QĐND - Trong các vua triều Nguyễn, Minh Mạng là vị vua có nhiều đóng góp đối với công cuộc mở mang đất nước, tái thiết kinh đô, đưa nước Đại Nam vào hàng những quốc gia mạnh ở Đông Nam Á. Đặc biệt, ông còn là vị vua để lại nhiều dấu ấn trong việc khai phá, quản lý và bảo vệ biển, đảo của đất nước. Theo những tài liệu còn để lại, đặc biệt là kho Châu bản hiện còn, chúng ta có thể khẳng định: Minh Mạng là vị vua cho công bố nhiều văn bản Nhà nước về việc quản lý vùng biển, đảo Hoàng Sa nhất.
 |
Chân dung vua Minh Mạng theo minh họa trong sách của Giôn Crâu-phu(xuất bản năm 1828).
|
Là một vị vua có tầm nhìn về biển, Minh Mạng đã cho lập bia xác định chủ quyền trên Hoàng Sa năm 1823. Ông còn cho xây cả một hệ thống bố phòng trên bờ biển và trên đảo. Đây là một việc làm hiếm thấy trong lịch sử, chưa có một vị vua nào làm được điều đó.
Cũng vào thời Minh Mạng, ba vùng biển Việt Nam được thể hiện sinh động trên Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu. Đó là hình ảnh sông nước nhấp nhô, ẩn hiện nhiều đảo lớn nhỏ. Chính giữa hình ảnh là đại tự khắc nổi ghi tên mỗi vùng biển: Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải. Đây là minh chứng cụ thể khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước độc đáo, ấn tượng nhất mà vua Minh Mạng để lại trong tiến trình lịch sử bảo vệ và giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc.
Không chỉ có vậy, việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam thời vua Minh Mạng còn được thể hiện bằng nhiều cách khác như: Những nơi bờ biển xung yếu hoặc gần kinh đô, triều đình cho xây hàng loạt các pháo đài canh phòng và không ngừng tăng cường phòng thủ. Vua cũng thường cử các đội đi thăm dò, tuần thám các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa kiêm đội Bắc Hải được trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và làm nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đến ngày nay thì vua Minh Mạng không chỉ là người chủ trương vươn ra biển, đảo mà còn là người trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện hết sức cụ thể, với nhiều bản chỉ đạo việc đo vẽ bản đồ, cắm mốc hải giới, trồng cây, xây miếu thờ trên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu Huế đã thống nhất nhận định rằng: Trong 13 vua triều Nguyễn, Minh Mạng là người để lại số lượng văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về vấn đề khai thác, bảo vệ Hoàng Sa nhiều nhất.
Hằng năm, nhà Nguyễn đều cử người ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ. Trong số các văn bản Châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa, có rất nhiều văn bản đề cập đến hoạt động này. Chẳng hạn: Bản tấu của Bộ Công ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) có nội dung: “Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày là lần này đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng, trong đó có 12 hòn đảo đoàn đến kiểm tra lại còn 13 đảo đoàn chưa đến. Theo viên dẫn đường Võ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có bốn vùng, lần khảo sát này được ba vùng còn một vùng phía Nam. Nơi này cách nơi kia khá xa. Gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành tới đó không tiện, đợi gió thuận thì muộn vậy xin đợi đến năm sau. Lại xem xét bốn bản đồ đem về, có ba bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung. Cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho nhà chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình”.
Theo các sử liệu mới được phát hiện, chỉ trong năm 1834 đã có ít nhất hai đội thuyền được cử đi.
Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.
Không chỉ khuyến khích mà vua Minh Mạng còn đưa ra chính sách thưởng phạt rất nghiêm khắc đối với những đoàn ra công cán ở quần đảo Hoàng Sa. Nhiều đoàn thực hiện tốt công việc đã được triều đình trọng thưởng, nhưng cũng có những đoàn không tuân theo ý chỉ của triều đình đã bị phạt. Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) có đoạn: “Nội Các vâng mệnh truyền dụ: Những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa được nhà vua ban thưởng. Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng... Còn về các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ bản đồ chưa rõ ràng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên lính trong tượng, cục đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái”.
Cũng về vấn đề này, Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có nội dung: “Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay đã trở về. Trừ viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn ra, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ xuất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành...”.
Đặc biệt, qua các châu bản này, triều Nguyễn còn tỏ ra là một quốc gia biển rất có trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) có nội dung: “Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ tâu trình việc chủ thuyền buôn người Pháp Đô-ô Chi-ly cùng phái viên người Việt Lê Quang Quỳnh đi buôn bán ở Lữ Tống (Phi-líp-pin) gặp nạn tại Hoàng Sa. Thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ được báo đã sai thuyền tuần tiễu cứu họ”.
Tờ trình tấu được làm ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 được chuyển ngay đến nội các triều đình, nhanh chóng được châu phê và được sao gửi cho thương thuyền để làm thủ tục xin dấu thị thực ngay trong ngày tiếp theo. Câu chuyện cũng như bút tích châu bản cho thấy, những công vụ và quan hệ bang giao cũng như buôn bán quốc tế có liên quan đến biển, đảo Hoàng Sa thời đó được quan tâm và thực thi nhanh chóng bởi chính quyền phong kiến nhà Nguyễn.
Về việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, sách “Đại Nam thực lục” có ghi: “Mùa đông, tháng 12, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền tam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, ban dụ cho các quan đầu tỉnh sắp xếp nơi trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo cho họ. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt... Ngoài ra, nhà vua còn sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tùy tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Ban sắc sai Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bên tàu Hạ Châu, cho về nước”.
Những tờ châu bản trên là tài liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động do Nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua. Những văn bản này cũng chứng tỏ dưới thời vua Minh Mạng, việc mở mang lãnh hải, xác định chủ quyền biển, đảo đất nước đã được kế thừa và phát huy hết sức hiệu quả mà không phải vị vua triều Nguyễn nào cũng làm được. Nhờ những công lao to lớn ấy của vua Minh Mạng, hiện nay chúng ta có thêm nhiều bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và là bài học quý báu cho chúng ta cũng như các thế hệ mai sau trong việc bảo vệ và giữ gìn biên cương lãnh hải của Tổ quốc.
HỒNG NHUNG
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn các tập 68, 54, 57, 43.