Trung tướng Sùng Lãm. Ảnh: Mạnh Hùng

Trung tướng Nguyễn Sùng Lãm năm nay 84 tuổi, ông nguyên là Sư trưởng Sư đoàn 320 nổi tiếng, xuất thân từ gia đình nông dân yêu nước và luồng gió cách mạng đã cuốn ông vào cuộc đời chinh chiến oai hùng gắn với tên gọi từng làm ám ảnh kẻ thù “hùm xám đồng bằng”…

Năm 1944, ông vào đội du kích làng. Ngày đó, đội du kích lấy vỏ bọc là đội bóng làng để che mắt bọn địch và hoạt động hợp pháp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, cả nước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, đội du kích làng ông đã tham gia đánh giặc ở bến đò Triều gần nhà, lấy gạo ở thuyền giặc mang về chia cho dân làng, phá phà giặc ở bến Triều và bến đò Mây, tham gia giành chính quyền ở huyện Kim Môn, Hải Dương.

Ngày đó, đội du kích làng lấy được 21 khẩu súng các loại của giặc, ông Sùng Lãm đã cùng một số anh em trong đội mang 17 súng trường Pháp gia nhập chiến khu Trần Hưng Đạo ở Đông Triều. Ông tiếp tục tham gia đánh quân Nhật, quân Tưởng và thổ phỉ, giành chính quyền ở Quảng Yên, Hải Phòng, Hòn Gai… Mới 20 tuổi, ông đã là chỉ huy đại đội năng nổ, cùng Trung đoàn 64 về hoạt động ở Thái Bình, đánh địch cơ động ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Ông tiếp tục được đề bạt làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 706 thuộc Đại đoàn Đồng Bằng. Đơn vị ông tham gia các chiến dịch Quang Trung, Hoà Bình, đánh giặc ở vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tạo được thế vững mạnh và phối hợp với chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ.

Trung đoàn 64 thời đó nổi tiếng hoạt động đánh địch táo bạo ở vùng đồng bằng, làm bọn giặc rất kiêng nể. Bọn chúng gọi ông là “Hùm xám đồng bằng”. Tướng Sùng Lãm cho biết, cách đánh của Đại đoàn 320 ngày đó là chủ động mở các chiến dịch tấn công quân địch, phối hợp chặt chẽ giữa 3 thứ quân (chủ lực, địa phương và du kích). Từ Tiểu đoàn trưởng trở thành Trung đoàn trưởng, ông có tiếng là một chỉ huy dũng cảm, rèn quân nghiêm túc. Đối với đồng đội và chiến sĩ ông yêu thương hết lòng, lấy giáo dục làm cốt yếu, trong chiến đấu ông rất nghiêm khắc giao nhiệm vụ cho chiến sĩ, nhưng ngoài giờ nghỉ ngơi ông cùng anh em vui chơi đánh cờ và đá bóng… Năm 1952, ông được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người vì thành tích “Cán bộ chỉ huy gương mẫu”.

Tôi luyện trong chiến đấu, ông được đề bạt lên làm tham mưu trưởng Sư đoàn 320, đi học tại Học viện quân sự cao cấp Nam Kinh, Trung Quốc. Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, ông về nước và được bổ nhiệm làm Sư đoàn phó và sau đó làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu đánh giặc tại mặt trận Quảng Trị - Đường 9. Tết Mậu Thân 1968, ông được bổ nhiệm vào Bộ tư lệnh Tiền phương, chỉ huy các trung đoàn tham gia đánh địch ở Huế và làm Tư lệnh Mặt trận B7, Tư lệnh phó Quân khu Trị - Thiên, tham gia chiến dịch Nam Lào. Quân Mỹ - ngụy ở Quảng Trị thời đó cũng đã phải kinh hãi nghe tiếng Sư đoàn 320, vì sư đoàn của ông là một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của ta, chiến đấu dũng cảm, đánh đâu thắng đó. Bọn chúng đã phải rải truyền đơn và đặt giải thưởng rất cao cho ai bắt được tướng “Hùm xám” Việt cộng Sùng Lãm! Tháng 11-1971, ông được điều về tiếp tục chỉ huy Sư đoàn 320B, đánh địch tái chiếm Quảng Trị và giữ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử, tham gia chiến dịch đánh quân giặc lấn chiếm cảng Cửa Việt, Cửa Tùng…

Ngày ấy, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1972, ở Quảng Trị mưa tầm tã như trút nước, tất cả các giao thông hào, hầm trú ẩn và hầm chỉ huy ngập đầy nước. Là Tư lệnh chiến trường nhưng tướng Sùng Lãm cùng với bộ đội mỗi người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, ngâm mình cả ngày trong hầm chỉ huy anh em đánh giặc. Có những đêm ông cùng anh em trinh sát bơi qua sông Thạch Hãn vào thị sát và động viên bộ đội chiến đấu giữ Thành cổ…

Sau khi đi học quân sự ở Liên Xô (cũ), năm 1979, chiến tranh xảy ra ở Biên giới phía Bắc, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân khu 1 và sau đó làm Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh. Sau này được về nghỉ hưu, ông vẫn tham gia chỉ đạo viết lịch sử chiến tranh cho các Trung đoàn, Sư đoàn và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Ông viết hồi ký đánh Pháp, đánh Mỹ và viết báo. “Kẻ thù gọi ông là “hổ xám” chắc ông rất… dữ dằn?”. Nghe tôi hỏi, ông cười hiền: “Thằng địch nó gọi thế chứ cả đời tôi chưa bao giờ quát mắng, nói tục và có những hành động quân phiệt với cấp dưới, tôi sống hoà mình với anh em nên tạo cho mình cái uy…”.

KIỀU DUYÊN – HOÀNG PHONG