Theo sử sách, từ thời Lý cách nay ngàn năm đã có "Lệ trồng cây" do triều đình qui định, để các triều thần mỗi người phải trồng một cây, mà phải là cây làm cho Kinh thành đẹp, phố phường mát mẻ. Cho nên thời ấy, giống cây được chọn cho "Lệ trồng cây" là cây liễu, cây hòe, cây sấu hoặc cây muỗm...
Chứng nhân của "lệ" ấy là cây hòe, về sau đã thành tên phố "Hòe Nhai" dài 396 mét đi từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng. Đây nguyên là địa phận thôn Thạch Khối Thượng thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Quy định của triều Lý trồng cây trên con đường từ Hoàng Thành ra tới bến Đông. Từ tên một con đường là Hòe Nhai, được lấy làm tên thôn cũng là Hòe Nhai. Rồi chùa Hồng Phúc ở thôn này cũng được gọi là chùa Hòe Nhai.
Con đường thứ hai mang tên một loài cây, đó là đường Liễu Giai. Đường này đi từ phố Đội Cấn đến phố Kim Mã, dài 730 mét. Đây là một phố mới mở khoảng cuối những năm 1980, do san lấp các ao hồ của làng Liễu Giai và Kim Mã Thượng. Lịch sử viết rằng: Liễu Giai xưa vốn là một trong 10 trại, hợp thành tổng Nội của huyện Vĩnh Thuận cũ. Liễu Giai có nghĩa là con đường trồng liễu và có người biết rằng làng này vào thời Lý-Trần, có nhiều tư gia, dinh thự của các ông hoàng, bà chúa. Ven đường đi vào làng trồng các dãy liễu, về sau tên chữ là Liễu Giai.
Đến thời đại Hồ Chí Minh tuy không đề ra "luật" hoặc "lệ" trồng cây nhưng Bác Hồ đã phát động phong trào "Tết trồng cây" vào năm 1960 với ý nghĩa rất sâu sắc: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Khác với "lệ trồng cây" thời nhà Lý, "Tết trồng cây" thời nay là nhằm phủ xanh đồi hoang núi trọc chứ không chỉ trồng cây trang trí Hoàng thành và Kinh thành.
 |
Trồng cây trên quần đảo Trường Sa
|
Điểm khác nữa là thời nhà Lý chỉ quy định các quan đại thần phải trồng cây, còn thời đại Hồ Chí Minh thì vận động tất cả toàn dân tham gia trồng cây và bao gồm nhiều giống cây. Chính người đứng đầu nước Việt Nam phát động "Tết trồng cây" là người đã bền bỉ nhất, gương mẫu nhất, dẫn đầu phong trào này. Nhiều cây xanh do Bác trồng nay đã thành cổ thụ và mang ý nghĩa một di tích lịch sử-văn hóa, như: Cây đa ở xã Vật Lại, tỉnh Sơn Tây cũ đã đi vào nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật; cây đa tại huyện Đông Anh-Hà Nội cạnh đường số 2, nay xum xuê bóng mát; cây đa ở đầu đường Thanh Niên, cửa đền Quán Thánh-Hà Nội, có tới 8 gốc phụ, đổ bóng xuống diện tích mấy trăm mét vuông. Còn cây đa ở công viên Thống Nhất-Hà Nội, trở thành một cái ô rất lớn cho hàng trăm người ngồi nghỉ ngơi hóng mát. Chính khi trồng cây đa này, Bác Hồ đã nói với anh chị em công nhân và học sinh, sinh viên tham gia "ngày thứ 7 cộng sản" có mặt trên công trường Thống Nhất: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
Từ khi Bác Hồ phát động phong trào "Tết trồng cây", tính đến nay đã tròn 50 năm, chưa một cơ quan hay đoàn thể nào đứng ra tổng kết xem phong trào "Tết trồng cây" đã có hiệu quả trên từng mặt như thế nào? số lượng gỗ, số lượng héc-ta rừng núi đã được phủ xanh và khả năng chống xói mòn, sụt lở v.v.. Tuy chưa có con số tổng kết cụ thể, nhưng cả nước ta ai cũng nhìn thấy cái lợi to lớn của phong trào. Và tuy Bác đã đi xa hơn 40 năm, nhưng cả ba miền Bắc-Trung-Nam hằng năm vẫn tích cực thực hiện ý nguyện của Người:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Ngọc Minh