QĐND - Chúng tôi đến với nhau bằng một mối cơ duyên lạ lùng. Trong một buổi liên hoan cuối khóa, hai kẻ gần như xa lạ tưng bừng tranh cãi về cái “chất” của rượu Làng Vân (Bắc Giang) quê anh và rượu Can Lộc (Hà Tĩnh) quê tôi. Dù anh không sinh ra ở Làng Vân, tôi cũng chẳng phải con nhà nấu rượu ở Can Lộc. Lạ. Thế mà thành đôi.

Gà đồi Sơn Động

 

Lời hẹn trong phút bốc đồng là sẽ đưa nhau về Làng Vân và Can Lộc để đối tửu chứng thực lời đồn, bỗng trở thành sự thật theo một nghĩa khác. Cũng nồng nồng, say say, cũng váng vất mơ màng, nhưng không phải vì rượu. Một ngày cuối thu miền Bắc, anh dắt tôi về nhà - nơi xóm núi Sơn Động miền Kinh Bắc để ra mắt gia đình, cùng tính chuyện sang xuân cho hai đứa như lời các cụ.

Tôi cười cho mối duyên lạ, háo hức cho một hành trình và hồi hộp lo lắng cho cái ngày ra mắt. Mọi thứ xáo trộn, cồn cào, lạ lẫm...

Chạy xe máy từ Hà Nội về Sơn Động, một trải nghiệm không dễ gì có được, hai đứa quyết định cùng nhau cuộc hành trình đó. Xa dần những nồng nàn hoa sữa, bén hơi lạnh mùa thu qua từng lần áo mỏng và hôi hổi trong mình cảm giác yêu thương, chờ đợi. Chợt nghĩ có lẽ vì Thu lạnh nên cần có đôi, vì tuổi trẻ nồng nàn nên cần một bến đỗ.

Hoàng hôn phố núi một ngày cuối thu, tôi thầm gọi cho riêng mình chuyến đi đầy kỷ niệm đó. Về đến nơi đúng lúc sương xuống, trăng lạnh lẫn trong sương, thấm lạnh, thấm mệt nhưng vẫn háo hức trước những nụ cười nồng hậu ấm áp của những con người xóm núi. Mới ghé vào thôi nhưng mảnh đất này hình như đang giữ được chân mình. Về Sơn Động quê anh - nơi mé tây Yên Tử, nơi có bao nhiêu câu chuyện kỳ lạ, đã được nghe rất nhiều lần. Nhưng thật đúng khi người ta nói, nếu muốn thấm đẫm cái ngọt ngào của một miền đất, hãy dừng chân ở đó, uống một ly nước mát thay cho lời chào và một ngụm rượu thay cho lời từ biệt.

... thường ngủ trên cây

 

Chàng trai Bắc Hà hiếu thắng, ồn ào của tôi vội vàng thu dọn hành lý hai đứa vào nhà trong, xắn áo xắn quần đi bắt gà đãi tôi. Anh đã dặn kỹ mọi người để món gà anh về sẽ tự tay xử lý. Muộn một chút, hơi vô lý nhưng câu chuyện của đôi bạn trẻ ở một ngày như thế này, hứa hẹn sẽ kéo rất dài nên không ai giục giã.

Anh xuống nhà dưới lấy chiếc nón lá đội lên đầu trước đôi mắt tròn xoe ngơ ngác của tôi. Sao anh đi bắt gà lại đội nón? Thấy anh không có phản ứng gì tôi đâm cáu: “Này, anh có làm sao không vậy?” (Chết! Dễ mình yêu phải một tên dở người lắm.)

Không nghỉ ngơi mà theo anh đi bắt gà. Hai đứa đi ra vườn sau, cây cối um tùm, thấy hơi chợn chợn trong người nhưng quyết định vẫn đi, còn hơn là ngồi một mình trong nhà với những người lạ hoắc của nhà anh lúc này.

“Suỵt! Em ở yên đây nhé”! Hắn dặn tôi xong vội leo lên cây, thầm nghĩ cái đồ dở người này đi “hái gà” hay sao ý nhỉ? Đang định lên tiếng thì nghe tiếng cười đắc ý của hắn. “Ha ha! Đây rồi, gà của em!”.

Đang chưa hết ngơ ngác với điều vừa nghe thấy, lại mắt tròn mắt dẹt khi thấy hắn nhảy xuống nhẹ như không, tay túm theo một chú gà trống nhìn chắc nịch, đang hoảng hồn kêu choang choác.

- Ủa…! Anh… “hái gà” thật á?

Lại gần gốc cây, lom lom mắt ngó lên, hắn bật cười khanh khách: “Đồ ngốc kia! Em không có nón, mau tránh ra nào!!!”. Lờ mờ hiểu chuyện, nhưng vẫn không rõ đầu cua tai nheo như thế nào. Vội hỏi dồn: “ Anh! Gà rừng à? Mà sao lại có gà ở trên cây? Ờ mà… cây nào cũng có gà hả anh? Nhà ai cũng vậy à? Thích thế nhỉ? Kìa anh… sao không trả lời em?”.

Cái người đó hớn hở kéo tôi vào nhà, cười ranh mãnh: “Em hỏi từ từ thôi chứ! Sao? Anh đã nói là Sơn Động là miền đất của đặc sản và kỳ nhân mà, em sáng mắt ra chưa?”.

“Kỳ nhân gì chứ? Dị nhân thì có, này anh mà không nói rõ em “hoảng” không dám ăn luôn đây!”. “Ha ha… được vậy đã tốt!”.

Nói rồi hắn thoăn thoắt làm gà, một nhoắng đã xong, đúng là “sát thủ” chuyên nghiệp có khác. Câu chuyện dúng dẳng kéo dài giữa sự tò mò của tôi và kiểu cố ý làm ra bí ẩn của anh.

Bất ngờ đây! Tôi đang vô cùng vinh dự được thưởng thức món “gà ngủ trên cây” do tự tay người đàn ông của mình làm. Gà quê, gà đồi, gà chạy bộ… vân vân các loại gà, đều đã được nghe và nếm đủ. Còn đây, ông bạn gà- ngủ- trên- cây đúng là độc nhất vô nhị.

Anh kể ở xóm này người ta không làm chuồng gà, đất rừng mênh mông, cây cối um tùm, như một bản năng sinh tồn, một sự chọn lọc tự nhiên, ở đây mọi người đều nuôi gà ngủ trên cây như thế.

Bữa cơm hôm đó chắc vì đường xa bụng đói, chắc vì ngại ngùng bẽn lẽn, tò mò háo hức, ngon không tả nổi...

Còn hắn cười cười trêu: “Này! Xem ra em dám… vì một con gà mà “cưới đại” một “anh chồng” lắm nhỉ?”. Tôi vui vẻ: “Mơ tiếp đi, cho đến khi Sơn Động hết gà thôi nhé!”. “Ha ha… vậy thì… em hết đường về thật rồi!”.

Gã trai mà tôi yêu vốn bạo mồm và thích “nổ”, nhưng lần này thì tôi không cãi, nhẹ nhàng nói: “Mai mốt về Hà Nội em sẽ nhớ Sơn Động chết mất”.

... và "hái" gà ban đêm... Ảnh: Lộc Hà.

 

Bố mẹ anh cười nhìn chúng tôi đầy ẩn ý, rồi trong cơn say men nhè nhẹ, ông kể cho chúng tôi nghe về hồi ức đẹp đẽ về cuộc tình của ông với người con gái giờ là mẹ anh. Ông kể về một thời đã bao phen “vào sinh ra tử” đánh nhau với trai bản Mậu-một ngôi bản xinh xắn dưới chân núi phía Tây Yên Tử-để cưới được mẹ anh bây giờ. Tôi vỡ òa thích thú, thì ra mẹ anh là gái của làng tiến Vua, chả trách… Má bà ửng hồng, có lẽ không chỉ vì men rượu, huyền thoại về con gái bản Mậu quả không sai, tôi ngồi cười và nghĩ về thủa xuân thì của mẹ anh gần ba mươi năm về trước mà thầm ghen tị…

Rồi bố anh hỏi về chuyện của chúng tôi, trong khi tôi đang ấp úng không biết bắt đầu từ đâu. Anh nhanh nhẩu trả lời ngắn gọn: “Bọn con á, à… thì là nhất cụng ly, nhì lắm mồm… em nhỉ!”. Người lớn không hiểu, trách anh trẻ ranh, hai đứa lén nhìn nhau cười, có những câu chuyện có lẽ nên dành riêng cho hai người.

Trăng khuya lành lạnh, nhưng bủa vây khắp tôi là cảm giác say say, ấm áp lạ lùng. Cái vị ngòn ngọt, béo béo, thơm thơm giòn giòn của món gà ngủ trên cây nhen lên trong tôi cái tự hào “quê chồng”. Đang tính mai về Hà Nội phải triệu tập ngay hội trà đá để khoe về cái của lạ này.

Ở lại Sơn Động hai ngày, trước khi hai đứa khăn gói quả mướp về xuôi, người nhà anh lại nhắc đi nhắc lại câu chuyện đã hỏi tôi nhiều lần: “Mai mốt hai đứa vào Hà Tĩnh, mẹ cứ lo… mà trong đó thế nào con? Mẹ nghe nói người Can Lộc trong con thử bụng con rể bằng rượu nếp à? Con liệu thế nào chứ thằng bé này xem ra uống không nổi đâu”.

Tôi lại mất một hồi thanh minh thanh nga, thấy buồn cười cho cách nghĩ của cha mẹ anh về Hà Tĩnh, có gì đó vừa tự hào vừa yêu thương nhen lên trong lòng.

Siết nhẹ tay gã trai đó, xe bắt đầu lăn bánh. Có một quyết định sẽ nói với anh khi hai đứa về đến Hà Nội. Có lẽ cảm xúc khi ở bên người con trai đó, trong một buổi hoàng hôn mùa thu nơi xóm núi này sẽ mãi ở trong tôi, thiêng liêng như một kỷ vật.

Tự hứa, mai đưa anh về Can Lộc!

Bút ký của MAI TRANG