QĐND - Tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 70 và Quốc lộ 2, đồng thời hạn chế đáng kể tai nạn giao thông trong khu vực, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, dọc tuyến đường này đã xuất hiện vô số các "lỗ hổng" tại hệ thống rào chắn do người dân tự ý phá dỡ để sang đường.
Coi thường pháp luật
Có mặt tại khu vực chân cầu vượt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến Quốc lộ 2, thuộc địa phận khu 8, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ trong khoảng thời gian chưa đến 30 phút, chúng tôi ghi nhận được hàng chục lượt người dân "tay xách nách mang", dễ dàng đi qua lớp hàng rào bảo vệ đã được mở tung để ra đường cao tốc bắt xe khách. Cũng tại đây, có rất nhiều lái xe ôm, xe tắc-xi túc trực hành nghề suốt từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Mỗi khi ô tô khách dừng đón, trả khách, hàng chục người đàn ông chạy ùa ra mời chào, chèo kéo, gây nên cảnh khá hỗn loạn, khiến nhiều xe ô tô đang chạy với vận tốc gần 100km/giờ phải đột ngột giảm tốc độ. Nguy hiểm hơn, lực lượng xe ôm còn liên tục chở khách chạy ngược chiều từ vị trí chân cầu vượt này đến một trạm nghỉ chân cách đó 2km. Theo những người này, lên trạm nghỉ bắt xe tiện hơn, vì ô tô khách thường dừng tại đó để bơm xăng và nghỉ giải lao. Chưa hết, thỉnh thoảng, người ta lại thấy vài ba người dân “đầu trần chân đất”, vai vác dụng cụ lao động, "hồn nhiên" chạy xe gắn máy ngược chiều trên đường cao tốc mà không thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
 |
Người dân tháo dỡ hàng rào bảo vệ ở chân cầu vượt thuộc khu 8, xã Phù Ninh (Phù Ninh, Phú Thọ) để vào đường cao tốc.
|
Dừng xe gắn máy ngay lòng đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Kỷ, người dân huyện Phù Ninh vừa buộc lại bó củi, vừa bảo: “Nhà tôi ngay đây thôi, đi tắt đường này cho gần. Nếu đi theo hầm chui dân sinh phải hai cây số”.
Còn ông Nguyễn Tiến Đài, xóm Đồng Danh, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thì cho biết, từ khi tuyến đường này xây dựng và đưa vào khai thác, 20 hộ dân trong xóm, mỗi hộ có 1-2ha nương, hằng ngày vẫn phải phá rào đi tắt qua đường cao tốc để đến cánh đồng. “Khi làm đường, chủ đầu tư đã hứa làm đường gom nhưng đến giờ vẫn chưa có. Vì thế, các hộ dân bắt buộc phải phá hàng rào để lấy đường đi thu hoạch mùa màng, rồi trồng cây vụ đông”, ông Đài cho biết.
Theo dõi suốt tuyến đường cao tốc từ tỉnh Phú Thọ đến địa phận tỉnh Lào Cai, người đi đường chứng kiến rất nhiều đoạn hàng rào và tôn hộ lan bị người dân tự ý mở rộng ra để đi bộ, đi xe gắn máy, thậm chí thả rông vật nuôi trên đường, nhất là đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai. Anh Nguyễn Hữu Trung, lái xe tải thường xuyên từ Hải Phòng-Lào Cai qua tuyến đường này nhiều phen hú vía vì những chướng ngại vật như người đi bộ, gia súc chạy qua đường, xe gắn máy chạy ngược chiều đường cao tốc bất thình lình xuất hiện trước mũi xe. “Xe đang chạy tốc độ cao từ 80-100km/giờ sẽ rất khó xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ. Đường cao tốc quy định chỉ cho xe ô tô lưu thông, vậy mà người đi bộ, xe gắn máy, gia súc, vật nuôi vẫn "vô tư" chạy thì có khác gì đường… làng”, anh Trung ngao ngán.
Không xử phạt vì... phân cấp?
Theo một vị đại diện đơn vị quản lý và điều hành cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến đường đã tiến hành sửa chữa, rào đóng, có những điểm bị phá đi phá lại rất nhiều lần, có điểm kết nối với đường quốc lộ, tỉnh lộ nên xuất hiện tình trạng trốn phí lưu thông, gây thất thoát đến doanh thu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Nhà nước. “Dù đơn vị vận hành, bảo trì đường cao tốc đã phát hiện và có các biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời một số điểm mở, cắt hàng rào đã được đóng lại, tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân chưa chịu chấp hành đúng pháp luật cũng chỉ vì ở một vài nơi trên tuyến đường còn thiếu đường gom dân sinh”, vị đại diện này cho biết.
 |
Người lái xe ôm vô tư chở khách đi ngược đường cao tốc (ảnh chụp thuộc địa phận xã Phù Ninh).
|
Trao đổi vấn đề này với Thiếu tá Vũ Đình Trụ, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được anh cho biết, lực lượng CSGT của tỉnh cũng đã nắm được hiện tượng người dân tự ý phá hàng rào bảo vệ để bắt xe khách và việc một số người dân bất chấp nguy hiểm, có hành vi đi xe gắn máy trên đường cao tốc. Tuy nhiên, lực lượng CSGT của tỉnh Phú Thọ không được phép vào con đường này để tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm, mà trách nhiệm đó thuộc về Cục CSGT. Về phía Phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ, đơn vị cũng đã tham mưu với cơ quan cấp trên, trực tiếp là Cục CSGT về hướng xử lý các hiện tượng này, nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời hay giao trách nhiệm cụ thể của cơ quan này cho CSGT các tỉnh có đường cao tốc đi qua, trong đó có tỉnh Phú Thọ.
Được biết, từ ngày 4-11, Công ty Giải pháp công nghệ FPT phối hợp với Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam bắt đầu lắp đặt khoảng 60 ca-mê-ra giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai theo Dự án thí điểm giám sát xử lý vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp "xé rào" nào bị xử lý do phát hiện từ ca-mê-ra.
Thiết nghĩ, nếu cơ quan chức năng chỉ chú trọng đến vấn đề “phạt nguội” các phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc mà không chú ý đến những bất cập như đã nêu ở trên thì nguy cơ tai nạn giao thông còn tiềm ẩn thật khó lường. Vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật, cũng cần có các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Các lực lượng chức năng, trực tiếp là Cục CSGT, Thanh tra Giao thông cần sớm ra quân vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với địa phương để xử lý kiên quyết nạn "xé rào", coi thường pháp luật, nhằm tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc luôn rình rập. Còn với Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, cần xem lại việc thiết kế, bổ sung hệ thống đường gom dân sinh. Một dự án đường cao tốc lớn trên tuyến giao thông huyết mạch đã hoàn thành mà thiếu đường gom dân sinh là điều không thể chấp nhận.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG