QĐND - Vợ chồng ông bà Nguyễn Liên Thành - Nguyễn Thị Thịnh ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An), dù tuổi già sức yếu, nhà nghèo, nhưng với tình người cao cả, họ đã cưu mang ba mảnh đời bất hạnh.
Nam lộc là xã nghèo của huyện Nam Đàn, nằm dọc dưới chân đồi thấp và hẹp, toàn những ngôi nhà tranh, nhà ngói nhỏ thấp lè tè, cũ mốc, phủ đầy rêu... Tôi đến đầu xóm, hỏi thăm nhà ông Thành, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Vào nhà ông, ngôi nhà nhỏ ba gian đơn sơ chỉ có một cái bàn mộc thô và bốn chiếc ghế nhựa.
 |
Ông Thành bên người con trai bà thông gia được ông nuôi nấng. |
Căn nhà nhỏ mỗi lúc một đông vui hơn khi có thêm mấy người hàng xóm sang chơi. Sinh năm 1941, thời thanh niên ông Thành tham gia công tác trong hợp tác xã. Những năm 1969 – 1972, bà Thịnh xung phong chèo đò ngay trên dòng sông Lam để đưa đón bộ đội qua sông. Hòa bình, họ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Bảy lần bà Thịnh mang nặng đẻ đau nhưng chỉ nuôi được 4 đứa con. Dù thiếu thốn trăm đường nhưng vợ chồng ráng nuôi các con trưởng thành.
Nở nụ cười hiền từ trên khuôn mặt nhăn nheo, bà Thịnh tự hào kể với tôi: “Ông nhà tui biết đối nhân xử thế, chăm sóc bố mẹ nội ngoại tận tình, hết mực thương yêu”.
Hơn 22 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với chức trưởng thôn, ông Thành luôn được bà con tín nhiệm bởi lòng nhiệt huyết, không vụ lợi cá nhân. Làng trên xóm dưới, hễ ai có chuyện buồn vui thì ở đó có vợ chồng ông Thành chia sẻ, động viên và thăm hỏi.
Bốn đứa con của ông bà đã yên bề gia thất, gánh nặng vơi đi phần nào. Nhưng sự việc bất ngờ và cảm động đến với gia đình ông khi đứa con trai đầu lấy vợ là người cùng xóm. Hoàn cảnh gia đình cô con dâu cả là Đậu Thị Hường vốn éo le. Bố Hường mất sớm, hai chị em lần lượt đi lấy chồng để lại người anh Đậu Văn Kính bị dị tật bẩm sinh cho người mẹ già Hà Thị Ân. Năm 2002, sau khi đã vắt kiệt sức lực để chăm sóc đứa con tội nghiệp, bà Ân lâm bệnh nằm liệt giường.
Tình thương đã thôi thúc vợ chồng ông Thành đưa bà Ân và anh Kính về chăm sóc tại nhà mình. Ông Thành tâm sự: “Biết là khó khăn nhưng năm 2007 tui quyết định bàn với vợ và được vợ đồng ý. Cả nhà thống nhất đưa bà Ân cùng anh Kính về ở ngay tại nhà mình”. Từ ngày có bà thông gia, không khí gia đình ấm cúng và vui hơn. Bà Ân và anh Kính chỉ nằm một chỗ nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Thành, bà Thịnh thay nhau chăm sóc, lo từng bữa ăn đến giấc ngủ. Hằng ngày, hình ảnh ông Thành tận tay bón từng thìa cháo, thìa cơm, tắm rửa… cho mẹ con người thông gia đã quen thuộc với bà con nơi đây. Ai cũng bảo hiếm người làm được như thế.
Một lần khác, ông Thành đi làm đồng về thì bắt gặp bà cụ Nguyễn Thị Tân, 80 tuổi thất thểu ở đường làng. Tìm hiểu nguyên do mới biết bà Tân sống lang thang phiêu dạt bằng nghề ăn xin, không họ hàng anh em thân thích. Xót thương cho hoàn cảnh éo le của người đàn bà góa bụa không nơi nương tựa, ông Thành đón bà Tân về nhà cho ăn uống rồi “nhận” nuôi. Ông Thành bảo: “Thương bà cụ không biết đi mô về mô. Tui huy động xóm làng dựng một túp lều tranh cạnh nhà mình làm nơi nương thân cho bà cụ”. Cũng từ đấy, bà Tân sống trong sự thương yêu đùm bọc của vợ chồng bà Thịnh, ông Thành và xóm làng. Bốn năm trôi qua, đôi vợ chồng già đã cưu mang ba con người hẩm hiu, bất hạnh, tình cảm của họ như tình máu mủ ruột thịt. Mới đây, do tuổi cao sức yếu, bà Ân và bà Tân đã qua đời, giờ chỉ còn mỗi anh Kính.
Ông Thành đã vinh dự được ba lần đi dự hội nghị điển hình tiên tiến người cao tuổi tỉnh Nghệ An và Đại hội thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng” toàn quốc.
Bài và ảnh: Hà Long – Sỹ Thái