Tròn 50 năm trước, Trường cấp 3 Việt Nam-Ba Lan được thành lập trên mảnh đất Thanh Trì-Hà Nội. Ngôi trường ra đời đánh dấu sự phát triển của ngành giáo dục Thủ đô, đồng thời là biểu tượng tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Ba Lan đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam. Tôi may mắn được là học sinh của ngôi trường hữu nghị ấy. Và có lẽ trong số các thế hệ học trò 50 năm ấy của trường, không có khóa học nào phải chịu đựng bom đạn ác liệt như khóa chúng tôi. Bởi vì năm học 1965-1966, lứa chúng tôi vào trường cũng là năm cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bắt đầu lan đến Thủ đô Hà Nội.
 |
Đại diện Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội và lãnh đạo nhà trường tại lễ khánh thành các phòng học chức năng do Chính phủ Ba Lan tài trợ, tháng 1-2009. Ảnh: Truyền Thống
|
Ngày ấy, các lớp học phải sơ tán ra khắp các làng xã xung quanh trường. Hành trang đến lớp của chúng tôi, ngoài sách vở, còn có thêm chiếc mũ rơm để phòng tránh bom đạn Mỹ. Những chiếc mũ rơm lúc đầu chỉ đơn giản là những đoạn nùn rơm nhỏ quấn lại như cái rế lót nồi. Sau đó, có lẽ là do học trò Hà Nội thích làm đẹp nên mũ được bện bằng bẹ bắp ngô trắng mịn khâu lại thành những chiếc mũ rộng vành, có quai chắc chắn. Con gái đội mũ này trông cũng rất thời trang! Năm lớp 8, chúng tôi được sơ tán vào học trong đình chùa của các làng Linh Đàm, Đại Từ… Sang năm lớp 9, đế quốc Mỹ liều lĩnh leo thang. Đến bây giờ tôi vẫn không quên trận bom Mỹ đánh trúng kho xăng Đức Giang-Gia Lâm ngày 29-6-1966, bốc lên cột khói cao, dày đặc, che kín một góc trời Hà Nội. Chúng tôi lại phải sơ tán về các thôn Bằng A, Bằng B… Lớp học được dựng bằng tre, lá… xung quang đắp ụ đất cao tới ngang mái nhà. Từ những phòng học dã chiến này có các cửa dẫn ra hào giao thông dích dắc hình chữ chi, từng đoạn lại có các hầm kèo chữ A để trú ẩn khi có báo động. Ngồi dưới hầm trú ẩn, thầy trò chúng tôi chỉ mong sớm nghe thấy tiếng loa của đài truyền thanh Hà Nội thông báo "Đồng bào chú ý… Đồng bào chú ý… Máy bay địch đã bay xa…" để tiếp tục ra khỏi hầm, theo hào giao thông trở vào lớp. Vào thời kỳ ác liệt, có khi một tiết học phải bị đứt quãng mấy lần như thế!
Ngày 2-12-1966, máy bay Mỹ ném bom xuống ngôi trường thân yêu của chúng tôi. Hôm ấy nhằm thứ sáu, lớp 9D sơ tán của chúng tôi đang học bên bờ sông Tô Lịch của thôn Bằng B, khi sắp hết giờ học thì có còi báo động. Chúng tôi theo hào giao thông, vừa tản ra các hầm trú ẩn đã nghe tiếng máy bay phản lực Mỹ xé gió gầm rít trên đầu và tiếng pháo cao xạ của bộ đội ta đánh trả quyết liệt. Bầu trời tưởng chừng như sắp vỡ toác ra, còn đất dưới chân thì chao đảo… Bỗng tiếng ai đó gào lên: "Trường mình bị bom rồi!". Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều ngoi lên, hướng mắt nhìn về phía trường chính. Tất cả lặng người đi khi nhìn thấy những cột khói đen đặc đang bốc lên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu được bằng cách nào mà ngay chiều hôm ấy, chúng tôi đã biết tin thầy chủ nhiệm Lê Lục của lớp chúng tôi bị bom vùi cùng một số cô giáo và các bạn lớp 9I. Một nhóm anh chị em trong lớp chúng tôi kéo nhau vào bệnh viện Bạch Mai. Thầy chỉ bị sức ép do bom nổ quá gần và bị vùi trong hào giao thông…
Chưa hết! Sau đó hơn chục ngày, máy bay Mỹ lại ném bom xuống trường lần thứ hai, nhưng lúc ấy tất cả thầy trò đã sơ tán hết. Sau trận bom ấy, ngôi trường của chúng tôi bị phá hủy hoàn toàn, tất cả chỉ còn là một đống gạch vụn và những hố bom toang hoác. Những ngày tiếp theo sau đó là những ngày long đong nhất trong cuộc đời học trò của chúng tôi. Địa điểm học cứ vòng quanh như đèn cù khắp các thôn xã xung quanh trường như Bằng A, Bằng B, Thanh Liệt, Đại Từ, Định Công… Có thời gian, vì ban ngày báo động máy bay Mỹ quá nhiều, không thể học được, chúng tôi phải chuyển sang học ban đêm. Thế là hành trang của chúng tôi đến lớp lại có thêm chiếc đèn dầu. Tất cả các ngọn đèn đều phải che bớt lại để không bị lộ sáng ra ngoài. Vậy mà thầy trò vẫn cứ vui vẻ dạy tốt và học tốt… Suốt cả năm học lớp 9 và lớp 10, chúng tôi phải học trong cảnh tù mù dã chiến như thế. Hà Nội đã thực sự là mục tiêu ác liệt không kém các địa phương trong tuyến lửa. Máy bay Mỹ đã bị bắn rơi ngay trên đường phố Lê Trực. Phi công Mỹ có tên đã nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Nhân dân nội thành hầu như đi sơ tán gần hết…
Vượt lên bom đạn của giặc Mỹ, mùa hè năm 1968, chúng tôi đã tốt nghiệp cấp 3, tạm biệt mái trường thân yêu để vào các trường đại học. Để rồi tiếp những năm sau đó, trong khí thế hừng hực "gác bút nghiên lên đường ra trận", hơn một vạn sinh viên các trường đại học ở Thủ đô đã rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Tôi cũng trở thành anh bộ đội ngay từ đợt đầu tiên, khi vừa hết năm thứ hai Khoa Văn-Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Một đêm tháng 9-1970, trên chuyến tàu chở cánh lính sinh viên chúng tôi rời Thủ đô Hà Nội vào chiến trường, khi tàu đi qua khu vực trường Việt Nam-Ba Lan, tôi cố dán mắt qua cửa kính toa tàu để khắc ghi lại hình ảnh mái trường thân yêu, dù lúc ấy mới chỉ dựng tạm bằng tranh tre. Trong túi áo ngực của tôi, rạo rực bài thơ của cô bạn đồng môn:
Ngôi trường nằm sát đường tàu
Vòm lá rung rinh như những bàn tay vẫy
Mỗi khi đoàn tàu đi qua…
Trường lại học rồi nhưng lớp vẫn đơn sơ
Chưa có gạch ta dựng tạm nhà tranh
bên hố bom lấp dở
Tiếng còi tàu đi vào trang sách mở
Bài học đầu tiên về những người đi xa…
Không ai nhớ nhiều về phượng nở
những mùa hoa
Chỉ biết từ nơi này ra đi đã bao thế hệ
Những âm thanh ở đây vẫn vẹn nguyên
như thế
Bóng lá sân trường đùa nắng xôn xao
Những đoàn tầu xuôi về phương
Nam
Vẫn mang theo ngôi trường - nỗi nhớ...
Nguyễn Hữu Mão