QĐND - Con đường nhỏ dọc theo sông Bồ đưa chúng tôi về thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thôn Niêm Phò vẫn bình dị, mộc mạc và yên ả như bao đời nay. Có người đã từng ví, sự bình dị, mộc mạc đó như chính con người của Đại tướng vậy. Và giờ đây, Niêm Phò đã có một khu nhà lưu niệm, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng về Đại tướng. Đây là nơi hội tụ, hàn huyên tâm sự của những người đồng chí, đồng đội một thời vào sinh ra tử với Đại tướng. Họ là những người tù ở khám Chí Hòa, lao Thừa Phủ, đồn Mang Cá... những người ở khắp mọi miền Tổ quốc, cả những em nhỏ đang còn cắp sách đến trường. Họ đến với Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ để nhìn ngắm những hình ảnh, gợi nhớ những kỷ niệm của Đại tướng qua những tư liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn về những năm tháng không thể nào quên, về một thời đấu tranh cách mạng gian lao mà vinh quang, mà còn đến vì sự sẻ chia, tỏ lòng kính phục trước một con người cộng sản huyền thoại với câu nói bất hủ: “Nắm chặt thắt lưng địch mà đánh”...
Lật giở những trang nhật ký của những người đã từng đến thăm khu nhà lưu niệm ở Niêm Phò, tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Đại tướng. Bạn Lê Quỳnh Anh, lớp K15 Trường Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An xúc động viết: “Kính thưa Bác Đại tướng Nguyễn Chí Thanh! Được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Bác, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được mỗi nơi Bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Đức độ và tài năng của Bác thế hệ chúng cháu nguyện mãi học tập suốt đời”.
 |
Ảnh: Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ.
|
“Cháu tiếc rằng, mình sinh sau, đẻ muộn, nên không có cơ hội được gặp Đại tướng…”, Phạm Văn Quang đến từ TP Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc. “Cháu sinh ra ở Huế, sống ở Nha Trang. Chứng kiến những hiện vật in giấu một thời của Đại tướng càng làm cho cháu kính trọng hơn về sự giản dị, đức hy sinh vì nước, vì dân của Đại tướng”, Nguyễn Thị Trang, một sinh viên viết. “Chúng con đến đây, được tận mắt chứng kiện sự mộc mạc, giản dị của Đại tướng. Từ đáy lòng mình, chúng con đời đời nhớ ơn Đại tướng. Nguyện học tập và làm theo tấm gương Đại tướng”, nhóm học sinh Trường Quốc Học Huế bày tỏ tình cảm của mình...
“Tôi gặp và cùng hoạt động với anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) từ đầu năm 1937... Tiếp xúc và cùng hoạt động với Nguyễn Vịnh tôi càng thấy rõ con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi trong sáng của anh, hiên ngang trước kẻ thù, chân tình, cởi mở, chan hòa với anh em, bạn bè, được mọi người tin yêu, mến phục”, đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ đã viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy!
Quê hương Niêm Phò của Đại tướng Nguyễn chí Thanh giờ đây đang từng ngày đổi thay. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của anh Nguyễn Thanh Minh, người gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng chú ruột. Với vai trò là Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, anh Minh thường ngày đêm trăn trở: Làm sao xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển? Anh tự hào: “Tui nhận thấy, chức vụ của mình tuy chỉ là lãnh đạo xã, nhưng trọng trách của mình thật lớn. Lớn hơn cả là được chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong xã giao trông coi, bảo quản, chăm lo hương khói tại ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Kỷ niệm của tui về chú Đại tướng chính là từng kỷ vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của chú còn lưu giữ tại nơi đây”.
Tự hào và noi gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bà con Quảng Thọ luôn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ông Hoàng Công Phong, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết: “Nhắc đến Quảng Thọ, người ta nhớ ngay đến câu: “Rau má, cá lồng”. Đây là 2 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, giúp địa phương tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế, xã hội”.
Quảng Thọ đang từng ngày thay da, đổi thịt. Những con đường đất giờ đã được bê tông hóa. Đường Nguyễn Chí Thanh đi ngang qua trung tâm xã đã góp phần làm tốt vai trò cầu nối giữa trung tâm huyện Quảng Điền và TP Huế. Hệ thống đường ven sông Bồ đến Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng được nhựa hóa, tạo thuận lợi trong giao thông đi lại của người dân. Cùng với giao thông, các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa cũng được đầu tư xây dựng. Đến nay, Quảng Thọ đã cơ bản hoàn thành việc cắm mốc mở rộng các trục đường liên thôn, liên xóm, đảm bảo nền đường rộng từ 4 đến 5m. Nhân dân toàn xã đã tự nguyện hiến 3.570m2 đất, chặt 1.562 cây các loại... để mở rộng đường thôn, ngõ xóm, góp phần xây dựng nông thôn mới...
Những ngày này, người dân làng Niêm Phò đang nô nức phấn khởi đón chào kỷ niệm lần thứ 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Băng rôn, cờ, biểu ngữ đón chào sự kiện trải dài từ trung tâm xã đến tận các thôn, làng trên địa bàn. Trên mỗi con đường về Niêm Phò đều rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày sinh nhật Đại tướng. Người dân Niêm Phò tự hào về nơi đã từng ghi đậm dấu ấn tuổi niên thiếu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH THĂNG