Khai giảng… để đào tạo tiếng Anh dự bị?

Ngày 16-9, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, Trường Đại học FPT tổ chức khai giảng chào mừng 472 sinh viên khóa 1 Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ. Ngay sau đó, nhà trường tổ chức các hoạt động dạy và học. Dư luận và các cơ quan chức năng cho rằng Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ mới có chủ trương, chưa có giấy phép thành lập, chưa được phép hoạt động đã thuê một địa điểm để tổ chức khai giảng và đi vào hoạt động là bất chấp quy định.

Trước đó, ngày 18-3-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ký Quyết định số 823/QĐ-BGDĐT phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ. Quyết định nêu rõ, Trường Đại học FPT có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ theo quy định, trình Bộ GD-ĐT xem xét quyết định...

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ biến thành Phân hiệu Trường Đại học FPT.

Trước sự việc trên, ngày 16-10-2017, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ mới có Công văn số 3965/UBND-KGVX gửi Bộ GD-ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học FPT tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trường vẫn chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21-4-2017 của Chính phủ.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 16-11-2017, ông Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT có Văn bản số 548/DHFPT-VPFEHO gửi các cơ quan chức năng TP Cần Thơ. Theo công văn trên, ông Thành cho rằng, ngày 18-3-2016, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho trường lập phân hiệu tại TP Cần Thơ. Tháng 8-2017, trường chính thức nộp hồ sơ lên bộ xin phép thành lập phân hiệu. Hiện trường đã thực hiện công tác quy hoạch mặt bằng 1/500, thiết kế kiến trúc, thiết kế thi công và xin phép xây dựng tại đường Nguyễn Văn Cừ nối dài. Tháng 11-2017, trường đã khởi công. Dự kiến, tháng 5-2018, trường sẽ hoàn thành khối nhà học đầu tiên cùng các công trình phụ trợ.

Theo như ông Nguyễn Khắc Thành lý giải: “Năm 2017, do chương trình đào tạo đặc thù có một năm tiếng Anh dự bị trước khi vào học chính thức nên để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trường tổ chức các lớp tiếng Anh dự bị cho sinh viên học tại TP Cần Thơ. Việc này lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bộ GD-ĐT. Ban giám hiệu nhà trường cam kết sẽ tiến hành nhanh các thủ tục xây dựng và chuẩn bị điều kiện cần thiết để chính thức thành lập và hoạt động trước tháng 9-2018”.

Lý do không thuyết phục

Qua xem xét hồ sơ, chúng tôi nhận thấy lý do mà ông Nguyễn Khắc Thành đưa ra không thuyết phục. Trước đó, ông Thành đã ký Báo cáo số 379/BC-ĐHFPT về tình hình thực hiện cam kết theo Hồ sơ đề nghị của Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ. Theo như báo cáo này, trường chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chính thức đào tạo vào tháng 9-2018. Thế nhưng, theo các thông báo của trường, 472 sinh viên khóa 1 đang theo học tại TP Cần Thơ không phải học dự bị tiếng Anh mà tham gia học như một khóa chính quy.

Ngay sau khi tổ chức khai giảng, trường đã tổ chức học quân sự kèm theo các hoạt động ngoại khóa khác. Cụ thể, trong Thông báo số 1 về việc tập trung lịch học đầu khóa đối với tân sinh viên Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ vào ngày 10-8-2017, do Phó hiệu trưởng Trường Đại học FPT Nguyễn Xuân Phong ký, ghi rõ lịch học tập trung và bắt buộc đối với tân sinh viên, lịch trình bắt đầu từ ngày 11-9-2017, các chuyên ngành học cụ thể như: Kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, thiết kế đồ họa, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Anh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết: “Trước đây, Bộ GD-ĐT có chủ trương cho phép thành lập Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ, việc đó chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, phía nhà trường phải xúc tiến các thủ tục cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Việc Trường Đại học FPT đến thuê Trung tâm Dịch vụ việc làm của TP Cần Thơ, chúng tôi có nghe dư luận phản ảnh, nhất là việc tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục, nhưng hiện tại Sở GD-ĐT không có thẩm quyền để giải quyết bất cứ vấn đề gì. Về mặt pháp lý, đó chưa phải là một điểm trường nằm trên địa bàn TP Cần Thơ. Chúng tôi đã làm công văn báo cáo UBND TP Cần Thơ để xử lý”.

Dư luận thắc mắc, vì sao để một cơ sở đào tạo theo kiểu “hai không” hoạt động lại không bị phát hiện và xử lý? Ngoài ra, điểm trường tổ chức thuê giảng dạy lại là Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khánh thành, có nhiều phòng chức năng và máy móc phục vụ đào tạo nghề với vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, giao cho TP Cần Thơ quản lý và sử dụng thì lại đem cho cơ sở đào tạo chưa có giấy phép thuê.

Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin về sự việc tới bạn đọc.

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG