QĐND - Năm nay, Hội Bạn chiến đấu của đoàn 203 gặp mặt truyền thống sớm hơn thường lệ. Tôi gọi điện mời anh Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng cũ của mình về dự. Từ đầu bên kia, một giọng nói có phần mệt mỏi trả lời: “Tớ dạo này không được khỏe”. Ngưng một lát, anh tiếp: “Nhưng được rồi! Tớ sẽ cố gắng thu xếp để về dự với anh em”. Tôi thấy se se buồn. Người ta không gắng gượng được với thời gian, còn đâu giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát hơi có phần băm bổ mà năm ngoái tôi còn được nghe. Nhẩm tính trong đầu, cũng phải thôi, năm nay anh thuộc hàng sắp “cổ lai hy” làm sao còn khỏe như xưa được nữa ...

Đường đến cây số cuối cùng

Thế là chúng tôi quyết phải về thăm nhà anh. Từ Hà Nội, hai anh em tôi lên đường luôn. Chú em, ít tuổi, chưa từng kinh qua trận mạc song cũng là người ham đọc và hay chuyện. Chú cũng đọc cuốn “Hành trình đến dinh Độc Lập” của tôi viết về đại đội mình rồi nên hai anh em chuyện trò sôi nổi lắm. Chú còn tọc mạch hỏi thêm về những chi tiết mà tôi chưa có điều kiện kể lại trong cuốn truyện ký đó, làm tôi càng bồi hồi nhớ về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng, đau thương mà lãng mạn ấy. Quả thật, số phận cái Đại đội xe tăng 4 của chúng tôi cũng lắm truân chuyên, cũng nhiều gian khổ song cũng thật là vinh dự.

Anh Thận trước cửa hàng nhỏ ở quê.

Năm 1972, khi đang chuẩn bị tham gia chiến dịch Quảng Trị thì đại đội tôi được rút khỏi đội hình Lữ đoàn 203 để đi độc lập vào khu vực A Lưới “làm một mũi dao thọc vào mạng sườn quân địch ở Huế”. Tổ chức cho một đại đội xe tăng hành quân độc lập đường dài, phải vượt qua dãy Trường Sơn sang Lào rồi vòng về Việt Nam trong điều kiện không quân Mỹ ngăn chặn quyết liệt không hề đơn giản chút nào. ấy thế nhưng sau hơn nửa tháng hành quân, chúng tôi cũng đã đến vị trí tập kết mà cấp trên quy định. Tuy nhiên, cái giá phải trả là xe tăng số 388 cùng 4 chiến sĩ đã mãi mãi không trở về. Tiếp đó là những ngày gian khổ của mùa mưa năm 1972 ven con sông Bồ. Đường thì sạt lở, xe không cơ động được. Trên trời là máy bay đánh phá. Dưới đất thì địch nống ra, có khi chỉ cách vị trí trú quân 3-4km, tưởng chừng chỉ còn quyết tử, một mất một còn với chúng đến nơi… Bám trụ gần 1 năm ở đó, thêm 3 chiến sĩ hy sinh và hàng chục người bị thương vì bom, vì pháo, vì sốt rét... Mãi đến khi Hiệp định Pa -ri chuẩn bị được ký kết mới xuất trận đầu tiên, đánh chiếm cứ điểm Tà Lương mở rộng vùng giải phóng. Tiếp đó là hơn hai năm ẩn mình chờ thời cơ ở A Lưới.

Mùa xuân 1975, đại đội tôi đã đánh một mạch từ Núi Bồng, Huế, Thuận An, Đà Nẵng cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, Đại đội 4 được bố trí trong thê đội 1 của Quân đoàn 2 nên chưa tham chiến trong những ngày đầu. Tuy nhiên, khi đơn vị bạn đánh ba trận không chọc thủng được phòng tuyến Nước Trong, Lữ đoàn lại phải tung Đại đội 4 vào đột phá. Chỉ một trận ngày 29-4, cánh cửa Nước Trong đã mở toang, cả binh đoàn thọc sâu ào về Sài Gòn như thác lũ. Tại phòng tuyến Nước Trong này, đại đội cũng phải để lại một liệt sĩ, đó là Nguyễn Kim Duyệt, pháo hai xe 380 của tôi. Đại đội 4 lại một lần nữa dẫn đầu đội hình xung phong qua cầu Sài Gòn đánh thẳng vào dinh Độc Lập. Xe 843 của anh Thận và xe 390 của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Còn anh Thận, với lá cờ giải phóng trong tay chạy thẳng vào dinh trong lúc không biết lực lượng địch trong đó thế nào...

Bao giờ anh được công nhận là Anh hùng?

Nghe thủng chuyện, chú em tấm tắc: “Thế thì đại đội anh cũng được phong anh hùng chứ nhỉ?”. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn: “Không” rồi thẫn thờ nhớ về những ngày bình công, báo công ở Tổng kho Long Bình - nơi Lữ đoàn 203 về tập kết sau chiến dịch. Lần đó, ngoài việc đề nghị tặng huân chương cho tất cả các xe và anh em trong đại đội, chúng tôi cũng mạnh dạn đề nghị trên xét phong anh hùng cho đại đội và cá nhân anh Bùi Quang Thận. Tuy nhiên, sau đó không thấy trên công nhận mà chỉ thấy cả lữ đoàn được tuyên dương anh hùng cùng với lời giải thích: “Cả lữ đoàn anh hùng thì tất cả các đơn vị, cá nhân trong lữ đoàn là anh hùng rồi còn gì mà thắc mắc”. Lúc đó, chúng tôi vui vẻ chấp nhận nhưng sau này vẫn thấy tiếc vì những đơn vị khác người ta cũng tuyên dương anh hùng cả lữ đoàn nhưng vẫn có cá nhân và đơn vị cấp dưới được tuyên dương. Cũng xin nói thêm, năm 2009, Trung đoàn 203 hiện nay đã có công văn đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội 4 và đại đội trưởng Bùi Quang Thận song không biết “tắc” ở khâu nào đó mà đến nay cũng chưa thấy hồi âm gì.

Vừa đi vừa chuyện trò, mãi gần 16 giờ hai anh em tôi mới đến nhà anh Thận. Đậu xe ngay cái bãi rộng cổng chợ Bàng, hỏi thăm một chị dáng chừng vừa đi chợ về. Chị hỏi lại: “ông Thận cắm cờ chứ gì?” rồi chỉ ngay ngôi nhà gần đó khi chúng tôi gật đầu. ồ, thì ra cơ ngơi “đại trưởng” của tôi cũng khá đấy chứ. Một ngôi nhà ba tầng khá khang trang, trên ban công là lá Quốc kỳ đang bay nhè nhẹ. Tầng một là gian hàng tạp hóa, bán đủ thứ linh tinh. Tôi nghĩ bụng: “Có lẽ anh đã đổi nghề” vì năm trước gặp nhau nghe anh nói bán bếp ga cơ mà. Đón chúng tôi ngoài cửa, anh hoan hỉ nhưng nghe ra vẫn có giọng trách móc: “Cuối cùng rồi thằng em cũng xuống thăm nhà anh được một lần”. Tôi chăm chú nhìn anh. Đúng là thần sắc anh không được như mọi năm. Biết lỗi, tôi đành xuê xoa: “Thì thỉnh thoảng anh em mình vẫn gặp nhau cơ mà. Nhưng đúng là đợt này trông anh không được khỏe”. Anh cười buồn: “ Gần 70 rồi còn khỏe được với ai. Dạo này ăn chẳng thấy gì ngon, người cứ mệt rũ ra. Anh đang định đi kiểm tra lại sức khỏe một chút”. Biết cái Huế, con gái lớn của anh đang làm ở Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần), tôi tham mưu: “Anh cứ lên chỗ cháu mà khám rồi ở lại chơi với bọn em mấy hôm”. Anh gật đầu: “Có lẽ anh sẽ lên đó”.

Lại nói chuyện con cái anh. Năm 1974, được đi phép lấy vợ. Khi trả phép anh dặn: “Nếu sinh con gái thì đặt tên là Huế, nếu sinh con trai thì đặt tên là Thành”. Kết quả, đúng như anh mong muốn song anh chị vượt kế hoạch và có thêm cái Huệ. Bây giờ cái Huế, cái Huệ ở Hà Nội, còn thằng Thành thì lại ở tận Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng vì các con đi xa cả, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng, sức khỏe càng ngày càng kém nên anh chị đã phải “đổi nghề”. Cửa hàng bán bếp ga đang làm ăn được song anh quyết định nghỉ “cho đỡ mệt”. Cái tầng một mặt tiền cho đứa cháu mở quầy tạp hóa. Mấy mẫu đầm nuôi thủy sản cũng cho cháu làm gần hết, anh chị chỉ giữ lại một vuông mà thôi. Mọi chi tiêu bây giờ chỉ còn lương hưu của anh nhưng ở nông thôn thế này cũng tạm đủ.

Thấy chị sửa soạn ra đầm cho cá ăn, tôi đòi đi theo. Đầm nuôi cách nhà chừng hơn ki -lô-mét, hai chị em vừa đi vừa nói chuyện. Chị thủ thỉ: “Làm đầm cũng vất vả lắm, vốn liếng bỏ ra lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Có năm mưa bão vỡ cả bờ, mất sạch. Năm thì tôm cá bị bệnh nên chẳng được bao nhiêu… Thế nên, anh định bỏ hết nhưng chị muốn giữ lại một vuông. Chủ yếu để có công việc, mỗi ngày vận động một tý cho khỏe người mà cũng vui, chú ạ”. Chả mấy chốc, hai chị em đã ra đến đầm. Phải nói rằng, đầm nuôi thủy sản ở vùng này được đầu tư khá tốt. Tất cả các vuông đầm đều được kè bê tông, đường đi trên mặt đầm cũng láng xi măng, các vuông đầm đều có cổng tháo ra kênh chung để thay nước khi cần… Vừa nhặt mớ cá con ném xuống đầm cho cá ăn, chị vừa rủ rỉ: “Năm nay, anh chị chỉ làm mỗi vuông này thôi, thả có 300 con cá vược. Thế mà mỗi ngày cũng mất mấy chục nghìn tiền cá con cho nó ăn đấy”. Tôi ngạc nhiên: “Sao không cho nó ăn thức ăn công nghiệp?. Chị cười: “Thứ đó, giống này nó không ăn. Cứ phải cá con mà còn tươi cơ”.

Chiều xuống dần. Vầng mặt trời đỏ ối sắp khuất sau rặng chuối, hai chị em mới tất tả ra về. Anh Thận bảo: “Chả mấy khi chú về, ở lại ăn cơm với anh chị. Nhà ngay cổng chợ, tiện lắm”. Tôi đang định gật đầu thì chú em nhanh nhảu: “Hôm nay, được gặp anh Thận ở đây thật là quý hóa. Nhà em cũng gần đây. Em mời anh chị lên đó dùng cơm với ông cụ nhà em. Em đã điện về nhà rồi”.

Tiệc lại được dọn ra, toàn hải sản cùng với rượu vodka Hà Nội. Họ thi nhau chúc rượu anh em tôi nhưng anh Thận xin phép chỉ “nhấp môi”. Nông dân chân chất của miền quê Thái Bình có chút men vào càng sôi nổi. Họ tự hào về mảnh đất quê hương mình đã sinh ra rất nhiều người con nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp có Anh hùng Nguyễn Thị Chiên dùng đòn gánh đánh Tây, có Anh hùng Tạ Quốc Luật bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có Anh hùng Phạm Tuân bắn rơi B52, sau đó còn lên cả vũ trụ và anh Bùi Quang Thận cắm cờ trên dinh Độc Lập, báo hiệu giờ toàn thắng. 

Bài và ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt