Trên bản đồ địa hình, Quỳnh Phụ là vùng chiêm trũng chua phèn của tỉnh Thái Bình. Còn trên bản đồ kinh tế-chính trị, Quỳnh Phụ “trũng” vì là một trong những huyện nghèo, là nơi từng xảy ra điểm nóng khiếu kiện mười hai năm trước. Là người ra đi từ những cánh đồng chiêm này, mỗi lần trở về, tôi luôn nghĩ suy, mong chờ sự thay đổi của quê hương.
 |
Các em học sinh Trường THPT Quỳnh Côi múa hát chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: ĐỨC TOÀN
|
Bức thư đặc biệt
Mỗi lần được nghe bài hát “Quê hương anh bộ đội” của nhạc sĩ Xuân Oanh, không hiểu sao tôi cứ nghĩ bài hát đó dành riêng cho quê mình, vùng chiêm trũng Quỳnh Phụ: “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà tranh vách mới. Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương, mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường…”. Một vùng quê đẹp nhưng nghèo và cái nghèo thường đưa con người đi xa. Năm 1890, tỉnh Thái Bình mới được thành lập từ phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định cũ nhưng theo sử sách thì huyện Quỳnh Phụ đã có từ đầu thời Trần, đất này thuộc huyện A Côi và Đa Dực. Trước đó, từ khoảng 500 năm trước Công nguyên, căn cứ theo những di vật tìm được, các nhà khoa học khẳng định con người đã ngụ cư đông đúc ở đây và một vùng thuộc huyện Hưng Hà ngày nay. Quỳnh Phụ vốn là mảnh đất có từ lâu đời nhất tỉnh Thái Bình nhưng sức bật lại chậm hơn nhiều địa phương khác có lẽ cũng ở cái thế, cái thời chưa nhiều thuận lợi. Một tài liệu từ thời Pháp thuộc đã khái quát bức tranh kinh tế Quỳnh Phụ như sau: “Chỉ có thổ sản về canh nông như thóc lúa, ngô, khoai, bông, thuốc lào, vân vân… đều là sản vật thường. Về kỹ nghệ, trong hạt không có nghề gì thành đạt, duy ở xã An Vệ có nghề ấp trứng vịt, một năm hai mùa trước khi gặt. Về thương mại, ở phố huyện, phố Bến Hiệp và phố Quỳnh Lang có các hiệu nam – thương buôn bán và ở Bến Hiệp lại có các hiệu hoa – thương buôn thóc, gạo và tạp hóa, còn các chợ vùng nhà quê buôn bán cũng tầm thường.…”. Nhà bác học Lê Quý Đôn vốn gốc là dân làm ruộng ở huyện Hưng Hà cũng từng đúc kết “phi thương bất phú” mà Quỳnh Phụ mấy trăm năm rồi vẫn là huyện thuần nông, rất ít ngành nghề truyền thống, công nghiệp, du lịch dịch vụ kém phát triển, giao thông không mấy thuận lợi…
Đã thế, Quỳnh Phụ còn có một ký ức hơi buồn mà mỗi lần nghĩ về nó, tôi lại nhớ đến một bức thư mình viết cách đây 12 năm, bức thư đặc biệt nhất trong cuộc đời bộ đội. Lúc đó vào một chiều mùa hè năm 1997, tôi đang là học viên sĩ quan ở Học viện Chính trị thì bất ngờ được đồng chí Nguyễn Hữu An, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn gọi lên cùng với một số anh em đồng hương huyện Quỳnh Phụ. Chúng tôi được giao nhiệm vụ: Viết thư về quê, động viên gia đình thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh để kẻ xấu kích động… Quãng thời gian tôi mới nhập ngũ cũng là lúc quê tôi chuyển mình mạnh mẽ về “điện, đường, trường, trạm”. Làm được điều đó, dù miền quê còn nghèo hơn nhiều địa phương khác tôi nghĩ cũng do cái chất từ thời “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” năm xưa. Hồi những năm 1994-1995, mỗi lần về quê, đi trên con đường mới tinh còn mùi nhựa, tôi rất tự hào nhưng cũng thoáng chút băn khoăn khi nghe bà con kể chuyện: Ông Chủ tịch xã tôi mua ô tô con, thuê người lái xe riêng. Thời ấy, cả làng mới có 1 đến 2 cái xe máy mà ông Chủ tịch xã vốn chỉ quen đi dép lại chơi sang, mua cả ô tô thì quả là thông tin gây sốc. Tôi không phải chờ lâu để kiểm chứng sự băn khoăn ấy. Đi đầu trong điện, đường, trường, trạm những năm đầu đổi mới, song cung cách làm ăn, quản lý kinh tế cấp xã ngày ấy còn khá “lôm côm” đã dẫn đến hiện tượng tham ô, tư túi, dám ăn, dám chơi như ông Chủ tịch xã, làm mất lòng tin của dân, khiếu kiện ngày một nhiều. Cùng với đó, thêm một số phần tử xấu kích động, Quỳnh Phụ rơi vào tình trạng mất ổn định xã hội khá nghiêm trọng. “Khiếu kiện đông người, kéo dài diễn ra ở hầu hết các xã trong huyện (ở 36/38 xã), cao điểm nhất là vào năm 1997. Quần chúng bộc lộ tâm lý thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở. Cá biệt, tại một xã, lợi dụng người dân khiếu kiện, những kẻ quá khích đã kéo đến vây ráp, đốt phá trụ sở… Vào thời điểm đó, Quỳnh Phụ được đánh giá là “điểm nóng” nhất về tình trạng mất ổn định ở nông thôn. Mất ổn định xã hội kéo theo cả sự thụt lùi về kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất từng được nhiều địa phương trong cả nước về tham quan, học tập bị… biến mất. Tình trạng nợ đọng diễn ra ở hầu hết các xã trong huyện - đồng chí Trần Trung Trực, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Quỳnh Phụ nhớ lại.
Lê-nin từng nói một câu đại ý rằng: Vấp ngã không phải là điều đáng sợ, đáng sợ là không biết đứng dậy và rút ra những bài học cay đắng. Quỳnh Phụ đã biết đứng dậy. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật cùng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và của cấp trên, các khuyết điểm đã được “giải phẫu”. Theo đồng chí Vũ Đức Bính, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ thì quan trọng nhất là các cấp ủy Đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ổn định do chủ quan, nóng vội, buông lỏng việc lãnh đạo trong quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng. Từ đó, một số cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân... Huyện đã lập các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra kinh tế, thanh tra tại 33/38 xã, thị trấn, thu hồi về cho Nhà nước nhiều tỉ đồng. Cũng tại thời điểm này, Quỳnh Phụ đã xử lý 468 cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt. Những phần tử quá khích được xử lý đúng người, đúng tội, một số bị kết án tù giam, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, niềm tin của nhân dân ngày càng nâng cao. Từ năm 2001, “vùng trũng” trở lại ổn định và phát triển…
 |
Nghệ thuật Chèo và múa kéo hội cổ truyền ở Quỳnh Phụ còn được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: ĐỨC TOÀN
|
Dấu chân người lính đồng chiêm
Trở về Quỳnh Phụ nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện, nghe tôi kể về bức thư năm xưa, Đại tá Bùi Trung Chuyển, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thái Bình và Thượng tá Nguyễn Khắc Đản, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quỳnh Phụ cùng bồi hồi kể lại những ngày các anh đưa bộ đội về “3 cùng” với dân. Khi cái xấu, cái tham ô của những phần tử cá biệt bị dân “dị ứng” đến mức có người cực đoan, mất bình tĩnh thì những người lính là con em của dân cùng ở, cùng làm, cùng ăn với dân đã dần dần nói cho họ hiểu. Ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác Đảng, công tác chính trị. Ở đâu có dấu chân người lính đi qua, tình đoàn kết quân dân thêm gắn bó. Trong lịch sử Thái Bình, đây không phải lần đầu người lính “ra quân” về các làng quê tuyên truyền vận động nhân dân. Chuyện ở vùng công giáo Tiền Hải, vốn là vùng địch hậu ác liệt với 80% dân số theo đạo Công giáo là một ví dụ. Bộ tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn năm nào từng nói lên khó khăn trong công tác vận động quần chúng ở vùng địch hậu sau cải cách. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Ngọc Trìu đã có lần kể về vai trò của bộ đội khi về với dân. Bọn phản động rất thâm độc, chúng xúi giục đồng bào Công giáo vác gậy gộc đi biểu tình, thậm chí còn gây tình huống oái oăm: Xúi nhiều chị em phụ nữ… cởi truồng. Tiểu đoàn bộ đội về phối hợp vận động quần chúng toàn anh em trẻ, thấy thế xấu hổ lúng túng như gà mắc tóc. Nhiều phụ nữ cởi truồng nằm tênh hênh, bộ đội không dám đến gần. Bí thư Tỉnh ủy nghĩ mãi, tìm ra cách bày cho bộ đội: Anh em thấy chị nào cởi truồng thì cứ mạnh dạn… ẵm chạy vào nhà dân. Thế là các chị xấu hổ tự động giải tán…”.
Bộ đội là con em của dân và bộ đội luôn là đội quân công tác quan trọng của chính quyền. Nhưng đã là người lính, đi đâu, làm gì, lên cấp tá hay cấp tướng gì thì ai cũng nặng lòng với quê hương. Tôi gặp rất nhiều sĩ quan cấp cao và nhiều doanh nhân cựu chiến binh trở về quê hương. Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Viết Tạo từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về, thời trẻ ông là một thanh niên chỉ quen đánh dậm đồng chiêm, nay là chủ nhiều dự án lớn. Ông cho rằng, muốn giàu có, Quỳnh Phụ phải chăm lo cho giáo dục. Có học giỏi, có ý chí thì mới có thể đi xa, thoát nghèo và làm giàu. Có nhiều việc cần làm, cần đầu tư nhưng ông Tạo ưu tiên tặng 150 triệu đồng cho các quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam của huyện và Ban CHQS huyện…
Quỳnh Phụ không còn là vùng trũng về cơ sở chính trị xã hội nhưng bài toán thoát nghèo thì còn ngổn ngang trăm mối. Quỳnh Phụ đã có nhiều xã đi đầu trong tỉnh, xác lập được những cánh đồng 50 triệu, 100 triệu đồng trên một héc-ta nhưng sản phẩm làm ra nhiều mà vẫn thiếu các nhà máy chế biến nông sản. Các cụm công nghiệp chưa thu hút được nhiều dự án mạnh và hiệu quả. Hệ thống giao thông sau nhiều năm xuống cấp, đường xấu, cầu thiếu ở nhiều nơi.
Tạm biệt Quỳnh Phụ, trở về với hối hả công việc thường ngày, tôi vào mạng internet, gõ tìm kiếm tên huyện trên google như một thói quen thường nhật. Bất giác, tôi gặp bài báo nói về Quỳnh Phụ trên báo điện tử VnExpress như thế này: “Có thể du khách sẽ chóng quên Quỳnh Côi - thị trấn nghèo nàn, nhỏ bé của huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, nhưng không dễ quên món canh cá Quỳnh Côi…”. Thoáng chạnh lòng để hi vọng một ngày trở lại, Quỳnh Phụ sẽ có nhiều điều gây ấn tượng chứ không phải chỉ có món canh cá Quỳnh Côi…
Bút ký của NGUYỄN VĂN MINH