ mới mẻ đối với Đoàn Công binh Hải Vân. Đại tá Trương Xuân Tân, Đoàn trưởng tâm sự với chúng tôi: “Từ trước tới nay, công binh Hải Vân chưa xây dựng công trình giao thông miền núi theo yêu cầu kỹ thuật như tuyến đường TTBG mà chỉ quen làm cầu, đường nhanh phục vụ chiến dịch. Chúng tôi thiếu thợ kỹ thuật chuyên ngành, phương tiện vật tư cũ, công suất thấp. Vì vậy, đơn vị phải mua sắm thêm 2 máy đào xúc, 2 xe ben và máy trộn bê tông, trị giá gần 6 tỷ đồng. Nhờ phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, tinh thần quyết tâm vượt khó và tổ chức hợp lý bộ máy quản lý công trường nên bước đầu chúng tôi đã đạt được hiệu quả rõ rệt trước nhiệm vụ mới này”.

Thuận lợi của Đoàn Hải Vân là thi công 3 gói thầu đường TTBG đều thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng địa hình lại là núi cao, rừng rậm hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Hạng mục đường ngang dài 7,9km ở đồn biên phòng 559 Thanh Hương-Thanh Thủy có 2 cầu, 38 cống các loại và 8 đoạn tường chắn. Hai đợt lũ quét năm 2008 và 2009 đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm sạt lở nhiều đoạn. Sau hơn 2 năm thi công, gói thầu này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12-2010. Gói thầu số 3 là đoạn đường vào Đồn Biên phòng 553 Châu Khê (Con Cuông) triển khai từ năm 2008 đến nay đã cơ bản làm xong phần nền đường. Khó khăn, thử thách nhiều nhất đối với đoàn Hải Vân là gói thầu số 4 ở Mường Típ (Kỳ Sơn) từ mốc L18 đến  L10, dài 7km, khởi công từ 2009. Nơi đây núi cao 2000m, quanh năm mây mù gió lạnh. Đoạn đường này phải xây 42 cống các loại và 8 đoạn tường chắn núi lở. Việc giải phóng mặt bằng khu vực này hiện tại vẫn chưa xong và chưa có đường công vụ. Là gói thầu nằm phía trong của tuyến nên đoàn Hải Vân đang phải chờ các gói thầu phía ngoài hoàn thành, thông tuyến mới thi công được vào tháng 11 năm nay. Đứng ở đoạn dốc của con đường lâm nghiệp gập ghềnh, chạy ngoằn ngoèo qua xã Mường Típ, chúng tôi ngước nhìn lên dãy núi mù sương trước mặt. Theo Ban quản lý dự án 47 cho biết: Thì đấy là nơi mà Đoàn Công binh Hải Vân sắp mở đường TTBG.

Hai năm qua trên công trình đường TTBG, đoàn Hải Vân đã phải giải quyết hàng loạt khó khăn: Chờ điều chỉnh thiết kế, chờ giải phóng mặt bằng, thuê nhân viên kỹ thuật và phương tiện hiện đại, đối phó với mưa lũ gây thiệt hại công trình. Đặc biệt, quá trình thi công, giá nhiên liệu, vật liệu và cước vận chuyển tăng đột biến trong khi sự điều chỉnh dự toán rất chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và phải tạm ứng toàn bộ nguồn vốn đơn vị...

Lại dàn quân ra 3 địa diểm thi công khác nhau cùng một lúc. Khó khăn vẫn còn nhiều, song cán bộ, chiến sĩ đoàn Hải Vân xác định: Đây là nhiệm vụ lịch sử của bộ đội công binh trong thời kỳ mới nên dù khó khăn, vất vả đến mấy, họ cũng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, mặc dù mức lãi rất thấp.

Đức Toàn